Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ông lão sửa xe gần 70 tuổi lấy bằng cử nhân Luật

Hơn 40 năm qua, ông Mai ở TP Tuy Hòa miệt mài làm việc lo cho gia đình, vừa nuôi hy vọng hoàn thành ước nguyện vào giảng đường.

Tiết trời Phú Yên những ngày đầu tháng 11 khá ấm áp. Trong căn nhà cấp 4 ở phường 3, TP Tuy Hòa, ông Hoàng Tiến Mai ngồi cặm cụi sửa chiếc xe đạp của khách vừa mang đến. Khoảnh sân phía trước, nhiều chiếc khác được sắp xếp ở một góc chờ đến lượt sửa. Sát tường, chiếc bảng đen khá cũ đối diện bàn uống trà được xem là không gian riêng cho việc học của ông.

Ở tuổi 69, ít ai nghĩ rằng ông lão sửa xe đạp với đôi tay gân guốc, lắm chai sạn ấy lại khoác lên mình trang phục cử nhân để nhận tấm bằng cử nhân Luật của Đại học Huế hôm 25/10. "Hôm ấy là một ngày đặc biệt khiến tôi không bao giờ quên. Tới bây giờ, tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng, vui sướng", ông lão tâm sự.

Ông Mai nhận bằng cử nhân luật hồi tháng 10. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Năm 1971, ông thi đỗ tú tài 2 toàn phần (THPT bây giờ) ở TP Quy Nhơn, Bình Định, rồi ghi tên vào Đại học Luật khoa Sài Gòn. Nhưng vì gia đình gặp nhiều khó khăn nên việc học của ông bị đứt đoạn.

Ông mong ngày nào đó sẽ tiếp nối điều ấy, nhưng càng khó thực hiện hơn sau khi lấy vợ, rồi bốn người con lần lượt ra đời. Là trụ cột gia đình, ông phải làm đủ việc mưu sinh, trước khi mở tiệm sửa xe - nghề mẹ truyền lại. "Lúc bấy giờ, nhu cầu đi xe đạp khá nhiều nên thu nhập của tôi đủ để lo cuộc sống", ông cho biết.

Năm 1991, biết tin Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh liên kết với đại học ở Hà Nội mở khóa đào tạo cử nhân Luật, ông đăng ký. Tuy nhiên, khóa học chỉ dành cho cán bộ vừa học vừa làm, ông không đủ điều kiện. "Tôi buồn lắm, nhưng chẳng biết làm sao đành mua sách về nhà tham khảo", ông nhớ lại.

Ngày sửa xe, tối đến ông đọc sách. Ông dựng tấm bảng vào góc tường, ghi lại nội dung cần nhớ. Thi thoảng làm việc, ông lại ngước nhìn rồi lẩm nhẩm để không quên. "Mình già rồi, có nhiều phần đọc xong nhưng sau đó không nhớ", ông nói.

Đến trường khi tuổi gần 70

Bẵng đi gần 23 năm, con cái đã lớn và cuộc sống tạm ổn định, ông mừng rỡ khi hay tin Đại học Huế liên kết Trung tâm giáo thường xuyên Phú Yên mở ngành Luật hệ đào tạo từ xa tại tỉnh. Lật lại hồ sơ cũ, ông xếp chúng ngăn nắp rồi giấu gia đình đi đăng ký học khi đã 65 tuổi. "Điều may mắn của tôi là vợ cùng các con đều ủng hộ khi hay biết", ông chia sẻ.

Những ngày đầu đến lớp học, ông tự thấy bản thân yếu kém do lớn tuổi, bỏ sách vở lâu ngày và nét chữ cũng nguệch ngoạc. Để khắc phục, ông cố gắng tập trung nghe giảng, ghi chép đầy đủ để về xem lại. Mỗi ngày người thợ sửa xe già đến lớp đều đặn, hạn chế vắng trừ khi ốm đau. Kinh phí đi học, ông dựa vào tiền sửa xe để không ảnh hưởng đến vợ con.

Ông lão sửa xe kiếm tiền lo gia đình cùng chi phí đi học. Ảnh: Thiên Lý. 

Ngồi cạnh chồng, bà Trịnh Thị Lý chỉ cười hiền. Bà bảo, lúc nghe chồng đi học bà có phần e dè, nhưng biết ông đã đôi lần bỏ dở ước mơ vì vợ con nên không phản đối. Mọi người trong nhà âm thầm hỗ trợ, động viên để ông an tâm. "Nhiều hôm ông ngủ mơ nói đủ chuyện về luật trên lớp, chắc quá căng thẳng với việc học", người vợ tủm tỉm kể.

Chị Nguyễn Thị Bích Trâm - người cùng lớp với ông Mai - cho hay, những ngày đầu gặp ở lớp, mọi người nhầm tưởng ông là phụ huynh của học viên nào đó. Sau khi biết, thấy ông lớn tuổi rồi mà ham học, mọi người đều khâm phục. "Đến lúc chú ấy lấy được bằng cử nhân, tôi càng nể phục hơn", chị Trâm nói.

Tân cử nhân cho biết sẽ cố gắng sửa xe kiếm tiền để học tiếp lấy bằng luật sư. "Khi ấy, bà con xung quanh cần về các vấn đề pháp lý, mình sẽ tư vấn cho họ", ông chia sẻ.