Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Anh Sơn (Nghệ An): “Cát tặc” vẫn đại náo sông Lam

Những ngày qua, tình trạng khai thác cát trái phép tại một số xã của huyện Anh Sơn (Nghệ An) lại tiếp tục diễn ra. Tại một số khúc sông Lam, đoạn qua các xã Cẩm Sơn, Long Sơn, Khai Sơn… xuất huyện các tàu hút cát trái phép cả ngày lẫn đêm khiến dư luận bức xúc.

Chưa đủ điều kiện vẫn ngang nhiên khai thác

Có mặt tại cầu Tri Lễ (xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn) vào chiều ngày 24/10, ghi nhận của PV là nhiều tàu cát ngược xuôi “chạy hàng”. Theo quan sát, phía dưới cây cầu này chừng 300m là 2 tàu cát đang tiến hành hút cát ầm ầm lên tàu, tiếng máy nổ inh ỏi cả một khúc sông.

 Hai tàu đang hút cát trái phép trên sông Lam, đoạn qua xã Khai Sơn

“Ngày nào cũng có hàng chục lượt tàu khai thác cát tại khúc sông này, hút cả ngày lẫn đêm. Đây là khúc sông giáp ranh giữa 2 xã Lạng Sơn và Khai Sơn nhưng chủ yếu ban ngày họ tiến hành hút cát tại đoạn sông gần bãi bồi phía xã Khai Sơn” - Ông Tâm, người dân xóm 1, xã Lạng Sơn chỉ về phía các tàu đang khai thác cát, nói.

Đứng quan sát khu vực bờ sông Lam tại xóm 1, xã Lạng Sơn chỉ chừng 1h đồng hồ, chúng tôi ghi nhận nhiều lượt tàu thuyền hút cát trái phép tại khúc sông nói trên. Các tàu thuyền cứ nối đuôi nhau ngược xuôi hút cát trái phép rồi cùng đưa về “trả hàng” tại một mối là bến cát của DNTN Tư Hải, đóng tại xóm 4, xã Khai Sơn, ngay phía trên cầu Cây Chanh chỉ chừng 200m.

 Các tàu hút cát đưa về đổ tại bến chưa được cấp phép bến thủy nội địa của DNTN Tư Hải phía trên cầu Tri Lễ

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV và xác nhận của lãnh đạo UBND xã Khai Sơn và huyện Anh Sơn thì DNTN Tư Hải mặc dù được cấp phép khai thác mỏ trên địa bàn nhưng do chưa được cấp phép bến thủy nội địa nên chưa đủ điều kiện để hoạt động theo quy định. Cụ thể là ngày 03/10/2018 UBND tỉnh Nghệ An mới có Quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư bãi tập kết, chế biến, kinh doanh cát sỏi làm VLXD và xây dựng bến thủy nội địa với 2 vị trí. Vị trí 1 (làm bãi tập kết, chế biến cát, sỏi làm VLXD) có diện tích 1.708,7m2; vị trí 2 (làm bến thủy nội địa và bãi tập kết) có diện tích 4.578,5m2. Tiến độ thực hiện dự án là Quý II đến Quý IV năm 2019 khởi công dự án và đi vào hoạt động.

 Bến cát của Công ty Phúc Long (xã Long Sơn) tấp nập dù chưa được cấp phép

Tại xã Long Sơn, có Công ty Phúc Long, đây là đơn vị được cấp phép khai thác cát trên địa bàn từ vài năm trước với diện tích 13ha. Tuy nhiên, cũng như DNTN Tư Hải thì đơn vị này cũng thuộc diện đang tạm bị đình chỉ vì chưa đủ điều kiện để hoạt động. Cụ thể là chưa được cấp phép bãi tập kết bến thủy nội địa theo quy định. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV vào chiều ngày 24/10/2018 thì bãi tập kết của đơn vị này ngay sát bờ sông Lam đang có hàng nghìn khối cát. Xe tải nườm nượp vào ra để lấy cát, phía dưới sông nhiều chiếc thuyền cát đầy ắp đang ầm ầm hút cát vào tập kết tại bến.

 Một tàu đang chở cát ngang nhiên đi qua cầu Tri Lễ

Ngoài ra, tại một số địa điểm khác như tại xã Cẩm Sơn có một điểm hút cát trái phép tại xóm 5 và xóm 1-5. Tại đây, có một con đường vào chỉ cách QL7 khoảng 150m với cánh cổng luôn khóa. Các tàu thuyền hút cát trái phép ở dưới sông, xong đưa vào bờ với thiết bị hút được đặt sẵn trên bờ rồi trực tiếp hút lên các xe chở cát, chủ bến nhanh chóng mở cửa để xe chở cát vào ra rồi lại khóa kín cổng để tránh sự xâm nhập của người lạ.

Tương tự là tại xã Tường Sơn, ở xóm 11 của xã này cũng có hai điểm các tàu khai thác cát về sát bờ sông, xong hút trực tiếp lên các nhà xe chờ sẵn rồi nhanh chóng tỏa đi các hướng để tiêu thụ.

Cần siết chặt quản lý

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Anh Sơn đang có hàng chục điểm hút cát sỏi và tập kết thì chỉ có hai mỏ là mỏ của Công ty TNHH Dung Cơ (thị trấn Anh Sơn) và mỏ của Công ty Long Thành (tại xã Thành Sơn) là có đủ thủ tục để được phép khai thác, số còn lại không có điểm nào đầy đủ thủ tục. Tuy nhiên, các tàu khai thác nhiều nơi vẫn ngày đêm vẫn đua nhau đục khoét lòng sống để thu lợi bất chính, làm thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia, gây bất bình trong dư luận.

 Bến cát hàng nghìn khối của Công ty Phúc Long

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chủ tịch UBND xã Khai Sơn, thừa nhận DNTN Tư Hải chưa đủ điều kiện để khai thác nên đang tạm bị đình chỉ. Đồng thời, bà Ánh cũng thừa nhận việc khó quản lý hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn mình quản lý: “Hiện, trên địa bàn có 1 bến cát được cấp phép của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Trung và 1 mỏ cát được cấp phép của DNTN Tư Hải. Thế nhưng mỏ của đơn vị này chưa đủ điều kiện hoạt đông. Nếu có đơn vị nào khai thác cát trên khúc sông Lam đoạn qua địa bàn là trái phép, chúng tôi cũng kiểm tra nhưng rất khó khăn vì không có phương tiện, thiếu lực lượng. Nhiều khi ra bờ sông thấy khai thác đó nhưng chỉ đẩy đuổi rồi họ lại đi sang địa phận xã khác nên xã cũng chịu”.

Cũng theo bà Ánh, thời gian qua, địa phương cũng có xử lý được một vài trường hợp khai thác cát, tập kết cát trái phép trên địa bàn và xã cũng đã lập biên bản đình chỉ những trường hợp này.

 Một biên bản đình chỉ tập kết cát trái phép tại xã Khai Sơn

Ông Hoàng Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, cho hay: “Hiện, trên địa bàn toàn huyện Anh Sơn mới có 2 đơn vị đủ điều kiện để khai thác, tập kết cát sỏi. Số còn lại dù có mỏ được UBND tỉnh cấp phép nhưng do thiếu bến thủy nội địa nên chưa thể hoạt động. Những đơn vị đó đều đã ký cam kết với xã không tự ý khai thác khi chưa đủ thủ tục cấp phép theo quy định. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã kiểm tra, xử lý những trường hợp khai thác, tập kết cát trái phép trong thời gian sớm nhất”.

Mới đây, ngày 29/10/2018, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 8292/UBND-NC gửi các Sở; ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã liên quan yêu cầu phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với bến thủy nội địa tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao UBND các huyện, thành phố, thị xã kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến chưa được cấp phép; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các thủ tục, hồ sơ bến, bãi tập kết cát, sỏi theo quy định.