Thủ 2 vali USD nguyên niêm phong của FBI: Phan Sào Nam âm mưu gì
- 08:59 19-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vụ án Phan Sào Nam và những con số
Trước thời điểm vụ án được khám phá, chủ nhà đã thuê người quét lại sơn trong nhà kho. Khi đó, các công nhân xây dựng đã dùng các thùng đựng tiền làm giá đỡ để đứng lên quét sơn.
10 máy đếm tiền: Để vận chuyển số tiền lớn này về, công an tỉnh phải áp tải một chặng đường dài từ Quảng Ninh về Phú Thọ. Trong ngày hôm đó, 10 máy đếm tiền của một ngân hàng phải đếm đến gần sáng hôm sau mới có thể niêm phong được số tiền trên vào Kho bạc...
2 va li USD: Quá trình điều tra mở rộng, còn thu giữ 2 va ly tiền đô la Mỹ cùng vàng của Nam gửi tại TP.HCM. Khi mở còn niêm phong của FBI. |
1.264 tỷ đồng: Lời khai của các bị cáo là giám đốc, phó giám đốc các công ty trung gian cho biết, việc họ “bắt tay” với công ty CNC do Nguyễn Văn Dương là Chủ tịch HĐQT nhằm mục đích nâng khống doanh số (thể hiện trong 49 tờ hóa đơn giá trị gia tăng) hơn 1.264 tỷ đồng.
236 tỷ đồng gửi tiết kiệm: Sau khi kiếm bộn tiền từ việc tổ chức đánh bạc, Phan Sào Nam chuyển cho dì ruột của mình là Phan Thu Hương hơn 236 tỷ đồng gửi tiết kiệm và mua bất động sản; chỉ đạo Đỗ Bích Thủy (nguyên GĐ công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt) rút 50 tỷ đồng gửi tiết kiệm.
530 tỷ đồng: Phan Sào Nam khai chuyển cho Hoàng Thành Trung và một người có tên Lê Văn Kiên để chi phí và cất giữ vàng, đô la Mỹ, trị giá 530 tỷ đồng. Vì chưa bắt được Trung nên CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ, khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra, xử lý sau.
8.840 tỷ đồng: Tiền các con bạc sử dụng thẻ viễn thông, thẻ game là hơn 8.840 tỷ đồng; Tiền con bạc sử dụng thẻ Gocoin là hơn 366 tỷ đồng; Tiền con bạc sử dụng thẻ Vcard là hơn 460 tỷ đồng; Tiền con bạc sử dụng thẻ ATM của các ngân hàng là hơn 186 tỷ đồng.
1.248 tỷ đồng: Số tiền doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến được phân chia cho các công ty phát hành thẻ là hơn 1.248 tỷ đồng và 33 ngân hàng phát hành thẻ ATM là hơn 965 triệu đồng.
Bắt nguyên Tổng giám đốc Mobifone
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam bà Phạm Thị Phương Anh - Phó tổng giám đốc và ông Cao Duy Hải - nguyên Tổng giám đốc Mobifone. Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc Mobifone, hiện là cán bộ Văn phòng Mobifone bị bắt về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, điều 220 bộ luật Hình sự năm 2015.
Còn Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc Mobifone, bị bắt về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, điều 220 bộ luật Hình sự năm 2015.
Cường Đô la đột ngột từ nhiệm 'ghế nóng'
Vì lý do cá nhân, ông Nguyễn Quốc Cường sẽ thôi giữ vị trí thành viên HĐQT QCG từ ngày 16/11/2018. Được biết, HĐQT QCG sẽ tìm kiếm ứng viên phù hợp thay thế ông Cường trong thời gian sớm nhất.
Ông Cường là con trai của bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT QCG. Hiện trong QCG, ông vẫn còn giữ chức Phó Tổng Giám đốc.
|
Báo cáo tài chính quý 3 của QCG cho thấy, công ty này có kết quả kinh doanh vô cùng ảm đạm. Trong quý 3/2018, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp chỉ đạt hơn 1,2 tỷ đồng, giảm hơn 130 lần so với cùng kỳ năm trước (hơn 165 tỷ đồng).
Con số lợi nhuận trên nếu đem so với số vốn chủ sở hữu trên 4.000 tỷ và tổng tài sản trị giá hơn 12 nghìn tỷ đồng thì vô cùng ít ỏi.
Con út gia tộc Trịnh Văn Bô đấu đại gia bí ẩn
Kết quả thẩm định năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần Vinaconex chỉ có 2 nhà đầu tư đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá mua cổ phần của Viettel tại Vinaconex theo lô. Đó là 2 cái tên: CTCP Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam của ông Trịnh Cần Chính và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ.
Mặc dù là một doanh nghiệp có gắn tới một biểu tượng của doanh nhân Việt xưa kia nhưng Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam của ông Trịnh Cần Chính vẫn không thực sự thuyết phục về năng lực tài chính.
Trong khi đó, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ thì hoàn toàn lạ lẫm, mới thành lập 2017 với quy mô vốn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây thực sự là một ẩn số và giới đầu tư chờ đợi xem đại gia nào đứng đằng sau doanh nghiệp này.
Đại gia Trịnh Văn Quyết quyết tâm bay vào 2018
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, Bamboo Airways sẽ giữ đúng kế hoạch cất cánh trong quý IV năm nay, dự kiến thực hiện chuyến bay đầu tiên vào 29/12.
Hãng bay của FLC vừa được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không. Theo đó, đối tượng vận chuyển của Bamboo Airways bao gồm hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu gửi; loại hình vận chuyển là thường lệ và không thường lệ.
|
Vốn điều lệ trên giấy phép bay là 700 tỷ đồng. Bamboo Airways hiện là hãng bay thứ 5 tại Việt Nam có giấy phép bay vận chuyển hành khách, bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.
Ông Ngô Chí Dũng và mẹ muốn mua 21 triệu cổ phiếu
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT và bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Dũng) đã đăng ký mua lần lượt 8 triệu và 13 triệu cổ phiếu, với mục đích gia tăng sở hữu.
Gia đình ông Ngô Chí Dũng hiện là những cổ đông lớn nhất tại nhà băng này. Trước giao dịch, Chủ tịch VPBank đang sở hữu hơn 113 triệu cổ phiếu, tương đương gần 4,5% vốn của ngân hàng. Bà Vũ Thị Quyên cũng sở hữu gần 108 triệu cổ phiếu (4,26%). Nếu giao dịch thành công, sở hữu của hai cổ đông này sẽ tăng lên 4,81% và 4,77%.
Ông Lê Ngọc Lâm được giao phụ trách Ban điều hành BIDV
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc BIDV đã được giao nhiệm vụ phụ trách Ban điều hành ngân hàng. Quyết định này được đưa ra cùng thời điểm bổ nhiệm ông Phan Đức Tú, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc BIDV vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Ông Lê Ngọc Lâm, sinh năm 1975, bắt đầu công tác tại BIDV từ năm 1997. Tháng 3/2009, ông được phổ nhiệm vào vị trí Phó giám đốc Ban Quản lý rủi ro tín dụng. Sau đó hơn một năm, ông giữ chức Phó giám đốc BIDV Sở giao dịch 1 và đến đầu năm 2015, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc ngân hàng.
Cũng theo quyết định mới đây từ BIDV, ông Phan Đức Tú, tân Chủ tịch HĐQT cũng trở thành người đại diện 40% vốn Nhà nước tại nhà băng này.