Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Vẫn còn đơn vị chây ỳ không nộp tiền vào quỹ để trồng rừng thay thế

Vấn đề này được nêu ra thông qua cuộc giám sát của HĐND tỉnh sáng 12/11 về việc quản lý và sử dụng nguồn quỹ bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2013 - 2017 tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An.

 Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Vẫn còn đơn vị chây ỳ

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã tham mưu các cấp, ngành thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế đối với các diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được thu hồi để thực hiện các dự án, công trình.

Theo đó, từ năm 2012 - 2017, Quỹ đã huy động tổng nguồn kinh phí ngoài ngân sách đạt gần 355 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng độ che phủ rừng 57,15% và xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó, từ nguồn quỹ bảo vệ và phát triển rừng, đơn vị đã tiến hành hợp đồng trồng hơn 4.200 ha rừng thay thế diện tích bị thu hồi để thực hiện các dự án, công trình.

 Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tiến Lâm thừa nhận, việc trồng rừng thay thế đang có nhiều diện tích trồng keo. Tuy nhiên theo ông ngoài cây thông và cây lát hoa được trồng tập trung thì trên địa bàn tỉnh chưa cây nào được trồng hiệu quả. Ảnh: Mai Hoa

Cùng với đó, diện tích giao khoán bảo vệ rừng đến các chủ rừng và hộ gia đình tăng dần hàng năm từ hơn 47.000 ha năm 2014 lên gần 290.000 ha năm 2017, chiếm hơn 30% diện tích rừng toàn tỉnh. Nhờ đó, công tác bảo vệ rừng tốt hơn, giảm dần tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Khắc Lâm – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, hiện nay có một số chủ đầu tư còn nợ tiền chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án mà không có điều kiện trồng lại rừng để đưa vào quỹ. Từ thực tế này, ông Lâm kiến nghị tỉnh cần có chế tài đối với những dự án cố tình chây ỳ không thực hiện nộp tiền tái tạo rừng theo quy định.

 Một số diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa đảm bảo mục tiêu do trồng cây keo. Ảnh: Mai Hoa

Trồng rừng thay thế chưa đảm bảo mục tiêu lâu dài

Thông qua giám sát việc quản lý và sử dụng quỹ bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương, tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đặt ra nhiều băn khoăn. Đó là việc lựa chọn loại cây để trồng rừng thay thế ở một số địa phương chưa đảm bảo mục tiêu lâu dài của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, bởi chủ yếu trồng cây keo mà không trồng lựa chọn các cây bản địa.

Đó còn là làm rõ tổng số tiền phải thu, đã thu và số còn nợ để có giải pháp thu, tránh tình trạng đơn vị tích cực, đơn vị không, đồng thời có các giải pháp mở rộng các nguồn thu để đảm bảo tăng nguồn thu phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Kết luận tại cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh, đánh giá cao hoạt động tham mưu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đối với việc gây quỹ cũng như quản lý và sử dụng nguồn quỹ cơ bản có hiệu quả, góp phần bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

 Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Chỉ ra một số bất cập trong công tác quản lý và bảo vệ rừng cũng như quản lý và sử dụng quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cần chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để cập nhật kịp thời các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để các chủ đầu tư thực hiện các nghĩa vụ sau chuyển đổi; đồng thời có giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

Sở Nông nghiệp cũng cần chú trọng việc thiết kế rừng trồng đảm bảo tiêu chuẩn; gắn với xây dựng tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ trồng rừng thay thế phù hợp với từng loại cây; quan tâm bố trí các cây trồng bản địa phục vụ mục tiêu phòng hộ lâu dài đối với diện tích trồng rừng thay thế.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng lưu ý, đối với các diện tích rừng phòng hộ được trồng keo hiện nay, ngành cần chú trọng việc quản lý khai thác để bảo vệ rừng đầu nguồn, chú trọng hiệu quả trồng rừng phân tán…