Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hết thời cao điểm, doanh nghiệp bà Nguyễn Thanh Phượng gặp khó

Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng không còn được như trước đây, khi mà mọi thứ thuận lợi, thị trường sôi động. Bản Việt phải đánh giá lại các khoản đầu tư tài sản tài chính.

CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 không mấy ấn tượng với lợi nhuận sau thuế giảm 20% so với cùng kỳ xuống còn 160 tỷ đồng.

Theo giải trình của VCSC, doanh thu quý 3 giảm 6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 25 tỷ đồng, chủ yếu là do tình hình thị trường trầm lắng, ảnh hưởng tới hoạt động môi giới và đánh giá lại các khoản đầu tư tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) của công ty.

Trước đó, trong năm 2017 và quý 1/2018, thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động và lên đỉnh (ngày 9/4/2018), hàng loạt công ty chứng khoán đã ghi nhận doanh thu tăng vọt và lợi nhuận khủng.

Riêng trong quý 1, Chứng khoán Bản Việt ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 400 tỷ đồng, sau thuế hơn 330 tỷ đồng. Thị trường sôi động giúp VCSC có hàng loạt hợp đồng lớn, với giá trị giao dịch trên 40 ngàn tỷ đồng cho nghiệp vụ IB.

 Lợi nhuận của VCI giảm mạnh.

Trong năm 2017, VCI ghi nhận doanh thu hơn 1,5 ngàn tỷ đồng, tăng 77% so với năm trước đó. Trong năm 2017, Bản Việt đã thực hiện thành công các hợp đồng lớn trên thị trường như trường hợp VietJet, VPBank, PNJ,...

Trong năm 2018, công ty đặt kế hoạch lãi hơn 1.000 tỷ đồng, doanh thu hơn 1,7 ngàn tỷ đồng... và trả cổ tức 1.500 đồng/cổ phần. VCI cũng đặt kế hoạch duy trì vị thế nằm trong các công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất.

Tuy nhiên, kế hoạch VCI đặt ra với kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ đạt 1.250 điểm trên cở sở tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, thị trường tiêu dùng ở mức cao, thị trường bất động sản ổn định,... Nhưng trên thực tế, TTCK suy giảm mạnh trong khoảng 6 tháng qua.

Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng không còn được thuận lợi như trước đây, khi mà thị trường sôi động.

Gần đây, Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng cũng đã có những quyết định quan trọng trong thời kỳ biến động. VCI thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 100%; bán cổ phiếu ESOP với giá ưu đãi, chỉ bằng gần 1/3 thị giá trên sàn chứng khoán cho người lao động. VCI của bà Phượng cũng thưởng đậm, tỷ lệ 35% cho cổ đông (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 35 cổ phiếu mới), qua đó, điều chỉnh vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng lên gần 1.620 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 7, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng tính vụ lớn 800 tỷ đồng, thông qua phương án phát hành riêng lẻ 80.000 trái phiếu ghi danh, không chuyển đổi, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu.

 Bà Nguyễn Thanh Phượng là lãnh đạo của VCI.

Chứng khoán Bản Việt là công ty chứng khoán đứng thứ 2 trên thị trường tính theo giá trị vốn hóa. Công ty do bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ tịch HĐQT. Chồng bà Phượng là Nguyễn Bảo Hoàng - thành viên HĐQT.

Chứng khoán Bản Việt hiện nằm top đầu trong nhiều mảng dịch vụ như: tư vấn tài chính, môi giới, tự doanh, thực hiện nhiều thương vụ nổi tiếng như trường hợp tư vấn niêm yết Techcombank.

Hiện tại, tỷ lệ NĐT nước ngoài nắm giữ tại VCI không được công bố nhưng giao dịch tăng sở hữu của nhóm cổ đông Dragon Capital gần đây cho thấy, riêng nhóm này đã nắm giữ hơn 9% cổ phần VCSC.

Bên cạnh đó, còn nhiều nhóm cổ đông nước ngoài đang nắm giữ như KIMTC, Vietnam Holding, JPMorgan AM,...

Trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, áp lực bán vẫn còn mạnh. VN-Index về dần ngưỡng 950 điểm.

Thị trường nhiều thời điểm chứng kiến tình trạng hoảng loạn, bán tháo trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ. Một số cổ phiếu giảm khá mạnh như VietJet, Hoa Sen, cổ phiếu dầu khí,...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

CTCK Rồng Việt cho rằng, dòng tiền tiếp tục tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ. Đây là thời điểm công bố báo cáo tài chính quý 3. Ssự phân hóa trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ dựa trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

YSVN nhận định thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng giá rộng 943 - 970 điểm của chỉ số VN-Index trong các phiên giao dịch đầu tuần.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/10, VN-index giảm 5,11 điểm xuống 958,36 điểm; HNX-Index tăng 0,18 điểm lên 108,1 điểm. Upcom-Index giảm 0,23 điểm xuống 52,47 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 200 triệu đơn vị, trị giá 4,6 ngàn tỷ đồng.