'Xứ sở ngàn cau' mang lại tiền tỷ ở miền Trung
- 17:46 04-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Rừng cau bạt ngàn ở xã Sơn Long, huyện vùng cao Sơn Tây. Đây là loại cây trồng truyền thống, đồng bào dân tộc Cadong nơi đây trồng cau để hái trái ăn trầu, tạo cảnh quan đẹp cho vườn đồi. Nhiều năm gần đây, giá cau tăng mạnh trở thành thị trường hàng hóa mang lại thu nhập cao cho người dân. |
Bản làng xã Sơn Liên, huyện miền núi Sơn Tây. Ông Phan Huỳnh Sơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Liên, cho biết việc trồng và chăm sóc không khó như các loại cây trồng mới. "Loại cây này không kén đất, ít bị sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc, đầu tư một lần cho thu hoạch trong thời gian dài 20 năm lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây keo nên người dân thích trồng hơn các loại cây khác", ông Sơn nói. |
Cây cau bạt ngàn trên các sườn đồi xen lẫn ruộng lúa bậc thang ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây. Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho biết hàng năm vụ cau kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Sau khi xuống giống, cây cau đến 6 năm tuổi thì bắt đầu cho thu hoạch. Toàn xã hiện có 50 ha đang trong giai đoạn cho thu hoạch, trung bình mỗi ha cau người dân nơi đây bán thu lãi từ 100-200 triệu đồng. |
"Vụ cau năm nay, có thời điểm giá tăng vọt đến 30.000 đồng/kg nên nhiều hộ dân trúng đậm từ 200 đến 300 triệu đồng. Cá biệt như gia đình ông Đinh Văn Gheng, thôn Ramanh (xã Sơn Long) bán cau thu về hơn 500 triệu đồng", ông Vượt nói. |
Ông Phạm Hồng Khuyến, Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây, cho hay địa phương đang lập dự án “Vùng chuyên canh cây cau” góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế nạn xâm lấn, khai thác rừng trái phép. |
Ba năm trước, ông Đinh Văn Hanh (ngụ xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây), cho hay mỗi năm bán cau có doanh thu khoảng 60 triệu đồng. Những năm gần đây, giá cả tăng vọt, trung bình mỗi năm gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng nhờ trồng cau trên vườn đồi. |
Theo người dân địa phương, so sánh với trồng keo sau 5 năm mới cho thu hoạch một lần. Sau khi trừ chi phí đầu tư, dân làng thu hoạch mỗi ha keo nhiều nhất cũng chỉ được 30 triệu đồng. Trồng cau tuy giá cả thiếu ổn định nhưng giá mỗi kg cau hơn 10.000 đồng trở lên là người dân đã có thu nhập gấp đến 5-10 lần so với trồng keo. |
Sau khi thu mua trái tươi về, người dân tập trung phân loại trước khi đưa vào lò luộc, hấp sơ chế. |
Xe tải thu gom cau từ các bản làng huyện vùng cao Sơn Tây đưa về lò hấp sơ chế. Theo các thương lái, Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ cau của Việt Nam rất lớn để sản xuất kẹo bán đi các nước có khí hậu lạnh. |
Thống kê sơ bộ của huyện Sơn Tây, địa phương này có 1.100 ha đạt sản lượng 20.000 tấn cau trái. Nếu thu hoạch hợp lý, đúng độ tuổi, với giá dao động từ 18.000 đồng đến 25.000 đồng mỗi kg như hiện nay thì người dân địa phương có thể thu về hàng chục tỷ đồng từ loại cây này. |
Người dân tất bật đốt lò hấp cau ở trung tâm huyện lỵ Sơn Tây. |
Cau trái sau khi được đưa vào lò hấp chín. |
Cau sau khi được sấy khô, người dân phân loại, đóng gói để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện huyện Sơn Tây đã kêu gọi một doanh nghiệp lớn tại Quảng Ngãi liên kết sản xuất và tiêu thụ cau cho địa phương. Doanh nghiệp này đầu tư nhà kho và cơ sở sơ chế biến, làm cầu nối hỗ trợ xuất khẩu cau hứa hẹn mang lại thu nhập ổn định cho người dân Sơn Tây. |
Địa phương xác định cây cau trở thành loại cây trồng chủ lực, từng bước hỗ trợ người dân các chính sách hỗ trợ đầu tư, tìm kiếm phát triển thị trường. Huyện vùng cao Sơn Tây hướng đến mục tiêu hình thành vùng chuyên canh có sản lượng hàng hóa lớn, xác lập thương hiệu cho loại cây này. Từ nay đến năm 2025, địa phương này đặt mục tiêu hình thành vùng chuyên canh cây cau tập trung khoảng 2.000 ha. |