Sôi động làn sóng mua bán, sáp nhập trường
- 09:57 24-10-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mô hình đại học (ĐH) ngoài công lập (hay còn gọi ĐH tư thục) ở nước ta ra đời ngót 30 năm. Một thời gian khá ngắn so với sự phát triển của một trường ĐH, nhưng cũng đủ minh chứng cho chủ trương xã hội hóa đúng đắn của Nhà nước. Không ít trường trong số đó đã khẳng định được uy tín trong xã hội. Tuy nhiên, hiện nay làn sóng mua bán, sáp nhập các trường đang trở nên sôi động khi có nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư vào giáo dục. Hiện tượng này là sự bất ổn hay tín hiệu vui?
Sinh viên trong tiết học thực hành tại phòng thí nghiệm |
Mua lợi hơn lập mới
Sau nhiều năm gắng gượng, cuối cùng các nhà đầu tư của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) đành phải sang tay cho chủ đầu tư mới vào năm 2014. Nhà đầu tư mới của UEF chính là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục Hutech. Mức giá chuyển nhượng khoảng 180 tỷ đồng. Năm 2013, Trường ĐH Phan Thiết cũng được bán cho một nhóm nhà đầu tư mới với giá khoảng 60 tỷ đồng. Điều đáng nói, những nhà đầu tư này đều có chân trong hội đồng quản trị của ít nhất là một trường ĐH khác. Trước đó, Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) được bán lại cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Ngoài ra, rất nhiều tập đoàn lớn đã nhảy vào đầu tư giáo dục ĐH. Minh chứng là Tập đoàn Thành Thành Công mua Trường ĐH Yersin, Trường Cao đẳng (CĐ) Sonadezi. Trường ĐH Thành Tây được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Vicostone (VCS). Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường ĐH Gia Định thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Công ty cổ phần Đầu tư Hùng Hậu sau khi sở hữu Trường ĐH Văn Hiến cũng tiếp tục mua thêm 4 trường CĐ và trung cấp khác. Trường ĐH Hùng Vương TPHCM được bán lại cho nhóm cổ đông có ông Đặng Thành Tâm. Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, Trường CĐ Việt Tiến (Đà Nẵng) cũng được chuyển sang chủ sở hữu mới.
Nhìn vào thực tế mua bán trường hiện nay, chủ tịch HĐQT một trường ĐH tư thục tại TPHCM nhận định: Trước đây, trường ĐH tư thục hoạt động chỉ cần có vốn điều lệ với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không gồm giá trị đất xây dựng trường) và không quy định về giá trị đầu tư ở thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường. Với những quy định của Nghị định 46 về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (có hiệu lực từ 21-4-2017), việc mua trường sẽ thuận lợi hơn là thành lập trường mới. Cụ thể, nghị định quy định trường tư thục phải có đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường). Vốn đầu tư này được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập thì giá trị đầu tư của trường tư thục phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng. Các trường chỉ được tổ chức đào tạo khi Thủ tướng có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; có đất đai, cơ sở vật chất, ký túc xá sinh viên, cơ sở phục vụ giáo dục thể chất, có đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo hoạt động...
Các trường ĐH muốn mở phân hiệu cần có diện tích đất xây dựng tối thiểu là 2ha, trường hợp đặc biệt thì Bộ trưởng GD-ĐT có thể xem xét quyết định. Phân hiệu của trường ĐH tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu thì giá trị đầu tư của các trường tư thục phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng. Nếu các trường có hành vi gian lận để được phép thành lập sẽ bị đình chỉ hoạt động. Nếu trong 5 năm các trường không thực hiện được đúng cam kết, hoặc khi mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, thì các trường và phân hiệu sẽ bị giải thể.
Vị chủ tịch HĐQT trường ĐH tư thục trên phân tích rõ hơn: Hiện tại số trường ĐH tư thục trị giá 1.000 tỷ đồng rất hiếm. Nhiều trường được chuyển nhượng gần đây chỉ có vài trăm tỷ đồng. Trong khi đó, với quy định mới, nhà đầu tư phải cần 1.000 tỷ đồng, phải có 5ha đất, phải xây dựng cơ sở vật chất, ký túc xá ít nhất cũng mất vài trăm tỷ đồng, chưa kể khi xây xong trường thì phải có đội ngũ giảng viên. Nếu mua một trường thì tất cả đã có sẵn và chỉ việc đầu tư thêm chút ít để mở thêm ngành, tăng chỉ tiêu.
Hiện nay, cả nước có 65 trường ĐH tư thục (chiếm hơn 27,6% tổng số trường ĐH của cả nước), choàng gánh cho ngân sách nhà nước mỗi năm trên 60.000 tỷ đồng. Tổng số sinh viên đang theo học các trường ĐH tư thục hiện nay gần 244.000 sinh viên, chiếm khoảng 13,8% số sinh viên cả nước. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, số sinh viên các trường ĐH tư thục phải đạt 40%. |
Thành công và thất bại
Trong thực tế, sau cuộc mua bán, chuyển giao chủ sở hữu, các trường có những diễn biến khác nhau: Nhiều trường từ chỗ đang phát triển nhưng khi chuyển sang nhà đầu tư mới lại có vấn đề; cũng có nhiều trường từ đống đổ nát, khi có nhà đầu tư mới lại phát triển mạnh hơn.
Trường ĐH Hùng Vương TPHCM là một bài học trong số đó. Trước đây, trường này có quy mô hơn 10.000 sinh viên. Tuy nhiên, khi chuyển sang nhóm nhà đầu tư mới, nội bộ trường lại xào xáo nhiều năm liền và dẫn tới bị đình chỉ tuyển sinh, giảng viên tháo chạy và ảnh hưởng lớn đến việc học của sinh viên. Hiện nay, trường chỉ có vài trăm sinh viên. Với Trường ĐH Văn Hiến, năm 2010, trước tình hình khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất thiếu thốn, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) làm nhà đầu tư chiến lược của trường, với cam kết đầu tư 180 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, đã làm nức lòng cán bộ giảng viên cũng như sinh viên của trường. Tuy nhiên, vài năm sau đó, những cam kết của nhà đầu tư vẫn chỉ trên giấy và người học, tập thể lao động nhà trường ngậm ngùi nếm trái đắng. Đến năm 2013, Công ty cổ phần Phát triển Hùng Hậu mua lại trường này.
Trở lại câu chuyện của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nguyên nhân dẫn đến phải bán trường chính do tình hình tài chính cạn kiệt với khoản nợ lên đến cả trăm tỷ đồng. Cùng với đó, tình hình tuyển sinh của trường này cũng trở nên khó khăn, lương của người lao động bị “ngâm” đến vài ba tháng. Nguyên nhân kế đến là chủ của ngôi trường đã quá lớn tuổi, không thể quản trị trường tốt như trước đây. Sau khi được chuyển giao cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng, đến nay trường này đã có cơ sở vật chất khang trang, điều kiện học tập, giảng dạy của giảng viên được thay đổi theo hướng tốt hơn. Hay như Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), từ chỗ bị đình chỉ tuyển sinh các ngành CĐ, quy mô sinh viên chỉ có vài trăm, không có cơ sở vật chất, nhưng từ khi chuyển sang chủ mới đã có cơ sở vật chất tốt hơn, quy mô đào tạo 6.000 - 7.000 sinh viên.
Nhìn vào các trường thành công sau khi đổi chủ thì có điểm chung là nhà đầu tư có sự am hiểu về giáo dục, đầu tư có tầm nhìn và có cái tâm. Ngược lại, nếu nhà đầu tư chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt thì các trường sẽ bất ổn, không có hướng phát triển và nguy cơ đổ vỡ rất cao.