Bé hóa "siêu nhân" khi suốt ngày cặp kè Ipad
- 16:14 22-10-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bảo Khang - con trai chị Hương năm nay lên 6 tuổi. Chị đã phải “cầu cứu” đến chuyên gia vì con quá mê các thể loại phim siêu nhân. Mê tới mức, đứa trẻ này sẵn sàng tấn công các bạn khác do bắt chước trên phim ảnh.
“Hội chứng siêu nhân” khiến đứa trẻ sẵn sàng tấn công bạn khác khi khó chịu (Ảnh minh họa) |
Vì tính chất công việc bận rộn, chị Hương đành phải nhờ cậy bà nội và người giúp việc trông nom con. Ngày nào cũng thế, cứ về đến nhà Khang lại lao vào lôi Ipad ra xem. Không chỉ lúc rảnh rỗi, ngay cả khi ăn đứa trẻ cũng không rời chiếc Ipad.
Chị Hương cũng không dám cấm cản con vì chỉ cần cất đi, đứa trẻ sẽ lăn ra khóc lóc, ăn vạ hoặc bỏ bữa. Cứ thế một ngày, Khang dành 5 – 6 giờ đồng hồ để xem phim.
Câu chuyện tưởng chừng không có gì nguy hiểm cho đến khi đứa trẻ ăn ngủ cùng siêu nhân. Khi xem phim, nếu không lẩm nhẩm theo lời thoại của nhân vật, Khang sẽ nhảy loạn xạ và lặp lại các hành động chiến đấu của nhân vật.
Thậm chí có khi đang ngủ, cậu bé bỗng choàng dậy hét to “Siêu nhân biến hình” như một lời thoại trong phim rồi lại nằm xuống ngủ tiếp.
Đỉnh điểm mới đây, chị Hương “tá hỏa” khi cô giáo khuyên mẹ nên cho con nghỉ học vì có thể con đang gặp phải vấn đề tâm lý và thường xuyên đánh bạn học trong lớp. Chỉ cần bạn làm gì gây khó chịu, Khang sẵn sàng đánh trả ở mức độ rất mạnh.
Đến lúc này, chị Hương mới đưa con đi khám. Các chuyên gia phát hiện, con trai chị mắc chứng tăng động giảm chú ý. Cộng với việc trẻ xem quá nhiều những bộ phim kích thích về mặt bạo lực dẫn đến khó kiểm soát cảm xúc và hành vi.
Là người trực tiếp tiếp nhận trường hợp này, ThS. Lã Linh Nga (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục) cho biết, trẻ thường không phân biệt được thế giới thực và thế giới ảo.
“Trẻ hay bị ám ảnh trong đầu những thứ viễn tưởng, ví dụ như “Con có thể tiêu diệt cả thành phố này” hay “Con có thể bay lên vũ trụ”. Lâu dần, trẻ sẽ có xu hướng tự thu hẹp mình trong thế giới của riêng chúng. Vì thế, khả năng giao tiếp của trẻ cũng sẽ bị suy giảm.
Ngoài ra, khi xem quá nhiều cảnh bạo lực, trẻ sẽ tưởng tượng mình là nhân vật trong phim và có hành động làm theo. Lâu dần, việc tiếp xúc với phim bạo lực sẽ hình thành yếu tố thô bạo trong tính cách của trẻ”.
Một đứa trẻ dù không bị vấn đề gì về tâm lý nhưng khi xem TV, Ipad, điện thoại từ 4 tiếng trở lên cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tâm lý và tính cách |
Hay như trường hợp con gái chị Thu An (Hà Đông, Hà Nội), cũng do không có nhiều thời gian chơi với con, chị An đã sắm riêng cho hai cô con gái mỗi đứa một chiếc Ipad để bớt tranh giành. Thấy con xem công chúa Elsa hay người nhện chị cũng không cấm cản vì đó là những nhân vật quen thuộc.
Một lần đi ngang qua, chị hốt hoảng khi thấy con gái đang chăm chú xem cảnh yêu đương người lớn. Đó là hoạt cảnh ông già Noel biến thành chó sói cắn nữ hoàng Elsa. Sau đó, người này nằm đè lên nữ hoàng rồi bắt đầu hôn lên cổ.
Xem kỹ hơn, chị còn thấy một số cảnh cắt lưỡi máu me rùng rợn. Chị cấm tiệt không cho con xem nữa.
Lần khác, chị thấy con xem những bài hát chế rồi bắt đầu nghêu ngao hát theo những câu từ bậy bạ hay thích thú với những video thách đố như ăn mù tạt, làm slime phun lửa. Quá lo lắng, chị bắt đầu kiểm soát việc con sử dụng ipad hơn.
ThS. Lã Linh Nga (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục) |
Theo ThS. Nga, trẻ con thường có xu hướng bắt chước. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh mà trẻ có thể bắt chước tức thời rồi thôi. Đối với những đứa trẻ do bố mẹ bận rộn nên không có niềm vui trong các hoạt động xung quanh, chúng dễ bị ảnh hưởng và thích thú với những gì xem được trên TV, điện thoại, ipad.
Thậm chí, chúng có thể làm lại hành động xem được mà không suy nghĩ đến sự nguy hiểm. Ví dụ khi trẻ xem phim hoạt hình có thể bắt chước cầm ô nhảy từ trên cao xuống đất hay nhảy qua cửa số bắt chước những nhân vật trong phim.
“Không chỉ riêng phim siêu nhân, một đứa trẻ dù không bị vấn đề gì về tâm lý nhưng khi xem TV, Ipad, điện thoại từ 4 tiếng trở lên cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tâm lý và tính cách” – ThS. Nga khẳng định.
Chuyên gia tâm lý cũng đưa ra lời khuyên, các bậc phụ huynh không nên quá chiều con mà phải biết kiểm soát đối với những đòi hỏi của trẻ nhỏ. Thời gian tốt nhất theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, trẻ nhỏ chỉ nên xem dưới 1 giờ đồng hồ/ ngày.
Tuy nhiên, đối với những trẻ quá “nghiện” xem Ipad, bố mẹ không nên cắt giảm đột ngột mà cần giảm dần giờ xem. Cụ thể, có thể giảm từ 4 tiếng, xuống 3 tiếng rồi dần dần tiến đến mức tối thiểu.
Khi xem, bố mẹ cũng nên kiểm soát và có sự tương tác cùng với con; bởi thực tế, dù có xem những chương trình được cho là hữu ích thì đó vẫn là sự tiếp nhận một chiều.
Ngoài ra, bố mẹ cần định hướng cho con tham gia vào những hoạt động giải trí phù hợp với lứa tuổi để trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
Điều quan trọng nhất, tránh biến Ipad, TV, điện thoại trở thành “bảo mẫu” khiến trẻ phát triển lệch lạc về mặt nhân cách.