Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ trưởng Tô Lâm: "Giảm tới 50% số vụ án, vi phạm pháp luật sau khi có lực lượng Công an xã chính quy"

“Có địa phương đã triển khai lực lượng Công an xã chính quy được 5 tháng. Qua sơ kết đánh giá thấy kết quả đạt được là rất tốt, số vụ án, vi phạm pháp luật giảm 50% sau khi có lực lượng công an xã chính quy”, Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.

 Thượng tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội đã nêu

Chiều 6-11, phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Thượng tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết dự án luật đã được xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi.

Chính quy công an xã không làm tăng biên chế

Báo cáo thêm về xây dựng lực lượng Công an xã, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc chính quy hoá lực lượng Công an xã, Bộ đã có văn bản gửi tất cả Ban thường vụ tỉnh uỷ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và hiện nay đã nhận được 40 phản hồi, trong đó 100% đồng tình và đề nghị triển khai sớm theo quy định.

“Có địa phương đã triển khai lực lượng Công an xã chính quy được 5 tháng. Qua sơ kết đánh giá thấy kết quả đạt được là rất tốt. Số vụ án, vi phạm pháp luật giảm 50% sau khi có lực lượng Công an xã chính quy”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin thêm.

Người đứng đầu Bộ Công an tái khẳng định việc chính quy lực lượng công an xã không làm tăng biên chế, bởi thực chất đây là bố trí, sắp xếp lại lực lượng trong Công an nhân dân.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nếu lực lượng công an xã được tăng cường thì có ba phương tiện cần tăng cường: Một là phương tiện giao thông, cụ thể là xe máy để phục vụ tuần tra; hai là phương tiện thông tin liên lạc; ba là công cụ hỗ trợ. Những phương tiện này đều nằm trong kinh phí và tính toán của Bộ Công an.

Trước băn khoăn của một số đại biểu về việc giải quyết thế nào với lực lượng Công an xã không chuyên trách hiện nay, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: “Chúng tôi đánh giá đây là lực lượng quần chúng rất tích cực, có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt là tại cơ sở. Theo lộ trình, Bộ Công an sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, xây dựng dự luật về lực lượng trị an tại cơ sở, trên cơ sở tổng kết Pháp lệnh về Công an xã và tổng kết Pháp lệnh về lực lượng bảo vệ cơ quan, xí nghiệp”.

 Đại biểu Cao Đình Thưởng

Trước đó tại phiên thảo luận, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cho rằng, tình hình an ninh nông thôn hiện nay rất phức tạp vì vậy việc quy định chính quy lực lượng công an xã như dự thảo luật là hết sức quan trọng.

“Nếu có lực lượng chính quy, các vụ việc xảy ra tại địa bàn xã sẽ được giải quyết dứt điểm, bảo đảm đúng pháp luật, xây dựng môi trường sống yên bình tại thôn, xã”, ông Cao Đình Thưởng nhìn nhận.

Tuy nhiên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị cần đánh giá toàn diện, đầy đủ tất cả các tác động của quy định này. Bởi thực tế hiện nay có hơn 9.330 xã nếu như mỗi xã có 5 công an chính quy thì Bộ Công an phải bố trí hơn 40.000 công an chính quy.

“Điều này có ảnh hưởng gì tới đề án tinh giản biên chế và quỹ lương quốc gia không? Bên cạnh đó, lực lượng Công an xã hiện hành phải sắp xếp thế nào cũng là vấn đề cần đặt ra và có lộ trình giải quyết cho phù hợp”, đại biểu Cao Đình Thưởng băn khoăn.

Đề xuất hàm cấp tướng cho 11 Giám đốc Công an tỉnh, thành phố loại I

Cũng trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng, quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với 11 Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị hành chính loại 1 là phù hợp, có tính khả thi cao.

“Khối lượng công việc của công an các địa phương chiếm 80% tổng khối lượng công việc của lực lượng Công an nhân dân và trên 85% biên chế của lực lượng Công an nhân dân bố trí ở công an các tỉnh. Vì vậy, Giám đốc công an tỉnh sẽ có nhiệm vụ, quyền hạn lớn hơn, trách nhiệm nặng nề hơn”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói.

Bày tỏ đồng tình với quy định trên, tuy nhiên, đại biểu Rơ Châm Long (đoàn Kon Tum) cho rằng không nên quy định “đóng khung” con số tối đa là 11 bởi số lượng các tỉnh, thành phố đạt đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có thể thay đổi theo thời gian.

"Số lượng Giám đốc công an tỉnh, thành phố nên nằm trong tổng số cấp trưởng của ngành Công an. Như vậy, sẽ chủ động, dễ xử lý hơn khi tình hình thay đổi", ông Rơ Châm Long đề nghị.

Về vấn đề này, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức Công an nhân dân theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh".

Tranh luận với một số đại biểu cho rằng “đã có Công an phường, xã thì không cần đồn, trạm công an”, đại biểu Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng đồn, trạm công an thành lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay... là những nơi có tình hình an ninh phức tạp. “Thực tế mô hình đồn, trạm công an đã hoạt động từ lâu và hoạt động rất có hiệu quả, vì vậy tôi đề nghị duy trì như quy định tại dự thảo luật”, ông Phạm Đình Cúc nói.

Về vấn đề này, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: “Việc thành lập đồn, trạm, đơn vị công an là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong từng thời điểm và địa bàn nhất định”.

Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) gồm 7 chương, 47 điều, quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sau nhiều lần được bàn thảo, cho ý kiến, dự kiến, luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 6, sáng 21-11-2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019.