Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xe nhập khẩu về ồ ạt nhưng khách hàng vẫn khó tiếp cận

Dù nguồn cung xe nhập khẩu đã được khai thông, nhưng, nhiều khách hàng muốn mua xe hiện vẫn phải chấp nhận chờ đợi hoặc mua thêm phụ kiện.

Xe nhập khẩu tăng mạnh dịp cuối năm?

Sau khi khai thông nguồn cung, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong những tháng gần đây liên tục có xu hướng tăng cả về số lượng lẫn giá trị.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2018 lượng ô tô nhập khẩu đạt 11.507 chiếc, trị giá hơn 242 triệu USD, là tháng có lượng xe được nhập về cao nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay. So với tháng 8/2018, lượng ô tô nhập khẩu tăng 16,3% về số lượng và 11,1% về giá trị.

Trong đó, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan chiếm số lượng lớn nhất, lên tới 7.588 chiếc, chiếm 65% tổng lượng ô tô nhập khẩu trong tháng 9/2018, và có trị giá gần 156 triệu USD chiếm 64% về giá trị.

Thái Lan vẫn là quốc gia có lượng xe nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất từ đầu năm. 

Xếp ở vị trí thứ 2 trong số các quốc gia cung cấp nhiều ô tô nhập khẩu vào Việt Nam là Indonesia với 3.056 xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam. Những quốc gia còn lại đều có lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam không lớn như Nhật Bản 223 chiếc, Đức 119 chiếc, Trung Quốc 117 chiếc, Anh và Hàn Quốc 26 chiếc.

Cùng với đó, trong tháng 9/2018, doanh số bán hàng của toàn thị trường theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đạt 25.351 xe, tăng 24% so với cùng kỳ tháng 8/2018 và tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 8.026 xe, tăng 42% so với tháng trước.

Qua những con số này có thể thấy nhu cầu mua xe ô tô của người Việt những tháng cuối năm đang có xu hướng ngày một tăng. Đặc biệt là sau khi những mẫu xe nhập khẩu hưởng thuế 0% (theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – ATIGA) liên tục được các hãng giới thiệu và ra mắt phiên bản mới.

Bên cạnh đó, mẫu mã của những mẫu xe nhập khẩu cũng ngày một phong phú, một số mẫu xe có giá bán tốt do hưởng thuế nhập khẩu 0% nên giúp thúc đẩy nhu cầu mua ô tô tăng cao.

Ông Phạm Văn Dũng - Tổng Giám đốc Ford Việt Nam. 

Theo ông Phạm Văn Dũng - Tổng Giám đốc Ford Việt Nam nhận định, mảng xe ô tô nhập khẩu từ giờ đến cuối năm hứa hẹn sẽ ngày một sôi động. Vì sau một khoảng thời gian dài chờ đợi, nhiều mẫu xe nhập khẩu bán chạy trên thị trường thời gian qua bị gián đoạn do không có nguồn hàng, hiện đã được nhập khẩu trở lại nên sẽ đáp ứng tốt kỳ vọng cũng như nhu cầu người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc tăng cao nhu cầu mua sắm xe nhập khẩu thời gian gần đây đã dẫn đến tình trạng khan hàng ở một số số dòng xe "hot" hay có giá thành hợp lý. Vì vậy, không phải người tiêu dùng muốn mua xe là có!

“Ép khách” mua phụ kiện là bình thường?

Theo khảo sát của PV trên thị trường, dù nguồn cung xe nhập khẩu được khai thông và lượng xe về Việt Nam thời gian gần đây tương đối ổn định, nhưng khi đến các đại lý hỏi mua và có ý định muốn lấy xe sớm với những mẫu xe như: Honda CR-V, Ford Ranger, Everest, Mitsubishi Expander... vào thời điểm hiện nay là điều không dễ.

Nếu đặt xe ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng phải đợi ít nhất vài tuần đến hàng tháng mới nhận được xe, thậm chí phải đợi sang tới năm 2019. Còn nếu muốn nhận xe sớm thì người mua phải chấp nhận lắp thêm gói phụ kiện với mức giá từ vài chục triệu đồng hay đến cả trăm triệu đồng.

Khách hàng mua Honda CR-V nếu muốn lấy xe sớm thì phải mua thêm gói phụ kiện 50 triệu đồng. 

Anh Nguyễn Văn Tùng – (ở Mễ Trì, Hà Nội) chia sẻ, do nhu cầu cần xe sử dụng ngay lại không thích chờ đợi nên khi mua chiếc Honda CR-V hiện tại anh đành phải chấp nhận mua thêm gói phụ kiện của hãng với giá 50 triệu đồng. Dù biết là mình đang bị “ép”, nhưng trong thời điểm đang khan hàng hiện tại thì ai cũng phải chấp nhận điều này nếu muốn có xe đi ngay.

Tình trạng khách hàng phải mua thêm gói phụ kiện (bán xe kiểu “bia kèm lạc”) nếu muốn lấy xe sớm ở thời điểm hiện tại không chỉ xảy ra với khách hàng mua xe Honda mà ở rất nhiều mẫu xe khác của các hãng như: Ford Everest cũng có mức chênh lệch so với giá niêm yết từ 50 – 90 triệu đồng tùy phiên bản (tiền mua phụ kiện và bảo hiểm) hay Ford Ranger bán kèm gói phụ kiện khoảng hơn 50 triệu đồng, thậm chí mẫu Explorer của Ford còn có mức chênh lên tới 200 triệu đồng; Những mẫu xe nhập khẩu mới như Toyota Rush, Fortuner 2018 có mức chênh dao động từ vài chục đến cả trăm triệu đồng tùy đại lý và phiên bản xe; Mẫu Mitsubishi Expander cũng có mức giá niêm yết cộng với gói phụ kiện từ 30 – 40 triệu đồng nếu khách muốn có nhu cầu lấy xe sớm...

Ford Everest cũng có mức chênh lệch so với giá niêm yết từ 50 – 90 triệu đồng tùy phiên bản (tiền mua phụ kiện và bảo hiểm). 

Chiêu trò bán xe kiểu “bia kèm lạc” hiện tại của các đại lý không phải chỉ bây giờ mới diễn ra mà đã tồn tại từ rất lâu. Đặc biệt là vào khoảng thời gian cận Tết, hay đối với những mẫu xe được khách hàng quan tâm, khan hàng.

Theo anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ một showroom xe trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), việc các đại lý ô tô lợi dụng tình hình thị trường để đẩy giá hay “ép” khách mua phụ kiện là việc rất bình thường. Vì trên thực tế, các chiêu trò này vẫn đang rất hiệu quả và đem lại lợi nhuận cao cho đại lý. Tất cả việc mua bán đều dựa trên sự tự nguyện của hai bên – “thuận mua vừa bán”. Nếu khách hàng đồng ý thì ký hợp đồng còn không thì có thể từ chối hoặc chờ đợi. Do vậy nếu đổ hết lỗi cho đại lý thì cũng không hẳn.

“Nhiều khách hàng kêu việc các đại lý ép mua xe kèm phụ kiện, nhưng khi được nhân viên kinh doanh chào mời lại tự nguyện đồng ý vì không muốn chờ đợi. Vậy nên các đại lý càng được đà để áp dụng những chiêu trò này khi có cơ hội” – anh Cường cho biết.

Không chỉ vậy, mà hiện nay đối với một số mẫu xe khi khách hàng hỏi mua, nhiều đại lý cũng không nhận ký hợp đồng vì biết không đủ nguồn hàng để trả khách dù có chấp nhận chi thêm tiền mua phụ kiện...

Theo đại diện của một số hãng xe cho biết, dù nguồn cung xe nhập khẩu thời gian qua đã được khai thông, tuy nhiên, lượng xe về hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần do đơn đặt hàng tồn từ đầu năm đến nay khá lớn.

Cùng với đó, các hãng cũng không tự chủ động được nguồn hàng mà phụ thuộc vào nhà máy sản xuất ở nước ngoài. Và để có xe thì phải đặt hàng nhà máy sản xuất trước đó hàng tháng nên hiện tại lượng xe nhập khẩu ở thời điểm hiện tại chưa dồi dào./.