Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tỷ phú Vichai - người viết cổ tích cho Leicester tại Ngoại hạng Anh

Trước khi Vichai Srivaddhanaprabha trở thành ông chủ của Leicester, chẳng ai nghĩ rằng rồi một ngày họ sẽ trở thành nhà vô địch của giải đấu khắc nghiệt nhất xứ sở sương mù.

Trên Daily Mail, cây bút James Sharpe nhận định rằng nhờ tỷ phú người Thái Lan, CĐV mới được phép mơ mộng vinh quang có một ngày sẽ về tay "Foxes". Thực tế ấy như còn thắp lên niềm hy vọng cho người hâm mộ của nhiều đội bóng khác, rằng họ hoàn toàn có thể nghĩ về những viễn cảnh huy hoàng xa xôi.

Tỷ phủ Vichai cầm trên tay chiếc cúp vô địch Championship năm 2014 giúp Leicester thăng hạng. Ảnh: Getty.

Tôn trọng đội bóng 

8 năm trước khi tỷ phú Vichai đặt chân đến thành phố Leicester, chẳng một ai biết rằng ông có thể giúp gì cho đội bóng hay không. Vị doanh nhân người Thái gốc Hoa này tham gia vào công việc của bộ máy lãnh đạo. Trong khi đó, nhiều nhân viên làm việc lâu năm cho CLB đã ra đi sau khủng hoảng.

Năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử "Foxes" tụt xuống chơi ở giải hạng hai nước Anh, kéo theo biết bao nỗi thất vọng tràn trề nơi người hâm mộ. Vì vậy, khi báo chí đưa tin hàng loạt rằng có một gia đình người Thái Lan muốn mua lại Leicester, điều này mang đến cả sự phấn khích hồi hộp lẫn bồn chồn bối rối. Họ vốn nghĩ những ông chủ nước ngoài lần đầu tiên nghe tên thật khó lòng để lột xác một đội bóng.

Trong đầu những fan trung thành ngập tràn các câu hỏi. Ông chủ có nhúng quá sâu vào câu chuyện của đội bóng không? Sẽ đổi tên hay màu sắc thương hiệu CLB? Thậm chí, điều gì xảy ra khi họ vung tiền rồi phát chán và lại bỏ đi thêm một lần nữa, như cách mà ông chủ cũ Milan Mandaric đã làm trước đó?

Tuy nhiên, không có nỗi lo lắng nào thành hiện thực. Ông Vichai đến, bỏ tiền đầu tư và hoàn toàn tôn trọng những giá trị truyền thống của "Bầy cáo".

Tỷ phú người Thái đã cho Leicester vay 100 triệu bảng trong 4 năm đầu tiên tại vị. Sau đó, ông chuyển đổi tất cả thành cổ phiếu, đồng nghĩa với việc ông sẽ không thể nhận lại số tiền ấy rồi bỏ rơi CLB. Các khoản nợ khổng lồ tồn đọng nhiều năm qua được xóa sổ. Từ đội bóng gần đến bờ vực phá sản, "Foxes" hồi sinh với đôi chân vững chãi từ sự hậu thuẫn của một tỷ phú châu Á.

Leicester những năm ấy không tiếc tiền khi mua cầu thủ. HLV Sven-Goran Eriksson tha hồ vung tiền trên thị trường chuyển nhượng. Đôi khi, những bản hợp đồng mang về không thực sự thành công, nhưng cho thấy quyết tâm của toàn bộ ban lãnh đạo khi muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất mỗi khi Leicester ra sân thi đấu.

Đầu thiên niên kỷ mới, tiền đạo Ade Akinbiyi với giá 5 triệu bảng vẫn còn là bản hợp đồng kỷ lục của Leicester. Cho đến năm 2014, họ đã chi 8 triệu bảng để giành được chữ ký của Leonardo Ulloa từ Brighton.

Sau những mùa giải khoác áo "Bầy cáo", chân sút người Argentina được định giá 30 triệu bảng. Leicester tiếp tục hỏi mua Gylfi Sigurdsson của Swansee với giá 40 triệu bảng. Mùa hè năm đó, họ đã chi hơn 100 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng. Một con số nghe thật "điên rồ" đối với một đội bóng tầm trung và thất thường như Leicester.

Chủ tịch Vichai giúp cả thành phố Leicester thay đổi diện mạo. Ảnh: Getty.

Cổ tích đến từ lý trí 

Ngay cả khi viết nên câu chuyện cổ tích bằng danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2015/16, những khoản đầu tư vẫn tiếp tục được rót cho Leicester. Họ cất công xây dựng một khu tập luyện với giá 100 triệu bảng để mở rộng sân vận động King Power.

Nếu không nhờ Vichai, chắc hẳn "Foxes" chẳng có những bước phát triển vượt bậc thế này. Gia đình tỷ phú đã làm thay đổi diện mạo của cả thành phố Leicester chứ chẳng riêng gì CLB.

Những năm qua, Vichai cũng tiêu hàng triệu bảng để phục vụ cộng đồng. Trong đó, hai triệu bảng được dùng để xây một bệnh viện nhi mới, còn một triệu bảng nữa để xây trường đại học về y dược cho thành phố. Với một người sở hữu hơn 5 tỷ USD, con số đó không khác gì một giọt nước. Nhưng với người dân Leicester, số tiền đó chắc chắn sẽ thay đổi cuộc đời họ.

Từ khi tỷ phú Thái Lan trở thành chủ tịch, CLB của ông chỉ đi theo đúng một hướng, đó là đi lên. Một chức vô địch giải hạng nhất, một danh hiệu Ngoại hạng Anh, góp mặt trong tứ kết Champions League. Trong hành trình kỳ diệu đó, Vichai cũng phải đối mặt với những quyết định khó khăn, nhưng ông đã cho thấy mình trở thành một tỷ phú không phải vì cảm tính mà nên.

Vị chủ tịch này đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ của người ngoài cuộc khi quyết định sa thải Claudio Ranieri, người đã giúp CLB của ông vô địch Ngoại hạng Anh một cách thần kỳ.

"Tại sao ông có thể làm như thế?", "Tại sao ông lại có thể đối xử với Ranieri tồi tệ như vậy?", những câu hỏi cùng dấu mốc đó sẽ mãi mãi là một ký ức buồn trong lịch sử của Leicester.

HLV Ranieri bị sa thải ngay cả khi vừa cùng Leicester vô địch. Ảnh: AP. 

Nhưng cũng phải xem xét lại rằng, khi ấy Leicester đang trong bờ vực xuống hạng. Nhiều CĐV của "Bầy cáo" từ sâu trong thâm tâm của mình chắc chắn sẽ biết đó là một quyết định đúng. Quyết định này cũng như những quyết định khác của Vichai từ trước tới nay được đưa ra dựa vào lý trí chứ không phải cảm tính và đặt lợi ích của CLB lên hàng đầu.

Ông là người đưa ra những quyết định này, thế nhưng CĐV lại hầu như không thấy ông phát biểu một lời nào. Có lúc Vichai bị chỉ trích vì cho rằng ông thích gây chú ý hơi lố: khuôn mặt ông chiếm trọn trang bìa ngày Leicester đăng quang. Và cũng chính ông cùng gia đình là những người ôm cup lâu nhất khi đi diễu hành quanh sân vận động.

Có thể họ hiểu nhầm khi những khoảnh khắc như thế thực sự không nhiều. Tuy nhiên, khi mà CLB của bạn bay cao trên 9 tầng mây chủ yếu dựa vào những khoản đầu tư của Vichai, liệu bạn có nên chỉ trích ông như thế không?

Xứ sở sương mỳ đã chứng kiến không ít tỷ phú đầu tư cho các đội bóng trở thành thế lực sừng sỏ như Chelsea, Manchester City. Tuy nhiên, Ngoại hạng Anh vẫn sẽ luôn ghi danh mùa giải 2015/16 vô địch của Leicester City như một câu chuyện cổ tích giữa thế giới bóng đá hiện đại khi được một tỷ phú người Thái Vichai Srivaddhanaprabha chắp cánh.