Hôm nay Quốc hội thông qua danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm
- 07:26 24-10-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hôm nay thứ tư 24/10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV bước sang ngày làm việc thứ 3 với nội dung nghe tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm; thông qua danh sách và thảo luận ở Đoàn.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện có tất cả 50 chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm, trong đó nhân sự Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông sẽ không lấy phiếu do mới được bầu, phê chuẩn. Các chức danh còn lại dự kiến sẽ được lấy phiếu gồm: Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, các thành viên Chính phủ, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ...
Theo ông Phúc, nội dung lấy phiếu tín nhiệm diễn ra vào đầu kỳ họp, trước khi có hoạt động chất vấn tại Quốc hội "để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm”.
Ông giải thích rõ hơn, lấy phiếu tín nhiệm sau chất vấn sẽ "không công bằng", bởi chỉ có một số bộ trưởng trả lời chất vấn trong khi lấy phiếu tín nhiệm thì với tất cả thành viên Chính phủ. "Nếu chất vấn trước khi lấy phiếu tín nhiệm thì ai có nội dung chưa hoàn thành, còn hạn chế có thể tác động trực tiếp đến việc lấy phiếu, đánh giá sẽ không khách quan", ông Phúc cho hay.
Các đại biểu Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII ngày 15/11/2014. Ảnh: QH. |
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu, các mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp (ba mức).
Trước kỳ họp 30 ngày, các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi hồ sơ đánh giá kết quả công tác đến từng đại biểu để nghiên cứu.
Quy trình tiếp theo của lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện trong ngày 25/10, bao gồm bỏ phiếu vào phiên làm việc buổi sáng và công bố kết quả vào chiều cùng ngày.
Cũng trong hôm nay 24/10, Quốc hội sẽ phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông với ông Nguyễn Mạnh Hùng; nghe tờ trình về dự án Luật Kiến trúc; dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch và thảo luận ở tổ về các vấn đề về kinh tế - xã hội.
Theo quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ trình cấp có thẩm quyền khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu được giải thích khác với bỏ phiếu ở chỗ, lấy phiếu với ba mức là để "đánh giá mức độ tín nhiệm", còn khi đã khởi động quy trình bỏ phiếu thì Quốc hội sẽ thể hiện sự tín nhiệm hoặc không (hai mức) đối với người được bỏ phiếu để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm. |