Châu Á lo lắng ngóng kết quả bầu cử giữa kỳ tại Mỹ
- 09:42 03-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc tháng 11 năm ngoái - Ảnh: AP |
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong thời gian ngắn cầm quyền, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến châu Á và thế giới qua các quyết định đầy cứng rắn của mình với mục tiêu chính là vì quyền lợi của nước Mỹ.
Hiện tại, Bắc Kinh, Seoul và các thủ đô châu Á khác đang chăm chú theo dõi xem liệu đảng Dân chủ Mỹ có giành lại được ít nhất một viện của Quốc hội từ tay đảng Cộng hòa không, và thay đổi (nếu có) tác động ra sao đến chính sách đối ngoại và ý tưởng thương mại của Mỹ.
Trung Quốc hy vọng và dè chừng
Dư luận Trung Quốc thường ít quan tâm đến bầu cử Quốc hội Mỹ trong những năm trước, nhưng năm nay tình hình đã thay đổi do chính sách cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc, chuyên gia Yu Wanli - Đại học Văn hóa và ngôn ngữ Bắc Kinh, cho biết.
"Người ta hy vọng kết quả bầu cử sẽ thay đổi quan hệ Trung - Mỹ. Tức là nếu ông Trump bị mất đi một phần sức mạnh chính trị, ông ấy có thể phải mềm mỏng hơn một chút với Bắc Kinh" - ông Yu giải thích.
Tuy nhiên, giáo sư Su Hao - Đại học Ngoại giao Trung Quốc, lại cho rằng chiến thắng của phe Dân chủ không chắc sẽ mang lại thay đổi căn bản trong chính sách Trung Quốc của Tổng thống Trump.
"Đảng Cộng hòa và Dân chủ có cùng thái độ và quan điểm về Trung Quốc. Nếu Cộng hòa thua, ông Trump có thể bị kéo lại một chút nhưng nó sẽ không có tác động đáng kể đến quan hệ Mỹ - Trung" - ông Su Hao nhận định.
Chia sẻ quan điểm, giáo sư Hiro Aida của Đại học Aoyama Gakuin (Tokyo, Nhật), nhận xét: "Chiến thắng của phe Dân chủ sẽ khiến Quốc hội Mỹ có thêm thành viên Dân chủ thiên tả, họ có thể cũng chủ trương bảo hộ thương mại như cánh Cộng hòa nghiêng theo ông Trump".
Tổng thống Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore hồi tháng 6 - ảnh: AP |
Sợ Triều Tiên bế tắc
Một số chuyên gia Hàn Quốc tin rằng ông Trump có thể mất đi vốn liếng chính trị để đẩy mạnh chính sách Triều Tiên nếu đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, còn Cộng hòa chỉ giữ được thế đa số mong manh ở Thượng viện.
Thời gian qua, các nghị sĩ Dân chủ chỉ trích thái độ hòa hoãn và tâng bốc của ông Trump đối với Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Họ cho rằng điều đó chẳng khác nào trao cho Bình Nhưỡng tính chính danh, trong khi nhiệm vụ phi hạt nhân hóa chưa ra đâu vào đâu.
Một Hạ viện do Dân chủ kiểm soát có thể cho điều tra về chính sách Triều Tiên của Tổng thống Mỹ, yêu cầu trưng ra thêm thông tin về chương trình hạt nhân và động cơ của Bình Nhưỡng để mới quyết định xem sẽ làm gì tiếp theo.
Ông Trump đã cho thấy dấu hiệu chậm lại trong ngoại giao với Triều Tiên, và nếu bên Cộng hòa không thắng lớn thì ông có thể phải thay đổi quan điểm cho giống với số đông - tức cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, học giả người Hàn Quốc Du Hyeogn Cha đưa ra dự báo.
Tóm lại, mối quan tâm lớn đến bầu cử giữa kỳ của Mỹ không chỉ vì thương mại và Triều Tiên, mà có một niềm hy vọng chung về sự phục hồi "vai trò lãnh đạo tinh thần của Mỹ" - giáo sư Hiro Aida chia sẻ.