Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ sưu tập điện thoại Palm của dân chơi Hà Nội

Chơi điện thoại Palm từ năm 2000, anh Dũng đã sưu tầm cho mình nhiều mẫu gắn liền với sự phát triển của thương hiệu này.

 Anh Bùi Tiến Dũng (biệt danh Dũng Palm), 34 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), có niềm yêu thích đặc biệt với điện thoại Palm và đã sưu tầm các dòng sản phẩm của thương hiệu này từ năm 2000. Một trong những thiết bị anh Dũng yêu thích là Palm One LifeDrive. Ra mắt năm 2005, đây là chiếc điện thoại đầu tiên có ổ cứng của Palm với dung lượng lên tới 4 GB và cũng là sản phẩm đầu tiên của hãng có kết nối Bluetooth và Wi-Fi.

 Mẫu Tungsten W là một phần của dòng PDA (thiết bị cầm tay cá nhân) cao cấp và nổi tiếng của Palm. Được giới thiệu vào tháng 5/2003, máy có thiết kế màn hình màu rộng 3,1 inch 65.000 màu, độ phân giải cao 320x320 pixel, bộ nhớ 16 MB, chạy vi xử lý Motorola DragonBall 33 MHz và chạy Palm OS 4.1.1. Điểm nhấn của sản phẩm là bàn phím QWERTY và hàng phím chuyên dụng, có thể kích hoạt nhanh các tính năng về duyệt web hay email phía dưới.

 Tuy nhiên, dòng Palm Treo - những chiếc máy đại diện cho thời kỳ hưng thịnh của Palm - mới là dòng mà anh Dũng yêu thích và sưu tầm khá nhiều. Trên đây là hai mẫu Treo 270 với thiết kế nắp gập, phần nắp được làm trong để bảo vệ màn hình và bàn phím. 

 Mẫu PalmOne Treo 600 ra mắt năm 2003, phát triển bởi Handspring và được cung cấp dưới thương hiệu palmOne sau khi sáp nhập hai công ty. Máy được xem là điện thoại thông minh thực thụ khi đó, nhờ các tính năng về duyệt web, email, chụp ảnh với camera VGA và nghe nhạc di động.

 Mẫu Treo 680 được anh Dũng giữ gìn cẩn thận. Đây là chiếc máy đầu tiên được bỏ ăng-ten ngoài của Palm, được trang bị cấu hình mức khá thời bấy giờ với màn hình cảm ứng độ phân giải 320 x 320 pixel, vi xử lý XScale PXA270 (Bulverde) 312 MHz, RAM 32 MB, bộ nhớ 64 MB, camera VGA, chạy Palm OS Garnet phiên bản 5.4.9.

 Bên cạnh dòng Treo, anh Dũng còn sở hữu một số dòng khác của Palm, như trên đây là mẫu Palm Centro với thiết kế  nhỏ gọn (kích thước 107,2 x 53,5 x 18,6 mm và nặng chỉ 124 gram). Máy hướng tới người dùng trẻ với thiết kế đẹp, tùy chọn nhiều màu sắc, có camera sau và bút cảm ứng. Tuy nhiên, nó lại không có kết nối Wi-Fi dù ra mắt vào 2008.

 Mẫu Palm Pre được mệnh danh là "iPhone của 9 năm trước". Ra đời năm 2009, đây là mẫu điện thoại được kỳ vọng sẽ đánh bại iPhone. Tuy nhiên, người dùng nhớ nó nhiều hơn bởi các xung đột giữa Palm với Apple. Khi đó, Pre được tích hợp tính năng đồng bộ với iTunes như iPod, nhưng bị Apple chặn nhiều lần. Sau Pre, Palm còn sản xuất thêm bản Pre Plus với thiết kế tương tự vào 2010, trước khi bị HP thâu tóm.

 Đa phần các mẫu máy Palm mà anh Dũng sưu tầm vẫn còn nguyên hộp và phụ kiện. Anh Phạm Thuận (quận 5, TP HCM), người có nhiều năm chơi điện thoại cổ, trong đó có điện thoại Palm, đánh giá cao bộ sưu tập của anh Dũng. "Bộ sưu tập khá nguyên vẹn, thể hiện được sự phát triển lịch sử thăng trầm của Palm, cho thấy anh Dũng rất am hiểu về thiết bị của thương hiệu này", anh Thuận nói. Theo anh Dũng, việc bảo quản thiết bị không khó vì máy Palm khá "lành", chỉ cần để nơi khô ráo, tốt nhất là nên cất giữ trong hộp chống ẩm. Khoảng một đến hai tuần, dân chơi này lại sạc thiết bị một lần và sử dụng khoảng 10 đến 20 phút.