Thầy giáo toát mồ hôi nghe cuộc gọi cầu cứu của quý bà lái xe
- 06:34 05-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau hơn 10 năm kinh nghiệm dạy lái ô tô, anh Phạm Tuấn Anh (SN 1983) khẳng định, anh đã từng dạy cho hàng trăm học viên. Trong đó lượng học viên nữ chiếm phần không nhỏ. Mỗi đối tượng học viên đều có những ưu, nhược điểm khác nhau.
"Có học viên nữ học 1 buổi đã biết lái nhưng cũng có người học đến buổi thứ 10 vẫn không thể lái. Họ ngồi lên ô tô là mồ hôi toát ra, chân tay run lẩy bẩy” - thầy Tuấn Anh chia sẻ.
Thầy giáo Tuấn Anh chia sẻ về một phần giáo trình giảng dạy của mình |
Vẫn lời thầy giáo sinh năm 1983, việc học viên sợ vô lăng, lên xe bị toát mồ hôi là do tâm lý kém. Vì vậy, khi dạy học viên nữ, nguyên tắc của thầy giáo là phải bình tĩnh, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Nếu học viên có sai sót thì cũng tránh to tiếng. Chỉ nhẹ nhàng góp ý để người học không bị mất tinh thần.
“Tôi từng gặp học viên nữ đã có bằng lái xe. Tuy nhiên, sau khi có bằng, cô ấy vẫn không tự lái được xe nên đăng ký đi học bổ túc.
Lúc ngồi lên xe của tôi cô ấy vẫn run sợ. Tôi phải động viên tinh thần thì cô ấy mới dám lái. Sau đó, tôi hướng dẫn cô ấy đi xe ở các địa hình khác nhau.
Khi kết thúc khóa học, cô ấy nói với tôi, cô ấy từng bị hội chứng "sợ vô lăng". Lý do là vì mỗi lúc lái chưa tốt, người chồng của cô ấy lại quát ầm ĩ khiến cô hoảng và không tin vào tay lái của mình”, thầy Tuấn Anh kể lại.
Người thầy này cho rằng, khi lái xe yếu tố tâm lý rất quan trọng. Nếu tâm lý không tốt thì người học sẽ khó vận hành xe.
Thầy giáo sinh năm 1983 trong một buổi hướng dẫn thực hành |
Ngoài ra, trong quá trình dạy lái, thầy Tuấn Anh cũng nhận thấy, có nhiều người đã có bằng nhưng trước đó không được thực hành lái xe trong các hoàn cảnh thời tiết, địa hình khác nhau. Chính vì vậy, khi gặp tình huống mới, họ bị bỡ ngỡ và không đủ kỹ năng để xử lý vấn đề.
“Cách đây nhiều năm, số lượng người ở chung cư ít nên trong quá trình dạy lái, các thầy không tập cho học viên kỹ năng xuống hầm đỗ xe. Do vậy, khi phải xuống hầm, nhiều học viên bỡ ngỡ. Có người phải gọi điện cho tôi để nhờ tôi hướng dẫn từ xa. Ngoài ra, có nhiều người không biết “lùi chuồng” khi trước và sau chỗ trống đều có chướng ngại vật cũng gọi cho tôi ”- thầy Tuấn Anh cười nói.
“Đáng nhớ nhất trong số đó là trường hợp một người phụ nữ ở TP.HCM” - thầy Tuấn Anh kể tiếp.
Theo lời thầy, người phụ nữ này không phải học viên của mình. Thế nhưng, không biết từ đâu chị có số điện thoại của thầy Tuấn Anh.
“Khi gọi cho tôi, giọng chị ấy như muốn khóc khiến tôi toát mồ hôi. Tôi phải trấn an thì chị ấy mới nói, tài xế của chị ấy nghỉ nên chị ấy tự lái xe đi họp. Hiện tại, khu vực đậu xe chỉ còn một ô trống. Ô trống này đủ cho 1 ô tô đậu. Tuy nhiên, trước và sau nó đều là những chiếc ô tô sang. Bên cạnh, giao thông vẫn đi lại tấp nập nên chị bị cuống. Chị nói, chị đã loay hoay cả chục phút nhưng vẫn không thể “lùi chuồng” thành công.
Bây giờ, cuộc họp sắp bắt đầu và giao thông chuẩn bị ùn tắc nên chị buộc phải gọi cho tôi” - thầy Tuấn Anh nhớ lại.
“Sau khi hình dung được vấn đề, tôi chỉ hướng dẫn chị ấy vài kỹ năng là chị ấy đã “lùi chuồng” thành công. Sau hôm đó, chị ấy gọi điện cảm ơn thì tôi mới biết, chị ấy có bằng lái nhưng lại chưa được học kỹ năng đậu xe khi phía trước và phía sau đều có chướng ngại vật. Vì vậy, khi có áp lực tâm lý chị ấy càng không xử lý được”, thầy giáo SN 1983 nói tiếp.
Vẫn lời thầy, trên mạng xã hội từng xuất hiện nhiều clip về việc các nữ lái xe loay hoay cả chục phút vẫn không thể “lùi chuồng”. Nhiều người xem xong cười đùa và chê bai phụ nữ. Tuy nhiên, theo thầy Tuấn Anh, đây là chuyện không đáng cười.
“Tất cả đều cần có kỹ năng. Nếu chưa được học kỹ năng thì việc không biết xử lý cũng là chuyện bình thường. Có nam thanh niên biết lái xe 5 năm nay nhưng khi yêu cầu đậu xe ở vị trí hẹp, trước sau đều có chướng ngại vật thì cũng lúng túng” - thầy Tuấn Anh nói.