Người nữ giáo viên và câu chuyện hồi sinh từ tuyệt vọng
- 10:20 12-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ một cô giáo tâm huyết, say mê, bệnh tật ập đến, chị Hà trở nên tiều tụy, suy sụp. Chị Hà đã sống những tháng ngày tuyệt vọng... Ảnh: T.P |
Vượt qua bất hạnh
Bố chị qua đời trước khi chị chào đời đúng 4 ngày… Chị sinh ra không biết mặt bố. Chị chỉ biết về bố qua di ảnh trên bàn thờ, qua lời kể của ông bà, các chú là đồng đội của bố. Và hình ảnh cao đẹp của bố - Liệt sỹ Đặng Văn Tới trên đất nước Campuchia chính là niềm an ủi, tự hào, là động lực để chị vượt qua tuổi thơ cơ cực, thiếu thốn, vươn lên trong cuộc sống.
Mẹ chị, sau khi chồng hy sinh, đã gửi đứa con 9 tháng tuổi còn khát sữa mẹ cho ông bà nội đã ngoài 60 để xây dựng hạnh phúc riêng. Từ đó, chị lớn lên trong tình yêu thương, sự cưu mang, đùm bọc của ông bà. Lên lớp 12, ông nội qua đời, một mình bà nội gần 80 tuổi lần hồi nuôi cháu ăn học.
Vượt qua mọi khó khăn, cơ cực trong cuộc sống, chị đậu vào Khoa Sử, ĐH Vinh. Trường cách nhà gần 20 cây số, để tiết kiệm khoản chi phí ăn, ở trọ và là chỗ dựa cho người bà già yếu khi về đêm, hàng ngày trên chiếc xe đạp cũ kỹ, chị gồng mình đạp đi, đạp về. Những hôm nghỉ, chị lại thồ rau, lấy thêm hoa tươi đi bán kiếm từng đồng tiền lẻ để trang trải chi phí 4 năm học đại học. Ra trường, chị may mắn được nhận vào giảng dạy tại Trường THCS Nghi Kiều (Nghi Lộc) và xây dựng gia đình cùng chàng trai xã Nghi Lâm. Có công việc ổn định, có người chồng chăm chỉ, yêu thương, những đứa con ngoan ngoãn, tưởng rằng, sau những bất hạnh khốn khó, hạnh phúc đã mỉm cười với chị. Nhưng cuộc đời, chẳng ai lường trước được điều gì…
Những tháng ngày tuyệt vọng
Đầu tháng 3 năm nay, chị thấy lưỡi mình nhặm nhặm như có xương găm, rồi xuất hiện vết loét. Chỉ nghĩ đơn giản là nhiệt miệng nên chị không mấy để tâm. Đến khi có các triệu chứng nặng hơn, nhai nuốt đau và khó nói thì chị mới đi bệnh viện khám. Chị bàng hoàng khi biết mình bị K lưỡi. Gửi con cho người thân, chị mua vé tàu ra Hà Nội để kiểm tra lại. Vẫn chung kết quả. Bác sỹ chỉ định chị xạ trị, phải tuân thủ phác đồ điều trị lâu dài. Chị suy sụp hẳn. Chị rơi vào tuyệt vọng.
Hai con còn quá nhỏ nên dù ốm nặng, chị Hà vẫn phải cáng đáng việc nhà, chăm sóc các con. Ảnh: T.P |
Ba tháng trời ròng rã ở viện K với 32 mũi xạ trị, có nhiều khi đau đớn hành hạ thể xác, tinh thần suy sụp, nỗi nhớ con, nỗi lo về món nợ ngân hàng… tưởng chừng như chị không vượt qua nổi. Nhưng, chính lúc này, người mẹ đẻ trước kia đã dứt áo ra đi tìm hạnh phúc riêng khi chị còn quá nhỏ đã ở bên cạnh chị, động viên chị, chăm sóc chị, tiếp thêm tinh thần cho chị vượt qua tất cả. Tình mẫu tử thiêng liêng đã sưởi ấm chị và sự chia sẻ từ gia đình, người thân đã giúp chị lấy lại nghị lực, đối mặt với bệnh tật.
“Thời gian nằm viện K Hà Nội, 2 đứa con còn bé nên lúc gửi nhà bà o, khi lại gửi chú, nghĩ thương con. Vả lại, bệnh này xác định lâu dài, tốn kém nên sau khi kết thúc xạ trị, tôi xin về Bệnh viện Ung bướu Nghệ An để tiếp tục điều trị để đỡ đi lại, đỡ chi phí”. Rồi chị nhập viện Ung bướu, tiếp tục quá trình điều trị. Những đợt chuyền hóa chất, thân xác đau như ngàn mũi kim châm, chị không ăn uống nổi, tóc rụng, lông mày, lông mi cũng rụng hết. Mặt xạm đen, tay chân nổi gân chằng chịt. Từ một người phụ nữ mái tóc đen dày, mặt đầy đặn, luôn chân, luôn tay hết việc trường, việc nhà, chăm con giờ thành một người tiều tụy, đi phải có người dìu, ăn phải có người bón khiến chị thấy mình bất lực. Nhưng chị không cho phép mình gục ngã.
Sự quan tâm, động viên, chia sẻ của bạn bè, người thân chính là động lực để chị Hà vượt qua bệnh tật. Ảnh: T.P |
Hàng ngày, từ sáng sớm, sau khi lo cho các con ăn uống, chở các con đến trường, chị lại một mình chạy xe vào viện để thăm khám, tiêm chuyền. Nghỉ ngơi cho đỡ chóng mặt, húp vội bát cháo, nhấp vội ngụm sữa, chị lại tất tả lên xe về nhà để kịp chuẩn bị cơm nước, lo chuyện giặt giũ cho con. Nhà neo người, chồng ở xa. Đau, bệnh không có người chăm đã đành nhưng cũng đâu có điều kiện nghỉ ngơi, còn chẳng dám nằm lại viện vì ở nhà 2 đứa con còn quá nhỏ, chúng chưa thể tự lo liệu cho bản thân. Hơn ai hết, hai đứa con chị cần có mẹ, chồng chị nơi đất khách quê người đang vắt kiệt sức lao động, gom góp từng đồng gửi về với hy vọng mang lại điều kỳ diệu cho người vợ bệnh tật…
Ngày Hiến chương nhà giáo sắp tới, nằm trên giường bệnh nhưng học trò cũ, có những em đi học xa tận Sài Gòn, Hà Nội vẫn tìm đến thăm hoặc gọi điện, nhắn tin, gửi hoa chúc mừng. Trường THCS Nghi Liên nơi chị công tác, các đồng nghiệp ngày ngày thay nhau đứng lớp giúp chị, để chị yên tâm điều trị. Chị thấy đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, và chị hiểu, đó cũng là lý do mà chị buộc mình phải mạnh mẽ, vượt qua bệnh tật để một ngày gần nhất, chị lại được cầm phấn, đứng trên bục giảng, thực hiện tiếp ước mơ còn dang dở…