Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trong tuần lễ đáng sợ, tỷ phú Phương Thảo lại ra tay mạnh mẽ

CEO nữ hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đánh cược mạnh hơn vào lĩnh vực đầy tiềm năng bất chấp những biến động và rủi ro khôn lường trên thị trường. Sức nóng của các sân bay hấp dẫn “nữ hoàng” châu Á này.

Hãng hàng không VietJet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục có những bước đi mạnh mẽ trong lĩnh vực hàng không dân dụng với việc tiếp tục ký kết những hợp đồng mua bán máy bay khủng.

Ngày 3/11, VietJet và Tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu Airbus đã ký kết hợp đồng đặt mua 50 tàu bay A321neo trị giá 6,5 tỷ USD nhằm hoàn thiện Biên bản ghi nhớ (MOU) được 2 bên ký kết tại Farnborough (Anh quốc) vừa qua.

VietJet cũng ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ với công ty CFM International trị giá 5,3 tỷ USD. Hợp đồng bảo dưỡng giúp VietJet nâng cao độ an toàn đối với các chuyến bay.

Đây là một bước đi mạnh mẽ khác cho thấy tham vọng mở rộng thị phần và giữ vững vị trí số 1 tại thị trường hàng không Việt Nam của bà Nguyễn Thị Phương Thảo sau khi VietJet của nữ tỷ phú này ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 giá 12,7 tỷ USD hồi giữa tháng 7/2018 tại triển lãm hàng không Farnborough diễn ra ở miền Nam nước Anh.

Nó cho thấy quyết tâm thống lĩnh thị trường của bà Thảo trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không tại khu vực Đông Nam Á bùng nổ “đáng kinh ngạc” và thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp lớn.

Trước đó, VietJet cũng thỏa thuận mua và thuê tổng cộng 100 máy bay A320 và A321, trị giá tổng cộng 9,1 tỷ USD với Airbus năm 2014. Vào giữa năm 2015, hãng này còn ký mua thêm 6 máy bay A321 (trị giá 682 triệu USD).

Gần đây, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) - một công ty con thuộc Tập đoàn FLC xin cấp quyền bay các tuyến nội địa nhưng đã bị Cục Hàng không từ chối do “chưa được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không”.

Hiện tại, theo ý kiến của lãnh đạo văn phòng Chính phủ, Chính phủ rất thận trọng, xem xét rất kỹ các ý kiến đa chiều về việc cấp phép bay cho Bamboo Airways.Hiện, cấp có thẩm quyền đang xử lý. Trước đó, Bamboo Airways không thuê ướt (thuê cả đội bay) 9 tàu bay của GoAir (Ấn Độ) do bất đồng về gía.

Sau 1 tuần lễ giảm giá liên tục, cổ phiếu VJC của VietJet đã có 4 phiên tăng trở lại. Nữ tỷ phú Phương Thảo hiện có túi tiền 2,7 tỷ USD, vẫn còn thấp hơn mức kỷ lục 3,5 tỷ USD nhưng nó đánh dấu sự hấp dẫn trở lại của cổ phiếu này.

 Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. (Ảnh: Phạm Hải)

VietJet có kết quả kinh doanh quý 3 khá ấn tượng với doanh thu tăng hơn gấp đôi nhờ tăng cường thêm đội tàu bay mới va mở thêm nhiều đường bay quốc tế. Tỷ trọng doanh thu quốc tế chiếm trên 50%. Lợi nhuận sau thuế quý 3 cũng tăng hơn gấp đôi lên gần 1,1 ngàn tỷ đồng.

Lợi nhuận tăng cao một phần do tiết kiệm nhiên liệu nhờ máy bay mới và nạp nhiên liệu tại thị trường nước ngoài với giá thấp hơn.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đánh cược lớn vào 2 lĩnh vực sôi động tại Việt Nam là hàng không và ngân hàng với cú thâu tóm 2 ngân hàng, mua hơn 200 máy bay. Lợi nhuận của các doanh nghiệp về tay bà Thảo đều tăng mạnh nhờ những tính toán hợp lý như tối ưu hóa chi phí đầu vào cũng như những hợp đồng lớn, mua về bán lại và cho thuê tàu bay.

Bên cạnh VJC và HDB của bà Thảo, hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản khác cũng tăng trở lại nhờ kết quả kinh doanh quý 3 ấn tượng.

Nhóm cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết như FLC, ROS, ART cũng bứt phá sau một thời gian giảm sâu. Thị trường đang chờ đợi sự kiện Bamboo cất cánh bay.

Nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo trong 2 năm qua nổi bật trên thị trường chứng khoán (TTCK). Nữ doanh nhân này không ngần ngại tung ngàn tỷ gia tăng thế lực tại hãng hàng không đứng đầu Việt Nam. Bà Thảo hiện đứng thứ 843 trong bảng xếp hạng giàu có của Forbes.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu Vinhomes (VHM) của ông Phạm Nhật Vượng tăng vọt nhờ thị trường chung đi lên và lợi nhuận tốt. Vietcombank và BIDV cũng tăng điểm ấn tượng.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thị trường đang có cơ hội hồi phục trong ngắn hạn theo mô hình kỹ thuật chữ V với mục tiêu giá tại 970, sau khi vượt cản 940. Kết quả bầu cử Quốc hội Mỹ vào giữa tuần sau có ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và diễn biến thị trường.

Rồng Việt cho rằng, chưa thể xác nhận xu hướng tăng nhưng với động lực hiện tại, thị trường mở ra cơ hội trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế mua khi các cổ phiếu vốn hóa lớn điều chỉnh giảm ở phiên tiếp theo.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/11, Vn-Index tăng 16,9 điểm lên 924,86 điểm; HNX-Index tăng 2,38 điểm lên 105,75 điểm. Upcom-Index tăng 0,43 điểm lên 51,74 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 270 triệu đơn vị, trị giá 5,1 ngàn tỷ đồng.