Lão nông 20 năm quyết "sống chết" bảo vệ đàn cò
- 14:12 09-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Vũ Văn Tươi (thôn Đỗ Mỹ, xã Bại Sậy, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) đã từng có kế hoạch biến khu vườn rộng của gia đình thành mô hình trang trại VAC để phát triển kinh tế. Thế nhưng, chính tại thời điểm đó, không biết từ đâu từng đàn cò trắng rủ nhau bay về khu vườn nhà ông trú ngụ. Thay vì đuổi chúng đi, ông Tươi và gia đình đã quyết định “nhường đất” cho hàng ngàn con cò sinh sống. Gần 20 năm qua, ông Tươi đã chăm lo và bảo vệ đàn cò như bảo vệ chính người thân của mình.
Nhường đất làm trang trại cho cò sinh sống
Gọi điện hẹn gặp ông Tươi, chúng tôi được ông dặn nếu muốn nhìn thấy đàn cò thì cuối giờ chiều hãy đến. Đúng như lời ông Tươi, khi hoàng hôn vừa buông xuống, từng đàn có trắng rộn ràng bay về khu vườn nhà ông để trú ngụ sau một ngày miệt mài đi kiếm ăn. Chưa đầy nửa tiếng, khu vườn nhà ông Tươi ngập một màu trắng xóa. Chúng phát ra âm thanh như để gọi nhau về nghe thật vui tai.
Ông Tươi cười bảo: “Tôi cũng chẳng thể tưởng tượng nếu một ngày nào đó tôi không còn được nhìn thấy màu trắng này, âm thanh này thì tôi sẽ thế nào nữa. Bởi gần 20 năm qua, đàn cò khổng lồ này nó gắn bó với tôi như thể người thân rồi”.
Để nhìn rõ đàn cò, ông Tươi dẫn chúng tôi lên sân thượng nhà mình. Ông chỉ tay về phía đàn cò và nói: “Lạ lắm nhé, đàn cò này nó sinh hoạt có khi còn nguyên tắc hơn cả con người. Cứ đúng khoảng 6h tối là chúng kéo nhau về nghỉ ngơi, ngày nào cũng như ngày nào, không hề xê dịch”.
Ông Tươi còn nhớ như in một buổi chiều cách đây gần 20 năm, có một đàn cò khoảng chừng vài chục con bay về vườn nhà ông trú ngụ. Cả đêm hôm đó ông Tươi không tài nào ngủ được, cứ vài ba tiếng ông lại bật dậy và ra vườn soi đèn xem đàn cò còn ở đó hay đã bay đi mất. “Sáng sớm chúng đã bay đi rồi. Cả ngày hôm sau tôi cứ hồi hộp tự hỏi, không biết chúng có còn quay về nữa hay không” – ông Tươi nhớ lại.
Ngắm đàn cò mỗi buổi chiều là thú vui của lão nông này. |
Theo ông Tươi chia sẻ thì trước đó, gia đình ông đã bàn bạc và dự định chuyển đổi khu vườn gần nhà để phát triển mô hình trang trại VAC. Có được diện tích đất vườn rộng, ông luôn mơ ước sẽ trở thành ông chủ trang trại cho ra những thực phẩm sạch như cá, gà và các loại cây ăn quả đặc sản của quê hương. Nhưng khi vườn cây của nhà ông chuẩn bị vào mùa thu hoạch, bỗng đâu có đàn cò với số lượng vài chục con bay đến. Những đợt quả bói đầu tiên đã được đàn cò “thu hoạch” giúp.
Từ vài chục con lúc ban đầu, chúng dần rủ nhau về mỗi ngày một đông đến mức trắng cả một khu vườn rộng. “Nói thật là lúc đó tôi cũng băn khoăn lắm. Bao nhiêu dự định ấp ủ để làm giàu giờ lại bị đàn cò “cướp” đi mất. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, sao bao nhiêu khu vườn khác chúng không kéo đến trú ngụ mà lại tìm đúng khu vườn của nhà tôi. Đây chẳng phải là “đất lành chim đậu” sao. Thế nên thay vì xua đuổi chúng đi nơi khác thì tôi bàn với gia đình là nhường đất cho chúng sinh sống. Chúng bay về đây làm tổ mỗi lúc một đông và sinh sôi nảy nở rất nhiều”.
Từ đó đến nay, trang trại rộng 10.000m² của gia đình ông Tươi đã trở thành vườn cò khổng lồ, có một không hai nơi thôn quê yên bình này. Hiện khu vườn này đã trở thành điểm tham quan ưa thích của nhiều người trong giới chơi chim cảnh.
Vào mùa cò sinh nở, ông Tươi luôn túc trực ở vườn. |
Nhiều lần dũng cảm chống lại "cò tặc"
Ông Tươi kể rằng, những ngày đầu khi đàn cò mới bay về vườn nhà ông sinh sống, có rất nhiều người tò mò, nhất là cánh thợ săn. Bọn họ luôn muốn tìm cách bắt những con cò trong vườn nhà ông để đưa đi bán tại các nhà hàng làm món đặc sản. Họ thường dùng những âm thanh điện tử giả tiếng cò gọi nhau để dụ cò vào bẫy, hoặc dùng keo dán, bẫy điện tử để bắt cò.
Mỗi khi phát hiện ra có kẻ đang tìm cách bẫy cò, ông Tươi lại điềm đạm khuyên họ đừng sát hại đàn chim trời tội nghiệp. Nhưng không phải người nào cũng chịu nghe lời ông Tươi khuyên. Có kẻ còn sửng cồ lên nói với ông rằng, đàn cò đó chẳng phải của nhà ông, nó chỉ là bay về vườn nhà ông trú ngụ nên ông không có quyền gì cấm họ săn bắt.
Ông Tươi chia sẻ: “Chính vì họ nghĩ thế nên họ nhất định không chịu từ bỏ ý định bắt cò kiếm tiền đâu. Họ có thể “mật phục” quanh nhà tôi hết ngày này qua ngày khác, chỉ cần gia đình tôi có việc đi đâu vắng là sẽ ra tay với đàn cò. Sau một vài lần biết đàn cò bị xâm hại nên gia đình tôi quyết định dù có việc gì thì cũng nhất định phải cử một người ở nhà để bảo vệ đàn cò”.
Không chỉ vậy, để bảo vệ đàn cò được an toàn nhất, gia đình ông Tươi đã đầu tư xây hẳn một hàng rào kiên cố quanh khu vườn rộng và treo biển “Cấm săn bắt cò”. Gần đây, gia đình ông còn lắp camera 4 phía để tiện theo dõi và bảo vệ đàn cò. Có thời điểm những kẻ đi săn rủ nhau kéo đến quanh vườn nhà ông Tươi rất đông. Họ như tuyên chiến và thách thức ông Tươi xem có thể bảo vệ đàn cò 24/24 giờ được không.
“Thực sự thời điểm đó gia đình tôi luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Ai cũng sợ đàn cò bị bọn xấu giết chết nên ăn không ngon, ngủ không yên. Thậm chí khi đêm xuống, gia đình tôi còn phải chia nhau ngủ theo ca để trông cò” – ông Tươi kể.
Với ông Tươi, việc bảo vệ đàn cò chẳng khác nào như bảo vệ chính con cháu mình. Bởi gần 20 năm qua, đàn cò ấy chẳng khác nào người thân của ông. Đã có lần những kẻ săn cò từng tuyên bố thẳng với ông rằng nếu không cho họ kiếm miếng ăn thì gia đình ông sống cũng không được yên ổn.
Ông Tươi cũng không nhớ được mình đã từng xung đột bao nhiêu lần với những kẻ săn cò. Nhưng ông luôn tâm niệm, dù có phải chịu áp lực, nguy hiểm đến đâu ông cũng sẽ gắng hết sức để bảo vệ “đàn con” của mình.
Ông Tươi chưa từng hối hận vì đã nhường đất cho đàn cò trú ngụ. |
Ban đầu khi thấy gia đình ông Tươi gác lại kế hoạch xây dựng khu vườn của mình thành trang trại để nhường đất cho đàn cò, nhiều người đã dị nghị và bảo nhà ông “không bình thường”. Sau này khi thấy cò về đậu trắng khu vườn nhà ông, họ lại bảo nhau thế mà nhà ông không biết tận dụng để làm kinh tế, chỉ cần bắt cò bán dần cho các nhà hàng cũng đủ giàu to.
Nhưng rồi sau đó chứng kiến tấm lòng đôn hậu của ông Tươi với đàn cò, nhiều người đã thay đổi suy nghĩ. Họ không những không nghĩ gia đình ông bất thường mà còn chung tay cùng ông Tươi bảo vệ đàn cò. Bởi đàn cò ấy giờ không chỉ là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho gia đình ông Tươi mà cho cả những người dân đang sinh sống ở làng Đỗ Mỹ.
Dường như chính đàn cò cũng cảm nhận được tình yêu thương mà ông Tươi và gia đình ông dành cho chúng nên càng ngày chúng kéo nhau về trú ngụ và sinh nở càng nhiều. Ông Tươi cho biết: “Hàng năm, cứ vào đầu tháng 3 là đàn cò làm tổ đẻ trứng và ấp. Đến tháng 7 thì cò dừng đẻ. Trong khoảng thời gian đó, công việc của tôi bận rộn hơn, tôi ở vườn cò nhiều hơn ở nhà. Ngày nào tôi cũng đi quanh vườn để kiểm tra tổ cò, nếu thấy cò con rơi xuống đất là nhặt chúng lên tổ luôn”.
Ngồi cạnh chồng, bà Lê Thị Mỹ cũng không giấu được sự hào hứng và hạnh phúc khi nói về đàn cò. Bà Mỹ bảo: “Chỉ cần có sự gắn bó thì dù đó là con người hay con vật cũng trở nên thân thiết và máu thịt. Đàn cò này đã sinh sống trong vườn nhà tôi gần 20 năm nay rồi, thử hỏi không yêu quý sao được. Vào mùa chúng sinh sản, chồng tôi ra vườn từ sáng đến tối quên cả ăn để sửa lại tổ chim cho chắc chắn, nhặt những con non bị rơi xuống đất để lại vào tổ. Nhìn chồng tôi vui và mạnh khỏe nên mọi thành viên trong gia đình tôi đều ủng hộ ông ấy hết lòng”.
Từ khi đàn cò trắng bay về vườn nhà ông Tươi trú ngụ, không chỉ ông Tươi mà mọi thành viên trong gia đình ông đều cảm thấy phấn khởi. Cứ mỗi buổi sáng, sau khi mở cửa, cả nhà ông Tươi lại được ngắm đàn cò bay nhảy khắp khu vườn, rất vui mắt. Và khi hoàng hôn buông xuống, ông Tươi lại dẫn những đứa cháu của mình lên sân thượng ngắm đàn cò trắng từ phía xa bay về. Với ông Tươi, đó chính là hạnh phúc.