Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều học sinh khá giỏi có hành vi tự hủy hoại bản thân

Gần 27% học sinh trong số hơn 1.000 học sinh THCS có hành vi huỷ hoại bản thân. Đáng chú ý trong số này chủ yếu là học sinh khá, giỏi.

Đây là nghiên cứu trong đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ mang tên "Hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh THCS và biện pháp phòng ngừa", do PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, làm chủ nhiệm cùng 9 cộng sự khác.

Hủy hoại bản thân bao gồm làm đau bản thân, thậm chí có ý muốn tự tử và thực hiện hành vi tự tử (Ảnh minh họa) 

Theo đó, hành vi tự hủy hoại bản thân mà nhóm nghiên cứu chỉ ra bao gồm việc tự làm đau bản thân, suy nghĩ bi quan về cuộc sống, bỏ bê bản thân mình, cảm thấy mệt mỏi chán nản với các dấu hiệu cụ thể về mặt thể xác và lâm sàng nhưng nhiều khi chính chủ thể không nhận ra.

Biểu hiện này tập trung ở các hành vi như không quan tâm đến sức khỏe, tính mạng bản thân, từ chối các hình thức bảo vệ (không đội mũ bảo hiểm, áo phao…); tự cắt xén, bức tóc, tự khắc lên da thịt, tự đầu độc, tự cán mình; đau khổ trong im lặng, không thể hiện cảm xúc của mình. Thậm chí mức độ cao hơn là có ý muốn tự tử và thực hiện hành vi tự tử.

Qua khảo sát 1.043 học sinh THCS ở TP.HCM và Bình Dương trong 2 năm nhóm nghiên cứu đã sàng lọc được 280 em có hành vi tự hủy hoại bản thân, chiếm 26,8%. Đáng chú ý xu hướng của hành vi này lại tập trung ở các học sinh khá, giỏi.

Cụ thể trong 1.043 học sinh tại 7 trường THCS trên địa bàn tại TPHCM và Bình Dương, có đến 643 học sinh chiếm 61,6% có hành vi bỏ bê bản thân mình, thể hiện sự thiếu trách nhiệm với bản thân; 401 học sinh có "suy nghĩ bi quan về cuộc sống" chiếm 38,4% và 149 học sinh thừa nhận "từng làm đau bản thân mình", chiếm 31,6%.

Từ 1.043 học sinh này, nhóm nghiên cứu sàng lọc được 280 học sinh có thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân. Trong số này có 18,2% học sinh có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân như tự bức tóc chiếm 18,2%; 18,2% cũng tự cắn mình còn trên 35% em có hành vi tự đánh và đấm mình ở hai mức nhiều và rất nhiều; 20% số học sinh cố tính đập vào đầu một vật gì đó.

Trong số 280 học sinh này có có tới 99 học sinh giỏi, 110 học sinh khá, 51 học sinh trung bình, 17 học sinh yếu và 3 học sinh kém. Từ số liệu thống kê cho thấy học sinh có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân có xu hướng tập trung ở học sinh giỏi, khá và trung bình. Về hạnh kiểm, có 168 học sinh có hạnh kiểm tốt, 50 khá, 25 trung bình, 24 yếu và 13 kém. Hoàn cảnh gia đình, học sinh đều có nét tương đồng, đa số ở mức vừa đủ sống.

Đáng chú ý, việc tiết lộ về hành vi hủy hoại bản thân của học sinh cho bạn bè chiếm tới trên 74%, trong khi cha mẹ chỉ hơn 19%, có nghĩa trên ¾ học sinh có xu hướng chia sẻ hành vi này với bạn bè và hơn ½ có xu hướng che giấu hành vi này với cha mẹ.

Theo ông Sơn và nhóm nghiên cứu, học sinh càng gặp khó khăn về tâm lý thì dễ có hành vi tự hủy hoại bản thân. Điều này dễ thấy ở các học sinh lớp 6 là lớp đầu cấp và lớp 9 là lớp cuối cấp chuẩn bị thi cử. Ngoài ra, một số học sinh kỳ vọng quá cao vào bản thân mình nên khi không được thì thất vọng, một số em bị bạn bè công kích, ép buộc hoặc bắt chước theo trào lưu tôn thờ cảm xúc.

Nhóm nghiên cứu cũng đề ra một số biện pháp phòng ngừa, trong đó cần nâng cao nhận thức về hành vi tự hủy hoại bản thân cho học sinh THCS, giáo viên và đặc biệt là chuyên viên tham vấn học đường. Bên cạnh đó, tổ chức các chuyên đề kỹ năng sống lồng ghép nhằm phát triển năng lực ứng phó với hành vi này cho học sinh. Đồng thời, xây dựng hệ thống kiến thức và bài tập hướng dẫn học sinh có dấu hiệu "tự hủy hoại bản thân" nhằm điều chỉnh trạng thái tâm lý và đối phó với các tác nhân kích thích hành vi này.