Người phụ nữ tự nhận “quen Chủ tịch tỉnh”, chuyên hành nghề lừa đảo
- 15:26 02-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tòa sơ thẩm tuyên phạt Cao Thị Tâm mức án 9 năm tù. |
Bà nội trợ “quen biết rộng”
Phiên tòa “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” do TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm vào ngày 11/10 chỉ lưa thưa vài người dự khán. 33 tuổi, nhưng vẻ bề ngoài của bị cáo Cao Thị Tâm (trú xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) trông già hơn nhiều so với tuổi thật. Tâm ngồi lặng lẽ một mình trong khán phòng. Không một người thân nào của bị cáo đến dự khán dù khoảng cách từ quê nhà đến tòa chỉ vài cây số.
Các bị hại đến tòa mỗi người một tâm trạng, người hậm hực, nhưng cũng có người dè dặt bởi là chỗ thân tình, quen biết Tâm từ trước. Chạm mặt nhau tại tòa, hai bên chỉ nhìn lướt qua rồi tránh mặt.
Cao Thị Tâm dù chỉ ở nhà nuôi con, làm nội trợ nhưng vịn vào cớ bố đẻ nguyên là giáo viên, từng có thời gian dạy một vị lãnh đạo tỉnh Nghệ An nên Tâm tự nhận “quen Chủ tịch tỉnh” để lừa nhiều người. Trong vòng chưa đầy 2 năm, từ 6/2014 đến 2/2016, Tâm đã lừa “chạy việc” chiếm đoạt của các nạn nhân tổng số tiền 660 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 6/2014, vì có nhu cầu tìm việc cho vợ nên anh Trần Anh Q. đã nhờ một người quen giúp đỡ. Người này sau đó đã giới thiệu anh đến với Cao Thị Tâm vì có quen biết và biết gia đình Tâm có quan hệ với lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Biết mình không có điều kiện và khả năng xin việc làm nhưng Tâm vẫn nhận lời và hứa sẽ xin cho con gái anh vào làm một bệnh viện trên địa bàn TP Vinh. Tâm đưa ra chi phí “lót tay” là 180 triệu đồng. Tin tưởng vào mối quan hệ của Tâm nên người đàn ông này đã vay mượn khắp nơi để nộp đủ khoản tiền ấy trong thời gian ngắn.
Sau khi lừa đảo trót lọt vụ đầu tiên, Tâm tiếp tục tiếp cận các nạn nhân khác. Tháng 9/2015, Tâm “nổ” với anh Nguyễn Hùng Q. việc mình có quan hệ với lãnh đạo cấp cao ở tỉnh Nghệ An và sẽ nhờ họ xin việc cho con gái anh vào làm cơ quan nhà nước với chi phí 300 triệu đồng. Tin tưởng, người đàn ông này đã cắm sổ đỏ, vay tiền với lãi suất cao để gom đủ số tiền, đưa cho Tâm “chạy việc”.
Không chỉ chiếm đoạt tiền của người xa lạ, Tâm còn lừa ngay chính người quen của mình. Một ngày đầu năm 2016, biết con gái anh Võ Trung K. vừa tốt nghiệp trường sư phạm, đang muốn xin việc nên Tâm liền mở lời. Vì là chỗ thân tình, quen biết lâu năm, lại biết bố Tâm từng là giáo viên nên người đàn ông này hoàn toàn tin tưởng. Sau khi nhận số tiền 180 triệu đồng, Tâm hứa sẽ xin cho con gái người đàn ông này vào dạy tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Hưng Nguyên.
Các nạn nhân sau thời gian chờ đợi nhưng không thấy Tâm thực hiện như cam kết đâm ra nghi ngờ. Sau đó, họ yêu cầu Cao Thị Tâm hoàn trả lại số tiền đã đặt cọc. Tuy nhiên, lúc này Tâm trình bày không có khả năng chi trả tiền rồi liên tục trốn tránh.
Ngay cả những bộ hồ sơ đã nhận của các nạn nhân Tâm cũng không nhớ mình đã vứt ở góc nào. Do đó, các nạn nhân đã làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng. Cuối năm 2017, Cao Thị Tâm bị bắt giữ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng sau đó được tại ngoại do mang thai.
Nước mắt tại tòa
Để đến tham dự phiên tòa, Tâm cho hay phải gửi đứa con nhỏ mới 6 tháng tuổi cho hàng xóm. Bị cáo nói, từ khi sự việc bị vỡ lỡ, gia đình bên nội cắt đứt mọi quan hệ nên rất buồn, cuộc sống khó khăn. Hiện, 5 mẹ con đang tá túc trong phòng trọ ở thị trấn Hưng Nguyên.
Đứng trước HĐXX, bị cáo Cao Thị Tâm mất hẳn dáng vẻ của một người có “quen biết rộng” trước đó tự tạo ra. Bị cáo đứng rúm ró, khọm rọm, vừa nói vừa liên tục thút thít khóc. Tòa hỏi bị cáo đã dùng tiền chiếm đoạt được vào việc gì? Bị cáo lại khóc “kể khổ”, rằng tổng số tiền gần gần 700 triệu đồng chiếm đoạt được của các nạn nhân bị cáo đa phần dùng vào tiêu xài cá nhân, nuôi con và chi tiêu khác.
Tâm trình bày, hoàn cảnh của bị cáo hiện rất khó khăn, 5 mẹ con phải đi thuê trọ, các con còn nhỏ dại, thường xuyên đau ốm. Chồng bị cáo là bộ đội ở xa nên hiếm khi được về nhà. Do vậy, mọi công việc trong gia đình, chăm sóc con cái đều do một tay bị cáo làm cả.
Nữ bị cáo tiếp tục thút thít cho biết, số tiền 2 triệu đồng mỗi tháng mà chồng gửi về không đủ để chi trả các chi phí trong cuộc sống nên bị cáo phải gửi con nhỏ đi kiếm tiền. “Bị cáo thường tranh thủ 2 ngày cuối tuần, lúc con gái đầu nghỉ học nhờ bồng em út để đi giúp việc, quyét dọn. Hoàn cảnh của bị cáo rất khó khăn nên xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về chăm sóc các con”, Tâm nói tại tòa.
Trước khi HĐXX đưa Cao Thị Tâm ra xét xử, gia đình bị cáo đã hoàn trả lại số tiền 180 triệu đồng cho anh K. nên nạn nhân này đã có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo, riêng anh Q. được trả lại 55 triệu đồng (còn lại 245 triệu đồng). Tâm nói, tất cả các khoản tiền đó đều do gia đình bên ngoại đứng ra vay mượn trả giúp cho bị cáo.
Vị nữ chủ tọa nghiêm giọng, hoàn cảnh khó khăn, đông con, lại đang mang thai, đáng ra bị cáo phải lo làm ăn để nuôi gia đình, đằng này lại đi lừa đảo từ người này đến người khác. Không phải cứ viện lý do nghèo để đi làm chuyện phạm pháp. Nghe những lời đó, Tâm cúi mặt xuống, tiếp tục khóc nức nở.
Có lẽ vì có chút cảm thông cho hoàn cảnh của bị cáo nên các bị hại chỉ yêu cầu hoàn trả lại số tiền còn lại đã bị chiếm đoạt. Phát biểu tại tòa, một nạn nhân nói, vì bị Tâm lừa đảo mà cuộc sống của gia đình người này bị đảo lộn suốt 3 năm nay. Con gái bị hại vì xấu hổ với bạn bè nên không dám ra ngoài gặp bạn bè.
Bị hại này cho biết thêm, để có khoản tiền 300 triệu đồng nạp cho Tâm “chạy việc”, gia đình đã cắm sổ đỏ vào ngân hàng, đồng thời vay ngoài với lãi suất cao. Suốt 3 năm qua, họ phải còng lưng trả tiền lãi cho khoản tiền đó. “Giờ đây, mong muốn của chúng tôi là Tâm phải hoàn trả lại số tiền 245 triệu đồng. Còn các vấn đề khác, chúng tôi không đề nghị thêm”, nạn nhân phát biểu.
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là đáng lên án, vi phạm pháp luật. Dù không có khả năng xin việc, nhưng vì lòng tham đã lừa đảo, cố tình “làm màu” mối quan hệ của mình để lừa các nạn nhân, chiếm đoạt tài sản. Tòa cũng cho rằng, trong sự việc này vì sự nhẹ dạ, cả tin của bị hại, nên bị cáo mới mới “có đất” để thực hiện hành vi lừa đảo. Đây là bài học cho các bị hại và nhiều người khác về vấn đề khá nhạy cảm hiện nay là “lót tay”, “chạy việc” để vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.
Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Cao Thị Tâm 9 năm tù, buộc phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân. Nhận bản án, Cao Thị Tâm lảo đảo, đổ gục xuống bàn òa khóc. Trước khi ra về, bị cáo này nói sẽ cố gắng vay mượn tiền trả cho các bị hại, từ đó trông chờ vào bản án khác, có thể nhẹ hơn trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới.