TP Vinh (Nghệ An): Nhiều dự án “rùa bò”, người dân sống khổ cực
- 19:34 29-10-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều dự án “treo” hàng chục năm
Nhiều năm qua, cuộc sống của gần 70 hộ dân tại các khối Tân Yên, Tân Tiến, Quang Tiến (phường Hưng Bình, TP Vinh) trở nên khổ cực bởi đây là các hộ chịu ảnh hưởng của dự án nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt. Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án đường Lý Thường Kiệt kéo dài ở TP Vinh có lộ giới rộng 24 m, điểm đầu giao cắt với đường Trường Chinh, điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Cừ.
Theo Văn bản số 2452/SGTVT-KHTH của Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An, tuyến đường trên là đường nội thị do UBND TP Vinh quản lý, quy hoạch và được UBND tỉnh Nghệ An giao làm chủ đầu tư thực hiện xây dựng. Trong đó, đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Lợi đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2009. Đoạn còn lại bắt đầu từ đường Lê Lợi đến điểm giao cắt với đường Nguyễn Văn Cừ, có chiều dài hơn 1.000 m, đi qua các khối Tân Yên, Tân Tiến, Quang Tiến (phường Hưng Bình, TP Vinh), hiện mới chỉ cắm mốc giới, chưa được đầu tư xây dựng.
Người dân chịu ảnh hưởng dự án Đại học Y Khoa Vinh không được cấp phép xây dựng |
Mặc dù dự án đường Lý Thường Kiệt được cắm mốc, quy hoạch từ hơn 20 năm trước (cắm mốc năm 1994), tuy nhiên do gặp khó khăn về nguồn vốn và giải phóng mặt bằng, đến nay đoạn còn lại vẫn chưa thể triển khai tiếp, khiến cho cuộc sống của nhiều hộ dân chịu ảnh hưởng tuyến đường này gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Thái Văn Th (trú tại khối Quang Tiến, phường Hưng Bình), phản ánh gia đình ông sinh sống trong căn nhà chật chội 60m2, căn nhà do bố mẹ ông để lại nay đã hư hỏng, xuống cấp rất nhiều, mùa mưa nước tràn vào nhà, ẩm thấp, mùa nắng oi bức khó chịu. Vậy nhưng, bao nhiêu năm nay gần 10 người trong gia đình này vẫn phải sống trong cảnh gò bó, bức bí chỉ vì dự án đường Lý Thường Kiệt đang bị “treo” kéo dài.
Tương tự, dự án đường Lê Ninh kéo dài tại phường Quán Bàu cũng đã làm cho cuộc sống của gần 80 hộ dân tại các khối 5, khối 7 và khối 8 hết sức khổ sở, bức bí. Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lê Ninh được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3795/QĐUB ngày 16/10/2002, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật tại Quyết định số 4021/QĐ.UB-CN ngày 21/20/2003. Tổng mức đầu tư dự án là 23.545.106.000 đồng, với quy mô xây dựng: Tuyến dài 2.957 m, điểm đầu tại cổng Ga Vinh, điểm cuối giao nhau với Quốc lộ 1A (ngã tư Quán Bánh), chỉ giới xây dựng 41 m, lòng đường 21 m, lề đường mỗi bên rộng 10 m. Công ty TNHH Hòa Hiệp là đơn vị trúng thầu thi công.
Sau gần 8 năm phê duyệt, dự án Trường Đại học Y Khoa Vinh (cơ sở 2) vẫn đang còn là bãi đất trống |
Năm 2006, Dự án đường Lê Ninh triển khai xây dựng, tuy nhiên, sau đó dự án chỉ triển khai được đoạn từ Ga Vinh đến Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) và đoạn từ cầu vượt đường 72 m đến đường Nguyễn Chí Thanh, với tổng chiều dài ước chừng 2 km; đoạn còn lại gần 500 m từ Bệnh viện GTVT đến cầu vượt đường 72 m đang còn dở dang 15 năm nay do vướng mặt bằng. Cũng từ đó, gần 80 hộ dân thuộc khối 5, khối 7 và khối 8, phường Quán Bàu phải sống trong cảnh chật hẹp, không được cơi nới, xây dựng nhà cửa vì đất ở của các hộ này đang nằm trong Dự án đường Lê Ninh nói trên.
Ngoài hai dự án trên, hiện Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Y khoa Vinh (cơ sở 2) tại các xã Hưng Lộc, Nghi Đức (TP Vinh) và xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc cũng đang “làm khổ” nhiều hộ dân. Cụ thể, năm 2010, dự án xây dựng Trường Đại học Y khoa Vinh (cơ sở 2) được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, với tổng diện tích là 29,4 ha; năm 2015 được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà giảng đường theo nguồn vốn Ngân sách Trung ương ngành GD&ĐT và nguồn vốn tự có của chủ đầu tư. Dự án cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình xây dựng nhà giảng đường vào tháng 3/2016 và phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án vào tháng 5/2017. Vậy nhưng đến nay, sau gần 8 năm quy hoạch, dự án này vẫn đang là bãi đất trống…
Nhà chức trách nói gì?
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Thanh Tĩnh - Phó Chủ tịch UBND TP Vinh, cho biết: Tuyến đường Lý Thường Kiệt được quy hoạch từ năm 2008, năm 2011 TP Vinh triển khai theo hình thức đầu tư công nhưng sau đó gặp khó khăn về vốn, năm 2014 TP Vinh chuyển sang hình thức đầu tư BT (xây dựng, chuyển giao) nhưng sau đó lại vướng vào Nghị định 63/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về hình thức BT, do đó việc lựa chọn nhà đầu tư phải xác định lại.
Đường Lê Ninh đoạn đã thi công (từ cầu vượt đường 72m đến đường Nguyễn Chí Thanh) nhếch nhác, um tùm cỏ mọc |
Theo ông Tĩnh, đến nay có 67 hộ dân/500 nhân khẩu và 05 cơ quan tổ chức chịu ảnh hưởng từ dự án đường Lý Thường Kiệt đã được phê duyệt phương án nhưng chưa đền bù, giải phóng mặt bằng, trong đó một số hộ dân đã được tiến hành kiểm đếm, kiểm kê tài sản. Cũng theo lời ông Tĩnh, hiện nay TP Vinh đang trình văn bản lên tỉnh xin chuyển dự án đường Lý Thường Kiệt theo hình thức đầu tư công, tổng kinh phí đầu tư, xây lắp hơn 150 tỷ.
Về dự án đường Lê Ninh, qua trao đổi, ông Phạm Thanh Hải - Phó Giám đốc TT phát triển quỹ đất TP Vinh, cho hay: Đến thời điểm này đã có 51 hộ dân (đợt 1) đã được công khai phương án đền bù, đã trình UBND TP Vinh duyệt; số còn lại các hộ dân đang tiến hành xác minh về diện tích đất giao trái thẩm quyền, nằm trong vùng quy hoạch, để có phương án đền bù.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cảnh Phú - Hiệu trưởng, Trường ĐH Y Khoa Vinh, cho biết: Tại thời điểm dự án được phê duyệt gặp rất nhiều thuận lợi, tuy nhiên sau đó dự án bị vướng vào Luật đầu tư công, Luật đất đai thay đổi nên chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng thay đổi, phải làm lại từ đầu. Đặc biệt, khi phương án bồi thường đã xong thì dự án lại không có tiền để chi trả một lần mà phải thực hiện theo từng đợt.
Theo ông Phú, hiện nay dự án đang triển khai xây dựng nhà giảng đường lý thuyết trên diện tích đất khoảng 2 hecta, với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. Về các hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án này, ông Phú cho biết, riêng phần đất nông nghiệp, người dân vẫn sử dụng, khi cần thì chủ đầu tư mới thu hồi. Về diện tích đất ở nằm trong vùng quy hoạch của một số hộ dân, chúng tôi đang tính xin điều chỉnh quy hoạch, đưa các hộ này ra ngoài vùng dự án, ông Nguyễn Cảnh Phú - Hiệu trưởng, Trường Đại học Y Khoa Vinh cho biết thêm.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, việc quy hoạch các dự án là điều cần thiết, tuy nhiên, các dự án “quy hoạch treo” hay “chậm tiến độ” quá lâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục hộ, hàng trăm hộ dân trong nhiều năm là điều khó chấp nhận. Hầu hết những người sinh sống ở trong vùng “dự án treo” đều bày tỏ sự bức xúc, bất bình, bởi cuộc sống sinh hoạt của họ bị đảo lộn, khổ sở vì dự án.