“Xe dù” lộng hành ở Nghệ An: Trách nhiệm ngành chức năng ở đâu?
- 13:29 08-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xe “dù” ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày mà không bị cơ quan chức năng nào xử lý? |
“Xe dù” ép xe tuyến cố định!
Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đang có hàng trăm chiếc “xe dù” đủ các chủng loại từ 7 chỗ đến xe giường nằm 40 chỗ đang hoạt động. Lộ trình của những chiếc “xe dù” này là từ các huyện của tỉnh Nghệ An đi thành phố Vinh, Nghệ An – Hà Nội – Bắc Ninh và ngược lại.
Một ngày cuối tháng 10/2018, có mặt tại ngã tư trước cổng Sân vận động huyện Đô Lương, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều “xe dù” 7 chỗ ngồi nhãn hiệu ISUSU, Ford Everest… chèo kéo, mời khách rất ngang nhiên. Chừng 15-30 phút lại có một xe, vừa đi vừa rà phanh để bắt khách. Khi đi ngang các điểm chờ xe buýt, lái xe hạ gương ngoái đầu, mời chào: “Đi Vinh không, anh chở tận nơi”. Khi khách hỏi giá vé thì được rao giá là 50.000 đồng cho một chặng đường từ thị trấn huyện Đô Lương đi đến nội thành thành phố Vinh. Quan sát kỹ các “xe dù” này chúng tôi nhận thấy, một số xe đề biển xe hợp đồng, một số xe gắn điểm đến là Vinh ngay trước gương xe.
Trên suốt hành trình xe chạy, đi qua nhiều điểm có CSGT tuần tra nhưng “xe dù” vẫn bon bon như chốn không người. Quan sát kỹ, pv nhận thấy, phía cửa bên hông trái, tài xế để tấm biển ghi: Yên Thành - Vinh. Chỉ đến khi khách chuẩn bị xuống xe, lái xe mới thu tiền, mỗi người 50.000 đồng. Cũng đúng như cam kết, khách xuống bất cứ tuyến phố nào của thành phố Vinh, xe đều chạy đến và trả khách tại điểm đó.
Liên quan đến tình trạng "xe dù", trước đó, vào cuối năm 2017, hàng loạt xe tuyến cố định ở Quế Phong đã đồng loạt tạm ngừng hoạt động để phản đối tình trạng “xe dù”, một số hãng xe buýt cũng đã làm văn bản gửi ngành chức năng tỉnh Nghệ An về tình trạng “xe dù”… nhưng, có lẽ, chẳng khác nào “đá ném ao bèo”.
Xe không phép ngang nhiên hoạt động trên tuyến Quốc lộ 48E, 48A và đường mòn Hồ Chí Minh trong thời gian dài. |
Đặc biệt, thời gian gần đây đã xuất hiện nhà xe Hùng Thục tại xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương đã đầu tư hẳn hai xe giường nằm biển kiểm soát 29B-16299 và 29B-60669 bắt khách đi Hà Nội, Bắc Ninh, nhưng không đăng ký bến bãi, tuyến lốt, không có giấy phép hoạt động. Đi qua Quốc lộ 48E, 48A, Đường mòn Hồ Chí Minh vào lúc 20h30' và 8h30' hàng ngày. Để có đủ khách, nhà xe Hùng Thục không ngần ngại đỗ xe chắn ngang cổng vào bến xe Tân Kỳ, thậm chí tranh giành, giảm giá vé, dọa “xử” những nhà xe đăng ký tuyến có định ở thị trấn Tân Kỳ.
Xác nhận với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng quản lý vận tải Sở GTVT Nghệ An cho biết: hai xe giường nằm mang biển kiểm soát 29B-16299 và 29B-60669 của nhà xe Hùng Thục không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Buông lỏng quản lý?
Cũng theo lãnh đạo Thanh tra giao thông (TTGT) Sở GTVT Nghệ An, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc quản lý nạn “xe dù”, xe không có “luồng tuyến” nên đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn 8234/UBND – CN về việc thực hiện các biện pháp để hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ xe ô tô chở người từ 5 chỗ đến dưới 12 chỗ tham gia vận chuyển khách trái quy định trên địa bàn tỉnh.
Trong tháng 11/2018 đã xử phạt 40 trường hợp xe 7-9 chỗ, không có giấy đăng ký hoạt động kinh doanh nhưng lại bắt khách trái quy định với mức xử phạt cho lỗi này là 8,5 triệu đồng. Việc xử lý “xe dù”, xe hợp đồng trá hình mới chỉ thực hiện được ở địa bàn TP Vinh, còn ở các địa phương khác thì chưa xử lý được. Việc phát hiện, kiểm tra và xử lý các “xe dù” này không dễ. Lực lượng TTGT Sở GTVT tỉnh Nghệ An cho rằng lực lượng của đơn vị thì mỏng, trong khi xe dù hoạt động len lỏi trên nhiều tuyến đường, không có giờ giấc cụ thể, thiếu chứng cứ xử phạt.
Đề cập đến trách nhiệm trước vấn nạn “xe dù”, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An cho biết cũng đã làm hết trách nhiệm.
Tuy nhiên, vì sao “xe dù” vẫn lộng hành ngang nhiên như một sự thách thức ngành chức năng và chính quyền nơi đây. Phải chăng công tác tuần tra, kiểm soát trên tuyến của các lực lượng thực thi nhiệm vụ như CSGT, TTGT đang còn lỏng lẻo, thiếu liên kết…
Chừng nào vai trò quản lý của ngành chức năng còn lỏng lẻo, chừng nào “xe dù” còn ngang nhiên hoạt động thì chừng đó mỗi năm đang có một khoản tiền thuế phí không hề nhỏ bị “lọt lưới”.