Chiến tranh thương mại bùng nổ, ai là nạn nhân đầu tiên?
- 13:56 23-10-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo tạp chí Foreign Policy, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có khả năng sẽ là nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Các bên đều vi phạm quy định của chính mình, khiến cho nhiều người nghi ngờ WTO có còn thực sự là "người bảo vệ" cho một hệ thống mậu dịch dựa trên các quy tắc hay không.
Ảnh: CNN |
Tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động cuộc chiến thương mại khi thông báo áp thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu từ hầu hết các nước. Đến tháng 5, ông đưa thêm các mặt hàng của Canada, Mexico và EU vào danh sách. Phía Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế lên một lượng tương đương lên thép và nhôm nhập khẩu từ Mỹ. Canada, Mexico, và the EU cũng hành động tương tự.
Để tạo vỏ bọc hợp pháp cho quyết định của mình, Mỹ viện dẫn một điều khoản hiếm khi sử dụng của WTO, đó là cho phép các thành viên dừng một số nhượng bộ thương mại vì lý do an ninh quốc gia. Chính sách thuế của ông Trump chắc chắn vi phạm tinh thần của điều khoản này, vì rất khó thấy được thép và nhôm nhập khẩu – mà chủ yếu từ các quốc gia bạn hữu - đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ thế nào. Nhưng về mặt chữ nghĩa của luật, ông Trump không sai.
Bởi vậy, khi một số thành viên WTO yêu cầu tổ chức này thành lập một ủy ban xem xét các hàng rào thương mại mới của Mỹ, Washington đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng: Theo điều khoản an ninh quốc gia, WTO không thể "ngăn cản bất cứ thành viên nào đưa ra bất kỳ hành động nào mà bên đó cho là cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh của mình". Theo đó, các hành động của Mỹ hoàn toàn phù hợp với quy định của WTO, và chúng nằm ngoài quyền xem xét của tổ chức này.
Tuy nhiên, hành động đáp trả của các nước lại là vấn đề khác. WTO quy định rõ ràng, khi một thành viên tin rằng có người vi phạm các quyền thương mại của mình thì phải đưa vấn đề ra cơ quan giải quyết bất đồng để xử lý. Chỉ cơ quan này mới có quyền đáp trả. Vì Trung Quốc, Canada.. đơn phương trả đũa Mỹ, nên họ đã vi phạm quy định của WTO. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Mỹ chính thức yêu cầu WTO xem xét.
Cuối tháng 9 vừa qua, Mỹ đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD. Lần này, ông Trump viện dẫn pháp luật của Mỹ, cụ thể là điều 301 Đạo luật Thương mại 1974, để biện minh cho quyết định này. Điều này cho thấy, khi thúc đẩy cuộc chiến thương mại, Mỹ luôn dựa trên bằng các quy tắc thương mại lâu đời.
Nếu WTO quyết định điều tra Mỹ thì Washington đơn giản là rời bỏ tổ chức này. Nếu WTO không làm, thì bất kỳ nước nào cũng có thể viện cớ các hạn chế thương mại tương lai nằm trong lợi ích quốc gia. Nếu WTO phán quyết Canada, Trung Quốc, Mexico, và EU vi phạm luật lệ thì những nước này cũng có thể chọn cách ra đi. Trường hợp nếu các đánh giá của cơ quan giải quyết bất đồng WTO không trở thành điểm gắn kết thì tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục.
Đến nay, mọi dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ không lùi bước trong cuộc chiến thương mại, nhất là sau khi ông thành công trong việc tái đàm phán hiệp định với Mexico và Canada. Phía Trung Quốc cũng tỏ ra quyết liệt hơn trong việc thúc đẩy lợi ích riêng của mình.
Những người lạc quan có thể tưởng tượng ra hai viễn cảnh. Một là, chiến tranh thương mại tiếp diễn, sự gián đoạn các chuỗi cung ứng, tình trạng thất nghiệp và sự suy giảm sản lượng sẽ gia tăng. Ông Trump và các nhà lãnh đạo thế giới sẽ hiểu ra thương mại không phải là kẻ thù. Hai là, trong 2 năm tới, Nhà Trắng có thể có chủ mới và người này sẽ phục hồi nguyên trạng như trước khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, cả hai viễn cảnh đều khá mịt mờ. Bởi lẽ ở Mỹ, quan điểm cho rằng Trung Quốc không chơi theo luật và cần bị kiềm chế không phải là điều mới lạ. Ông Trump chẳng qua chỉ là người làm cho quan điểm đó trở nên rõ nét hơn mà thôi. Thêm vào đó, Mỹ từ lâu đã tỏ ra không hài lòng với năng lực hoạt động của WTO. Các nỗ lực đưa Vòng Đàm phán thương mại Doha tới điểm kết đều thất bại. Dù cho ai lãnh đạo Nhà Trắng vào năm 2021 thì cũng sẽ đều tin rằng WTO không bảo vệ được đầy đủ các lợi ích của Mỹ, rằng Mỹ cởi mở với thương mại nhiều hơn so với các đối tác của nước này và Trung Quốc không vận dụng công bằng các luật chơi.
Làn sóng toàn cầu hóa đầu tiên - nở rộ từ năm 1870 đến đầu Thế chiến 1 - đã mang đến sự thịnh vượng bất ngờ cho thế giới phương Tây. Nhưng trong thời kỳ chiến tranh, sự quyến rũ của các mức thuế ăn xin-của-hàng xóm quá lớn để có thể làm ngơ. Một loạt các rào cản thương mại mới rốt cuộc đã góp phần làm trầm trọng thêm Cuộc Đại Suy thoái. Ngày nay, sau một thời gian thịnh vượng kéo dài trên khắp toàn cầu sau Thế chiến 2, thế giới có thể sẽ tiến vào một thời kỳ mới của các cuộc xung đột thương mại. Liệu nó có chấm dứt hay không vẫn chưa thể biết trước được.