Không nắm được tinh thần ấy, nguy cơ sẽ là kêu gọi suông
- 15:26 12-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những ngày này, Quốc hội đang bàn thảo việc tiến tới phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Một hiệp định mà sẽ có nhiều cơ hội mang tới cho Việt Nam tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng rất nhiều băn khoăn lo lắng.
Một trong những điều mà các đại biểu gọi là “nhạy cảm”, là điều khoản cho phép người lao động được thành lập tổ chức công đoàn, song song với tổ chức công đoàn đã có hiện nay. Đó là một điều rất mới mẻ. Không chỉ là “mới mẻ”, vì dùng từ “mới mẻ” không lột tả được sự “nhạy cảm” của việc này. Phải nói đó là điều dường như vi phạm một nguyên tắc tưởng như bất di bất dịch là chỉ có một tổ chức công đoàn duy nhất.
Việc ấy dường như quá to lớn. Tâm trạng các đại biểu là có thể hiểu được, vì họ đứng trước một quyết định rất khó khăn. Nhưng nếu bình tĩnh nhìn lại lịch sử, thì thấy các lãnh đạo Đảng không chỉ một lần đứng trước lựa chọn khó khăn tương tự, có khi còn khó khăn hơn.
Nếu không có những quyết định mới mẻ, khó khăn, nếu không có những quyết định vượt qua những điều gọi là “nhạy cảm”, thì lich sử Đảng làm sao có được thành tựu như đã có. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Hồi những năm tám mươi, khi công cuộc Đổi mới mới bắt đầu, lãnh đạo Đảng đã phải đứng trước những quyết định có tính bước ngoặt, nhiều khi chấp nhận rẽ ngoặt đối ngược với những điều đang làm, đang nghĩ.
Hồi tôi còn làm báo chuyên nghiệp, được nghe ông Thứ trưởng Trần Xuân Giá kiêm Tổng biên tập Báo Đầu tư khi đó là Trần Xuân Giá kể lại ấn tượng kỷ niệm với Cố Tổng bí thư Đỗ Mười. Khi đó các ông đứng trước một quyết định khó khăn là bỏ quy định Nhà nước độc quyền quản lý vàng, bỏ quy định cấm nhân dân tiêu dùng vàng.
Một đêm, trước khi ngày mai có cuộc họp quyết định, ông Đỗ Mười đã đến gõ cửa nhà ông Giá, lắng nghe các điều phân tích thiệt hơn của ông Giá, khi đó được coi là một chuyên gia có am hiểu nền kinh tế thị trường. Ông Mười còn “lọ mọ” đi đến tận nhà bao nhiêu người khác nữa? Cuối cùng ông Mười nói: “Ta quyết định, tôi quyết định, nếu có sai thì nhân dân và đất nước sẽ hạch tội tôi”. Khó đến như thế, nhưng các lãnh đạo đã quyết định.
Và như chúng ta thấy, điều mà ngày nay là tất nhiên, là đương nhiên, thì trong quá khứ lịch sử, đã cần đến một quyết định khá khó khăn, ngược lại các nguyên tắc bấy lâu quen thuộc của nền kinh tế kế hoạch hóa.
Thời gian đã chứng minh là các ông ấy đã làm đúng, có điều khi đó, chắc chắn là sức ép lớn hơn nhiều so với các đại biểu Quốc hội ngày nay, bởi vì trách nhiệm chỉ đè nặng lên một số ít lãnh đạo cấp cao.
Suốt tiến trình Đổi mới, sau này còn khá nhiều quyết định tương tự như vậy, tuy mức độ khác nhau. Quyết định khoán trong nông nghiệp, rồi mở rộng đầu tư nước ngoài, hay quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng là những quyết định có tính bước ngoặt, mà Đảng và Nhà nước đã làm được.
Không phải đợi đến thời Đổi mới, Đảng mới có những quyết định bước ngoặt. Có thể nói tinh thần Hội nghị Trung ương 8 khóa 1, một hội nghị thời trước Cách mạng họp tại Lán Khuổi Nậm, cũng là một hội nghị quan trọng, mà tinh thần của nó làm ánh sáng soi đường cho công cuộc giải phóng dân tộc, làm nên Cách mạng tháng Tám thắng lợi.
Bối cảnh trước tháng 5/1941,Đảng thực hiện các nhiệm vụ phản đế, phản phong, đảng viên thấm nhuần chuyên chính vô sản theo tinh thần Luận cương 1930, trong khi tình hình thế giới đã thay đổi, chiến tranh đế quốc đã xảy ra, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng tổ chức Hội nghị Trung ương, đặt nhiệm vụ đoàn kết dân tộc lên trước nhất, động viên các lực lượng toàn dân đứng trong hàng ngũ Mặt trận Việt Minh.
Tinh thần Hội nghị Trung ương 8 cũng là một quyết định dũng cảm, diễn giải tinh thần đấu tranh giai cấp trong tình hình mới, trong đó mục tiêu là giải phóng đất nước giành chính quyền. Điều mà ngày nay gọi là “nhạy cảm” chẳng qua là những việc mới mẻ, ở giữa ranh giới diễn giải “đúng- sai”, có những điều ngày hôm qua còn coi như cấm kị, ngày hôm nay trở nên bình thường. Vậy điều gì được lấy làm tiêu chí để những người lãnh đạo có thể dũng cảm quyết định? Điều đó phải chăng nằm trong chính suy nghĩ như ông Đỗ Mười trên đây, tức là khi đó phải nghĩ đến dân. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay từ khi mới thành lập nước, ngày 17/10/1945, trong thư “Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” Hồ chí Minh đã viết: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Như thế, đứng trước một chọn lựa “nhạy cảm”, nên nhớ lại điều này của Hồ Chí Minh, thì không sợ sai lầm.
Nếu không có những quyết định mới mẻ, khó khăn, nếu không có những quyết định vượt qua những điều gọi là “nhạy cảm”, thì lich sử Đảng làm sao có được thành tựu như đã có. Thời kỳ nào Đảng chậm đổi mới, chậm có những quyết định kịp thời dũng cảm, không nắm chắc tư tưởng Hồ Chí Minh, thì không nắm được thời cơ, kéo lùi sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Bài học của việc chậm bình thường hóa quan hệ với Mỹ, hay chậm ký hiệp định tham gia Tổ chức thương mại thế giới WTO mà nhiều người đã nói đến, cũng là một bài học như vậy.
Ngày nay, Nhà nước có đủ điều luật để điều chỉnh các hành vi có nguy cơ đi chệch khuôn khổ luật pháp, sự phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam đã có một bề dày kinh nghiệm nhất định, thì những quyết định có tính cần thiết để hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới là điều tất yếu. Có người nói rằng, đó là “đổi mới lần hai”. Nhưng thực ra đó chỉ là một quá trình tiếp tục dũng cảm đổi mới mà thôi.
Từ lâu, chúng ta nói nhiều đến Đổi mới, nhưng dường như chưa nuôi dưỡng được tinh thần của công cuộc Đổi mới để cho nó liên tục, ngày một tươi mới. Đó chính là ngọn lửa được thắp từ trong chính lịch sử Đảng, từ lán Khuổi Nậm thời tiền Cách mạng, qua suốt chiều dài hoạt động của Đảng, qua thời gian khổ giải phóng dân tộc, qua thời Đổi mới cho đến bây giờ.
Nếu ai đó không nắm được tinh thần ấy, thì nguy cơ sẽ chỉ là kêu gọi suông, khó mà bắt kịp được cuộc sống kinh tế xã hội ngày càng đa dạng, đó cũng là sự trông chờ của nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.