Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chơi siêu xe biển ngoại giao: Đại gia mua chui, lậu thuế tiền tỷ

Xe ngoại giao được miễn thuế và hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao khi sử dụng tại Việt Nam, vì vậy không được sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có tình trạng tự ý thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển nhượng "chui” xe ngoại giao cho người khác.

Hàng trăm xe hết hạn

Theo Thông tư 93/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 19/2014/TT-BTC về thủ tục tạm nhập khẩu ô tô của đối tượng được quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam, Bộ Tài chính vừa ban hành, thì kể từ 20/11/2018, để được tạm nhập khẩu miễn thuế ô tô và xe gắn máy vào Việt Nam phải được Bộ Ngoại giao cấp tiêu chuẩn tạm nhập khẩu, tại sở định mức hàng miễn thuế theo quy định.

Đối với trường hợp người kế nhiệm đề nghị tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy, Bộ Ngoại giao chỉ cấp khi người tiền nhiệm, đã hoàn thành thủ tục tái xuất hoặc tiêu hủy ô tô, xe gắn máy, chuyển nhượng theo đúng quy định, trên cơ sở thông báo của cơ quan hải quan.

Không loại trừ khả năng đây là xe biển ngoại giao giả (ảnh minh họa) 

Ngoài ra, quy định mới cũng mở rộng hơn đối tượng được mua xe ngoại giao. Tại thời điểm chuyển nhượng, nếu năm sản xuất của ô tô quá 5 năm, thì cơ quan ngoại giao, viên chức ngoại giao được chuyển nhượng xe. Trước đây, các xe thuộc diện này không được chuyển nhượng cho cơ quan, tổ chức, thương nhân, cá nhân tại Việt Nam mà chỉ đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam mới được nhận chuyển nhượng.

Với quy định mới này, nhiều người hy vọng sẽ ngăn chặn hiện tượng xe sang, siêu sang, siêu xe mang biển số ngoại giao bùng phát thời gian qua.

Số liệu thống kê của hải quan cho thấy, hiện còn tới hàng trăm chiếc xe ô tô của các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam đã quá hạn, nhưng chưa thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, tái xuất, tiêu huỷ đúng thời gian.

Theo quy định, khi đến công tác tại Việt Nam, các nhân viên ngoại giao được mang theo một xe ô tô. Sau khi hết thời gian công tác, chiếc xe mang theo cũng phải tái xuất, chuyển nhượng hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, trên thực tế, có tình trạng tự ý thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển nhượng “chui” cho người khác, nhiều xe quá hạn vẫn không làm thủ tục này.

Thời gian qua, trên thị trường có hiện tượng mua bán suất ô tô ngoại giao tạm nhập khẩu. Nhiều dân chơi đã mua và sử dụng các siêu xe, xe sang, siêu sang đeo biển đối ngoại. Khi biết một số viên chức của cơ quan ngoại giao công tác tại Việt Nam không có nhu cầu sử dụng ô tô, những tay “cò” sẽ tìm cách tiếp cận, hỏi mua lại suất này. Giá mua tùy thuộc vào thời gian công tác còn lại của các viên chức ngoại giao tại Việt Nam, khoảng từ vài chục ngàn đến hơn 100.000 USD/suất.

Thực tế, đã có nhiều trường hợp xe ngoại giao mang biển giả bị CSGT phát hiện lập biên bản (ảnh minh họa) 

Khi mua được suất, “cò” sẽ tiến hành làm thủ tục nhập khẩu ô tô vào Việt Nam. Sau đó, những chiếc xe này sẽ được giao cho người mua, nhưng phải đứng tên chủ sở hữu theo chứng minh thư công vụ và đeo biển đối ngoại.

Vì là xe tạm nhập tái xuất, không phải đóng thuế, phí nên tính ra giá mua rất rẻ, chỉ bằng 1/3 so với xe nhập chính hãng chịu đủ các loại thuế phí. Chẳng hạn, một chiếc Lamborghini Huracan LP610-4 mới về Việt Nam đã có thuế vào khoảng 18 tỷ đồng thì mua xe theo suất ngoại giao như trên chỉ vào khoảng 6-7 tỷ. Xe càng đắt tiền thuế càng cao thì việc mua suất ngoại giao càng có lợi.

Như đã nói, khi cán bộ ngoại giao hết thời hạn công tác tại Việt Nam, thì những chiếc xe này phải làm thủ tục tái xuất theo quy định. Nếu muốn tiếp tục sử dụng tại Việt Nam, phải thực hiện thủ tục sang nhượng chiếc xe. Để thực hiện thủ tục này, người mua xe sẽ phải nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Vẫn có cửa lách

Tuy nhiên, hầu hết dân chơi đều không muốn chuyển nhượng sang tên mình vì các khoản thuế phí phải nộp khá cao. Chẳng hạn, với chiếc Lamborghini Huracan LP610-4 sau khi hết hạn, muốn sang nhượng phải đóng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT,... Cộng với phí trước bạ, biển số,... tổng chi phí tính ra lên đến hơn 7 tỷ đồng. Có những chiếc xe sang, tuổi đời tới 10 năm, nhưng khi chuyển nhượng, vẫn phải chịu thuế, phí cỡ 3 tỷ đồng.

Kể cả với quy định mới, dân chơi và các tay “cò” vẫn có cách lách luật. 

Một số dân chơi có thể tiếp tục mua suất của nhà ngoại giao khác rồi mang xe đi đăng ký lại với tên người mới và biển số đối ngoại mới để tiếp tục chạy. Còn không sẽ chấp nhận bỏ mặc. Khi bị cơ quan Công an rút giấy chứng nhận đăng ký, dân chơi thường đeo biển giả (chủ yếu để trong gara), lâu lâu lôi ra chạy 1 lần. Hiện tượng xe sang đeo biển số giả, hoặc để bụi phủ trong gara thời gian qua bị phát hiện, có không ít những chiếc xe trước đó từng đeo biển ngoại giao.

Với quy định mới, như Bộ Ngoại giao chỉ cấp quyền tạm nhập khẩu, cho nhân viên ngoại giao kế nhiệm, khi người tiền nhiệm đã hoàn thành thủ tục tái xuất, tiêu hủy hoặc chuyển nhượng ô tô trên cơ sở thông báo của cơ quan hải quan, hy vọng sẽ giải quyết được hiện tượng xe ngoại giao tạm nhập quá hạn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, rất có thể, dân chơi và các tay “cò” sẽ tiếp tục lách luật. Chẳng hạn, với quy định cơ quan ngoại giao, viên chức ngoại giao được chuyển nhượng xe cho đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao khác, thì những người kế cận cũng có thể nhận chuyển nhượng rồi tiếp tục “chuyển nhượng chui”.

Một tay “cò” tại Hà Nội cho biết, việc mua suất của nhân viên ngoại giao kế cận cho chiếc xe đang đeo biển ngoại giao hết hạn có thể gặp khó khăn, nhưng không phải không làm được. Còn những chuyện sau đó như làm thủ tục giấy tờ, đăng ký biển số mới rất đơn giản, không có gì phức tạp hết.