Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sở VH-TT-DL Lào Cai "bác" thông tin tẩy xóa “hoa văn” trên bãi đá cổ Sa Pa

Lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai ngày 11-11 đã "bác" thông tin về việc các hoa văn, ký tự khắc trên một số phiến đá tại bãi đá cổ Sa Pa bị tẩy xóa gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Ngày 11-11, trao đổi với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Lào Cai cho biết những thông tin cho rằng một số phiến đá tại bãi đá cổ Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) bị tẩy xóa các hoa văn, ký tự là không chính xác.

Vị lãnh đạo này cho biết thêm ngay khi xuất hiện thông tin trên mạng xã hội mà báo chí phản ánh, Sở VH-TT-DL Lào Cai đã cho người trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại bãi đá cổ Sa Pa nhưng không phát hiện có dấu hiệu bị tẩy xóa nào, các phiến đá vẫn giữ được nguyên hiện trạng và không có vấn đề gì.

Trước đó, những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện thông tin, hình ảnh nói về việc một số phiến đá tại bãi đá cổ Sa Pa bị tẩy xóa các hoa văn, ký tự gây xôn xao dư luận.

Hình ảnh phiến đá được cho là đã bị tẩy xóa các hoa văn, ký tự - Ảnh:Khánh Phan 

Bãi đá cổ Sa Pa nằm trên địa phận của 3 xã: Tả Van, Hầu Thào và Sử Pán (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), nằm trong thung lũng Mường Hoa với diện tích khoảng 8 km2. Bãi đá có khoảng 200 phiến đá lớn nhỏ, nằm lẫn trong cây lá, sát ngay bên đường hoặc giữa ruộng lúa nước...

Các hoa văn, ký tự trên mỗi phiến đá đều ở dạng sơ khai, được ví như những tấm bia đá cổ xưa nhất Việt Nam. Đó là những hình vuông, hình chữ nhật, các nét vạch đơn, vạch đôi, những đường song song và những đường cắt ngang, những hình người, hình chim, thú, cảnh sinh hoạt...

Bãi đá cổ Sa Pa được phát hiện từ năm 1923 do công của nhà Đông Dương học nổi tiếng người Pháp gốc Nga là Vichto Gôlubép (Victor Goloubev). Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây đã đến đây tìm hiểu và giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.