Từ cơn sốt vé tại Mỹ Đình nghĩ về tình yêu bóng đá của người Việt
- 09:11 12-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sức nóng của AFF Suzuki Cup đã lan tỏa đến Hà Nội. Được tận mắt chứng kiến các cầu thủ vốn chỉ có thể thấy mặt qua những phương tiện truyền thông thi đấu trên sân nhà đặc biệt lại là một trận đấu then chốt trong giải bóng đá khu vực đang là nhu cầu cháy bỏng của không ít cổ động viên. Nhu cầu này thúc đẩy những fan cuồng thực sự tìm mọi cách có được một tấm vé dù phải trả cho mức giá cao hơn giá mua ban đầu nhiều lần.
Một cặp vé mệnh giá 400.000 đồng, cho vị trí đẹp nhất ở khán đài A hoặc B giờ được "hét lên" tới 2,5 hoặc 3 triệu đồng - tức là gấp 6 đến 8 lần so với niêm yết. Có những CĐV nữ thậm chí còn mang cả đồ ăn và chăn giữ ấp nhằm kiếm được vị trí xếp hàng sớm nhất để mua được vé cho trận đấu vào ngày 16-11.
Chia sẻ về việc bất chấp mọi khó khăn để đi săn bằng được chiếc vé này anh Sơn CĐV tiết lộ, anh đã dõi theo bước chân các cầu thủ này từ khi họ còn đá cho đội tuyển U19, rồi đến U23 và sau đó là trận đấu tại ASIAD vừa qua nên rất muốn một lần được chứng kiến tận mắt những "thần tượng" này thi đấu đặc biệt lại là trên sân Mỹ Đình.
Như vậy có thể thấy thầy trò HLV Park Hang-seo đã và đang "chạm được vào trái tim của người hâm mộ". "Cơn sốt vé" lần này là một mình chứng hùng hồn nhất cho tình yêu mà các cổ động viên nhà dành cho đội tuyển Việt Nam. Nó đồng thời cũng là một áp lực không nhỏ cho những đôi chân của đội chủ nhà trong trận đấu sắp tới. Phải thi đấu làm sao để đáp lại tình cảm và kỳ vọng của các CĐV nhất là khát khao có được chiếc Cup vàng đang cháy bỏng hơn bao giờ hết của các fan bóng đá tại dải đất hình chữ S này.
|
Vé xem trận Việt Nam và Malaysia hạng A mức giá cao nhất gần 2,5 triệu trong khi các mức hạng B trở xuống dù "mềm" hơn nhưng cũng từ 1,5 triệu trở lên. Vậy nhưng vẫn có rất nhiều người sẵn sàng móc hầu bao ra trả cũng bởi vì tình yêu với bóng đá nước nhà. |
Không chỉ ở cơn sốt vé lần này, ở lễ mừng công đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 vừa qua, trong và ngoài sân Mỹ Đình cũng chứng kiến một lượng không nhỏ các CĐV đổ về với mục đích chủ yếu là được gặp mặt những người hùng của đội tuyển Olympic bóng đá Việt Nam. Trước đó nữa những biển người với cờ và băng rôn đã nhuộm đỏ rất nhiều con đường trên đất nước này sau thành công của đội tuyển U23 tại vòng chung kết châu Á hồi đầu năm.
Trong quá khứ người ta cũng được chứng kiến "tình yêu lớn lao" dành cho đội tuyển Việt Nam vào thời của thế hệ vàng của những Hồng Sơn, Huỳnh Đức... đặc biệt là trong kỳ Tiger Cup năm 1998 trên sân nhà. Dù sau đó chiếc Cup vàng mà chúng ta hằng khao khát đã theo về Singapore sau bàn thắng có phần may mắn của Sasi Kumar.
Tình yêu ấy tiếp tục cùng với kỳ SEA Games năm 2003 diễn ra tại Hà Nội trong kỳ Đại hội thể thao năm đó, đoàn Việt Nam đứng đầu với 150 huy chương vàng nhưng chiếc huy chương được mong chờ nhất tại môn thể thao vua một lần nữa lại tuột khỏi tay chúng ta.
Vào cái buổi tối định mệnh trên sân Mỹ Đình 15 năm trước ấy một lần nữa người hâm mộ bóng đá xứ Việt tiếp tục ngậm ngùi chứng kiến Thái Lan đăng quang dù thế hệ vàng khi đó cũng đã cháy hết mình cho tham vọng lần đầu lên ngôi vương khu vực.
Người hâm mộ chỉ thực sự "quay lưng" với bóng đá nước nhà sau khi chứng kiến một loạt những diễn biến tiêu cực trên sân cỏ. Nhiều người mất hẳn niềm tin về đội tuyển cũng như bóng đá nước nhà sau những "biến cố" khiến nhiều cầu thủ hôm qua còn đá bóng hôm sau đã đứng trước vành móng ngựa vì dính vào các đường dây cá độ thao túng tỷ số.
Tuy nhiên nếu nói "tình yêu bóng đá" của người Việt đã "chết" thì đó hoàn toàn là một nhận định vô căn cứ. Cứ nhìn "biển người" đổ ra đường ăn mừng sau chiến thắng nghẹt thở trước chính người Thái sau nhờ khoảnh khắc lóe sáng của Công Vinh vào năm 2008 thì rõ.
Nhiều người nước ngoài có mặt tại Hà Nội khi đó đã vô cùng sửng sốt chứng kiến hàng đoàn người diễu hành trên đường với cơ hoa, băng rôn, khẩu hiệu... nhuộm đỏ những con phố. Họ những CĐV trung thành nhất của Việt Nam cũng như hầu hết người dân Việt đã sống trọn với cảm giác sung sướng tự hào về thành quả mà các cầu thủ đêm về sau trận chung kết tại sân Mỹ Đình năm đó.
Còn quá sớm để nói thế hệ vàng này có thể lặp lại thành tích cách đây 10 năm nhưng lối đá cống hiến của họ thực sự đã chạm vào trái tim người hâm mộ. Ảnh: VFF. |
Mười năm sau, năm 2018 này sau hàng loạt nỗ lực làm trong sạch hóa nền bóng đá, cũng như sự tiến bộ trong công tác đào tạo trẻ, đất nước hình chữ S lại sở hữu một thế hệ vàng. Một thế hệ vàng dù chưa một lần lên tới đỉnh cao trong khu vực và châu lục những với lối thi đấu cống hiến, sẵn sàng cháy hết mình cho khát vọng chiến thắng một lần nữa lại chiếm được lòng tin của người hâm mộ. Người ta sẵn sàng đổ ra đường dù thầy trò Park Hang-seo dừng bước tại bán kết trước Hàn Quốc, cũng như sẵn sàng chờ đợi hàng giờ để chờ chuyến phi cơ chờ đội U23 trở về từ Trung Quốc. Tất cả những điều đó sẽ không xảy ra nếu các cầu thủ không cho thấy mình đã thi đấu hết mình cho màu cờ sắc áo của Tổ Quốc.
Còn quá sớm để nói rằng liệu thế hệ của những Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Bùi Tiến Dũng... có thể lặp lại kỳ tích như các đàn anh cách đây 10 năm hay không nhưng chắc chắn nếu họ tiếp tục thi đấu cống hiến như đã làm vừa qua thì tình yêu và niềm tin mà người hâm mộ dành cho đội tuyển nói riêng và bóng đá nước chung sẽ còn tiếp tục cháy bỏng.