Rượu bia gây tổn thất 65.000 tỷ, Bộ trưởng Y tế đưa lên bàn cân lợi - hại
- 15:53 16-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sáng nay, ĐB Trần Quang Chiểu, ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách cho rằng nếu để tên luật như vậy chẳng khác nào khẳng định đây là đồ uống có hại.
“Nếu vậy chúng ta nghĩ gì khi những ngày lễ tết đều dâng lên tổ tiên, khi cúng người thân đã mất ngoài bát cơm còn có chén rượu? Chúng ta nghĩ gì khi khách quốc tế đến thăm, lãnh đạo cầm ly rượu vang tiếp khách", ĐB Chiểu đặt vấn đề.
ĐB Trần Quang Chiểu. Ảnh: Minh Thăng |
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình đề nghị đổi tên luật thành kiểm soát việc "lạm dụng đồ uống có cồn", hướng đến những người dưới 18 tuổi.
Ông lưu ý, không nên giảm nhu cầu về đồ uống có cồn nói chung, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến người uống có trách nhiệm và DN kinh doanh hợp pháp.
Không khai tử ngành rượu bia
Ở chiều ngược lại, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho rằng, quảng cáo bia rượu làm người ta nhầm tưởng rượu như thần dược với những từ như "hào khí ngàn năm", "chung một đam mê", "chất men thành công"...
“Những mỹ từ đó đã quên hay cố tình quên đi những bi kịch do rượu bia mang lại, các vụ tai nạn từ rượu bia, vợ mất chồng, con mất cha?”, ĐB Nhân lưu ý.
Theo ông, rất cần thiết ban hành luật với những chế định chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa quảng cáo bia rượu, trả về đúng bản chất tác hại vốn chực chờ lấy dần mòn và mãi mãi tâm sức của con người. Đồng thời quy định điều kiện về địa điểm, đối tượng không được bán rượu bia.
ĐB Phạm Trọng Nhân. Ảnh: Minh Thăng |
“Mỗi năm bia rượu gây tổn thấy ít nhất 1,3% GDP. Dù cố gắng biện minh cho việc phát triển kinh tế giải quyết việc làm thì vẫn khó chấp nhận. Có người đổ tác hại của rượu bia cho người sử dụng lạm dụng, và ngành rượu bia vô can. Việc cung cấp ra ngoài thị trường loại thức uống lắm tác hại và nhiều bệnh tật lại dùng nhiều lý lẽ và mỹ từ để bảo vệ”, ông Nhân nói.
Ông nhấn mạnh, bia rượu là nguyên nhân của vòng luẩn quẩn đói nghèo và bệnh tật, bạo hành, sản xuất đồ uống có cồn còn đe doạ sự phát triển bền vững sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
“Phản biện tranh luận là cần thiết, nhưng phản biện đến mức cho rằng nếu thông qua luật này làm khai tử ngành rượu bia thì hãy xin một lần đặt mình vào hoàn cảnh của những người thân người nghiện rượu, nợ nần chồng chất. Hãy một lần lắng nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng do bia rượu gây ra, hẳn sẽ có sự sẻ chia với những đau thương của người ở lại”, ĐB tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Ông cũng đặt vấn đề, chọn sức khoẻ của nhân dân hay khoản thu 50.000 tỷ đồng mỗi năm và lưu ý con số tổn thất do tác hại của rượu bia lên đến 65.000 tỷ đồng.
“Tôi mong rằng luật quy định một cách chặt chẽ, không có cài cắm lợi ích qua việc cố tình đánh tráo khái niệm vì tổn thất và tác hại của bia rượu lên xã hội là rất lớn. Đã đến lúc phải hạn chế mức thấp nhất những tác hại này, đưa đất nước ra khỏi vị trí không mấy tốt đẹp ở hàng đầu khu vực hay thế giới về uống rượu bia”, ĐB Nhân nói.
Đặt lên bàn cân lợi, hại
Với quan điểm dung hoà hơn, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ đồng ý nên sớm có luật này vì tác hại của rượu bia ngày càng nhiều và nghiêm trọng. “Là một bác sỹ hầu như không uống rượu, tôi chia sẻ sâu sắc điều này”, ĐB Trí nói.
ĐB Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Minh Thăng |
Ông cho rằng xây dựng luật để ngăn chặn triệt để tác hại của rượu là rất cần thiết, rất nên ủng hộ nhưng rất khó vì lợi hại đan xen, phạm vi rộng, đối tượng nhiều.
Vì vậy, ông đề nghị dự luật ngoài việc phòng chống tác hại cần hướng dẫn, tạo điều kiện để rượu tồn tại trong đời sống tốt hơn, văn minh hơn. Cần có cái nhìn khách quan từ 2 phía hại và lợi.
Luật cần bao quát tất cả các công đoạn sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu phải văn hoá, văn minh, hết sức nghiêm khắc với những điều sai, điều không phù hợp và phải đảm bảo tính khả thi.
“Tôi đề nghị cấm ép buộc và kích động người khác uống rượu bia. Ai cũng thế, không kể 18 tuổi. Tôi từng ngồi những cuộc họ kích động lẫn nhau để uống rượu”, ông nói.
Theo ông, rượu bia là hàng hoá cũng cần quảng cáo nhưng hạn chế nội dung, địa điểm, thời gian và loại hình, không cần giới hạn độ cồn. Bởi “rượu nhạt uống lắm cũng say, người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: quochoi.vn |
Giải trình ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Cái gì có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, cái gì không có lợi cho dân thì không làm”.
Bộ trưởng Tiến nhìn nhận dự luật vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều vì có sự đối lập giữa bảo vệ sức khoẻ con người và các nhà sản xuất kinh doanh rượu bia. Ban soạn thảo sẽ cố gắng tiếp cận một cách hài hoà giữa sức khoẻ, kinh tế, xã hội.
"Chúng ta phải đặt lên bàn cân giữa cái lợi về kinh tế, và cái hại về sức khoẻ, an sinh xã hội", Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Về tên gọi, bà đề nghị giữ nguyên vì dễ đọc, dễ hiểu, chỉ phòng chống tác hại của rượu bia chứ không đả động gì ảnh hưởng đến "văn hoá" của rượu và bia.
Bộ trưởng Tiến cho rằng luật này vẫn giữ văn hoá thức uống, chén rượu vui, ngon thì có bạn hiền, không ai cản trở.
“Không có nghĩa là khi luật này ban hành thì tất cả đều cấm rượu bia. Luật không có từ nào cấm uống rượu, uống bia”, Bộ trưởng khẳng định.