Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn
- 13:09 30-10-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vấn đề ô nhiễm sông Nhuệ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh minh họa |
Đại biểu Quốc hội “mở màn” phiên chất vấn là ông Trần Tất Thế (tỉnh Hà Nam), nhắc lại phần chất vấn tại kỳ họp thứ 3 và được Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà hứa sau 5 năm sẽ trả lại “màu xanh” cho sông Nhuệ, sông Đáy vốn đang bị ô nhiễm nặng nề. Tuy nhiên, hôm nay, đại biểu này cho rằng 2 con sông chảy qua Hà Nam vẫn chưa được khắc phục ô nhiễm, nguồn xả thải từ Hà Nội chưa được khắc phục hiệu quả.
“Quan điểm của Bộ như thế nào, có quyết tâm thực hiện không?”, vị đại biểu Hà Nam hỏi Bộ trưởng Bộ TN&MT.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cá nhân ông và nhân dân mong muốn việc giải quyết vấn đề môi trường luôn đạt kết quả tốt nhất. “Như tôi nói, 5 năm sau 2 dòng sông sẽ sạch thì đi kèm với những điều kiện. Việc xử lý ô nhiễm tại các dòng sông liên tỉnh thì phải xử lý tại nguồn, địa phương gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. Hà Nội là nguồn thải chưa xử lý được nước sinh hoạt, hay nước từ Hoà Bình chảy về Hà Nam. Đó là trách nhiệm của địa phương”, Bộ trưởng nói.
Vẫn theo Bộ trưởng TN&MT, Hà Nội có phương án xử lý môi trường sông Nhuệ, sông Đáy rồi, nhưng cơ chế phối hợp với các địa phương khác có 2 con sông này chảy qua không hiệu quả, chưa bố trí được nguồn lực.
Về công nghệ xử lý, Bộ trưởng cho rằng không khó khi Hà Nội đã có công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt ở các khu công nghiệp, làng nghề và có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hợp tác công-tư (PPP). Tuy nhiên, quy trình lựa chọn đối tác công-tư cũng bảo đảm các quy trình như sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư, nên làm chậm đi việc xã hội hoá xử lý môi trường.
Kết luận về nội dung trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng phải rà soát lại trách nhiệm của Bộ và các địa phương liên quan, nhất là về vai trò điều phối, phối hợp của Bộ với các địa phương.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 3 vào cuối năm 2016, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) và Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đặt vấn đề ô nhiễm môi trường tại sông Nhuệ, sông Đáy.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho biết, Khoản 3, Điều 21 Luật Thủ đô quy định, đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do TP. Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai từng dự án.
Đại biểu Khánh đặt ra: “Trách nhiệm của Bộ và các bộ có liên quan tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội giải cứu các dòng sông Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, để góp phần khôi phục các dòng sông cổ và tăng vận khí cho đất nước, phát triển kinh tế-xã hội bền vững của cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ sẽ được thực hiện như thế nào?”.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Đây là lúc chúng ta cần đưa ra giải pháp cụ thể”. Theo Bộ trưởng, các tỉnh có dòng sông Nhuệ, Đáy chảy qua đều đã có Ủy ban lưu vực sông với các đề án xử lý ô nhiễm, điều phối nguồn nước được Chính phủ phê duyệt, nhưng chưa được triển khai. Lý do là vì không xác định được địa phương chủ trì chịu trách nhiệm xử lý, khi mà 90% nước thải ra hai dòng sông này là Hà Nội và 10% còn lại là từ Hà Nam, Hòa Bình và một số địa phương khác. “Việc đầu tiên tôi muốn nói là cơ chế phân công để làm rõ”, Bộ trưởng TN&MT nói.
Vẫn theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, muốn giải quyết được ô nhiễm tại sông Nhuệ, sông Đáy phải tập trung vào những khu vực có lượng nước thải lớn nhất, tập trung nhất và ô nhiễm nhất, đó là các làng nghề và các khu vực trong đô thị dân cư đông dân, với việc ứng dụng công nghệ và huy động nguồn lực thực hiện.
Về công nghệ và cách làm hiện nay tại Hà Nội, rất khó tính toán để có cách thức thu gom và xử lý tập trung được. Như vậy, phải tính đến cả mô hình phân tán, công nghệ phân tán và phải tính đến cả những cách thức để thu gom nước thải, có thể thu gom dọc theo bờ sông.
“Quan điểm tập trung vào xử lý ở đâu, thượng nguồn trước, hạ nguồn sau, hay toàn bộ nước sau khi xử lý xong… thì cần phải bổ sung nguồn nước cho dòng sông và đồng bộ các giải pháp, kể cả những giải pháp như bổ sung nước, khơi thông dòng chảy, vấn đề bảo vệ các vùng sinh thủy hoặc bảo vệ các bờ sông, các công trình sông. Đấy là những công việc chúng ta phải làm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đồng thời Bộ trưởng cũng cho rằng “quan trọng nhất là tiền ở đâu?” và chỉ ra, hiện nay Hà Nội đã tập trung xử lý được khoảng gần một nửa, trong đó có nguồn từ ngân sách, nguồn vốn ODA và nguồn vốn đóng góp của doanh nghiệp. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp, trả chi phí đầy đủ thì khuyến khích được doanh nghiệp tham gia xử lý chất thải qua hình thức PPP hoặc chuyển giao công nghệ...
Tiếp nữa, Nhà nước phải tập trung vốn ODA và nguồn vốn ngân sách để giải quyết hệ thống để thu gom tất cả nước thải ở những vùng thượng nguồn và ở các làng nghề, tránh được tình trạng áp đặt công nghệ, rút ngắn thời gian đầu tư.
Nhưng để thực hiện hợp tác xử lý ô nhiễm theo hình thức PPP, Bộ trưởng cho rằng phải xem xét để cắt giảm quy trình lựa chọn nhà đầu tư càng sớm càng tốt, trong vòng 6 tháng để thương thảo những vấn đề gì là Nhà nước đầu tư, những vấn đề gì là doanh nghiệp đầu tư vận hành kinh doanh và sau đó chuyển giao.
“Theo tính toán của tôi, với hơn 1 triệu m3 nước thải của Hà Nội đổ ra 2 dòng sông, với cách làm này, với nguồn ODA chúng ta huy động được, hòa vào ngân sách và chúng ta sử dụng ngân sách, thậm chí ngân sách ODA, đó không cần phải đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp, chúng ta sử dụng để bù lại cho doanh nghiệp lãi suất mà họ sẽ vay ngân hàng. Như vậy, doanh nghiệp có thể có nguồn vốn và tiếp cận xử lý. Tôi khẳng định mỗi dòng sông cách làm như vậy, có mô hình đầy đủ, công nghệ, cách thức thu gom, xử lý cho đến các mô hình quản trị, các mô hình ba bên thì 5 năm có thể xử lý được. Hà Nội đang đi theo con đường này và tôi đang theo rất sát để sớm tổng kết mô hình này”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà quả quyết.