Truy trách nhiệm các nhà máy thủy điện xả lũ gây thiệt hại
- 08:42 22-10-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước thiệt hại của các địa phương vùng hạ du do nhiều nhà máy thủy điện vận hành xả lũ. UNND tỉnh Nghệ An đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra tác động của các nhà máy thủy điện, gây tổng thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng. Đoàn liên ngành đã có kết luận xác định các máy thủy điện phải có trách nhiệm đền bù, hỗ trợ kịp thời để người dân sớm ổn định sản xuất.
Kết quả kiểm tra cho thấy quá trình vận hành điều tiết lũ của hệ thống liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả đang bộc lộ hàng loạt vấn đề, cụ thể: hành lang thoát lũ chưa đảm bảo an toàn khi hạ mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ về mực nước trước lũ; chưa có bản đồ ngập vùng hạ du theo quy định; quá trình phối hợp xả lũ giữa các nhà máy còn mang tính riêng lẻ, thiếu đồng nhất; công tác dự báo lưu lượng về hồ Bản Vẽ thiếu chính xác do 80% diện tích lưu vực sông Cả thuộc địa bàn nước Lào; hệ thống quan trắc, dự báo, cung cấp thông tin của đơn vị quản lý vận hành hồ Khe Bố còn nhiều thiếu sót.
Cầu Bản Vẽ (Tương Dương) bị gãy sập trong lũ do các nhà máy thủy điện xả lũ. Đến nay thông thương đi lại của người dân rất khó khăn. |
Mặt khác, dù quy trình vận hành liên hồ chứa ban hành từ năm 2015 nhưng thực chất đến nay mới chính thức vận hành xả lũ, bỏ bẵng suốt thời gian dài nên khi thực hiện lập tức bộc lộ những mặt hạn chế nhất định. Hai nhà máy gây thiệt hại lớn nhất cho vùng hạ du trong các đợt lũ vừa qua do vận hành xả lũ là thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố, ở mức độ thấp hơn có Nậm Nơn và Nậm Mô. Lưu lượng nước từ thượng nguồn dồn xuống quá lớn gây nên tình trạng ngập lụt cục bộ khắp nơi, làm ngập, sập, cuốn trôi nhiều nhà dân, hàng loạt công trình, các tuyến đường giao thông… tại huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn bị hư hỏng nặng.
Với Công ty Thủy điện Bản Vẽ, đã tính toán các khu vực ngập lụt theo từng tần suất lũ. Đã đầu tư nghiên cứu, đề ra cơ bản những giải pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu những thiệt hại về tính mạng con người và tài sản cho vùng hạ du; cũng như việc khắc phục hậu quả nếu có. Vậy nhưng phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập Thủy điện Bản Vẽ năm 2018 đã cơ bản không được thực hiện cả trước lũ và sau lũ.
Tìm hiểu việc thực hiện xả lũ ngày 31/8/2018 với lượng xả trên 4000m3/s tương ứng với tần suất lũ 2%, thực tế cho thấy việc xả lũ ngày 31/8 đã gây hệ lụy rất lớn đến vùng hạ du, đặc biệt là đối với những khu vực dân cư gần với đập chứa. Vậy nhưng cho đến nay, những động thái thể hiện trách nhiệm của Thủy điện Bản Vẽ là hết sức mờ nhạt.
Trước lũ, họ đã không thực hiện các giải pháp tập huấn, diễn tập… .Sau lũ không phối hợp với địa phương tổ chức điều tra thiệt hại khắc phục hậu quả theo quy định như phương án đã đề ra và được cấp thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu thực hiện là tại sao?
Cầu Chôm Lôm(Con Cuông) hư hỏng nặng nề do thủy điện xã lũ. Hiện nay địa phương đang khắc phục tạm bợ cho nhân dân lưu thông, chờ kinh phí sửa chữa. |
Tại huyện Tương Dương, nơi bị ảnh hưởng nhất trong đợt xả lũ vừa qua của các nhà máy thủy điện, đến thời điểm hiện tại, đời sống của các hộ dân thuộc bản Vẽ, Minh Phương, Xốp Mạt, Lạ (thuộc hai xã Yên Na, Lượng Minh) bị ảnh hưởng do đợt xả lũ ngày 31/8 vẫn hết sức khó khăn. Chính quyền huyện Tương Dương và các xã Yên Na, Lượng Minh đang thực sự bối rối dù họ đã làm tất cả những gì có thể. Như việc tái định cư, ổn định cuộc sống cho các hộ gia đình bị lũ cuốn trôi nhà và gây sạt lở nền đất ở (Lượng Minh có 31 hộ, Yên Na có 15 hộ) chưa thể thực hiện, do phải tìm quỹ đất và chưa có kinh phí xây dựng hạ tầng.
Trao đổi với Phóng viên báo Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Thiên tai đã đi qua cả tháng trời, nhiều gia đình sống vẫn sống trong cảnh lay lắt, thiếu thốn trăm bề. Huyện sẽ trích một phần ngân sách và các nguồn hỗ trợ khác để vực dậy đời sống của nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Về lâu dài yêu cầu các nhà máy thủy điện phải tiến hành khảo sát, cắm lại mốc ngập ở phía hạ lưu, đồng thời xác định rõ trách nhiệm để thống nhất phương án bồi thường cho các hộ dân bị ngập trên mức nước đã quy định”.
Ngoài ra ông Hải cho biết thêm, phải có chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp do quá trình xả lũ tác động, bởi thực chất lâu nay bà con chỉ tiến hành sản xuất được 1 vụ trên tối đa 3 vụ. Bên cạnh đó, huyện kiến nghị đến UBND tỉnh Nghệ An ban hành cơ chế để doanh nghiệp trích một phần lợi tức (ngoài phần nộp thuế) để khắc phục những hệ lụy gây ra.
Một điểm dân cư ở bản Vẽ, xã Yên Na (Tương Dương) tan hoang sau lũ. |
Được biết đến thời điểm này, thủy điện Khe Bố đã có động thái tích cực cùng chính quyền địa phương huyện Tương Dương thực hiện công tác kiểm kê nhưng chưa đi đến quyết định bồi thường là bao nhiêu. Thủy điện Bản Vẽ “ hỗ trợ” ( không phải là bồi thường- Pv) tổng cộng 2 đợt là 3,8 tỷ đồng. Còn các nhà máy khác án binh bất động. Dư luận cho rằng con số này như muối bỏ biển với con số 130 tỷ đồng thiệt hại do xả lũ của các nhà máy thủy điện gây ra tại 2 huyện Tương Dương và Con Cuông?