Thanh niên 'xài' tiền giả khóc nức nở vì bị tăng án tù
- 15:11 18-10-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xử sơ thẩm trước đó, TAND tỉnh Long An đã tuyên phạt Trần Trung Tín ba năm tù treo, Phạm Thị Minh bốn năm tù, các bị cáo còn lại phạt 5-10 năm tù. Không đồng ý, VKSND cùng cấp đã kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Minh và Tín, không cho bị cáo Tín được hưởng án treo. Các bị cáo khác cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kháng cáo kêu oan.
Tại tòa, đại diện VKS tranh luận cho rằng tòa án cấp sơ thẩm quyết định hình phạt đối với bị cáo Minh và Tín như vậy là không đúng vì vận dụng, áp dụng điều luật không chính xác, đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị tuyên phạt bị cáo Minh, Tín 5-6 năm tù.
Sau khi tòa tuyên án, bị cáo Tín khóc nức nở. Ảnh: HĐ |
Trước đó, VKSND tỉnh Long An truy tố Trần Trung Tín, Phạm Thị Minh tội lưu hành tiền giả ở khoản 3 Điều 180 BLHS (khung hình phạt 12-20 năm, chung thân hoặc tử hình).
Do bị cáo Tín và Minh có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tòa sơ thẩm đã áp dụng Điều 47 BLHS (có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên thì được xử dưới khung hình phạt bị truy tố) để định khung hình phạt cho các bị cáo tại khoản 2 Điều 180 BLHS (khung hình phạt 5-12 năm). Tuy nhiên, khi tuyên án tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng điều luật không đúng khi quyết định phạt Tín ba năm tù cho hưởng án treo, Minh bốn năm tù (không có trong khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 180 này).
Theo TAND Cấp cao tại TP.HCM, kháng nghị của VKSND tỉnh Long An là có căn cứ để chấp nhận.
Bị cáo Minh cũng òa khóc khi phiên tòa kết thúc. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
Do đó, căn cứ vào tài liệu, hồ sơ có trong vụ án, căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. HĐXX tuyên chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Long An, không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo, sửa bản án hình sự sơ thẩm, xử phạt Trần Trung Tín, Phạm Thị Minh năm năm tù, các bị cáo khác nhận mức án 5-10 năm.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 12-2015, Nguyễn Văn Điều và Trần Văn Phúc xuất phát từ việc có quen biết nhau từ trước nên Phúc đặt vấn đề với Điều cần đôla Mỹ (USD) giả để tiêu thụ kiếm lời. Theo “dây chuyền” thì Điều liên hệ với Dương Văn Hiển để tìm nguồn đôla giả, Hiển liên hệ với Phạm Thị Minh, Minh liên hệ với Bùi Hải Hoài, Hoài liên hệ với Lê Thanh Dũng và được Dũng đồng ý cung cấp.
Đến ngày 25-12-2015 Dũng đã giao tổng cộng 3.000 USD giả cho Hoài, Hoài sẽ phải thanh toán cho Dũng tỉ lệ 45% giá trị USD thật trên thị trường. Số tiền USD giả này được các đối tượng đưa cho nhau theo “dây chuyền” môi giới ban đầu. Cuối cùng Phúc giao 3.000 USD cho Trần Trung Tín đem đi tiêu thụ.
Tín đến tiệm vàng Kim Thư (Bến Lức, Long An) đổi được hơn 66 triệu đồng. Số tiền này được các đối tượng chia nhau tiêu xài. Sau khi tiêu thụ thành công trót lọt. Dũng lại cung cấp thêm 10.000 USD giả để đưa cho Hoài, giống như lần trước, Tín lại đến tiệm vàng Kim Thư để đổi thì bị bắt quả tang.