Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nỗi đau: Khi hàng Việt 'triệt tiêu' trên kệ hàng siêu thị Việt

Trong khi nhà phân phối ngoại ngày càng lấn lướt ở thị trường, nhiều nhà phân phối nội cũng lại “a dua” xử ép chính hàng Việt. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có sự liên kết chặt chẽ, việc “tự hại nhau” như hiện nay sẽ khiến thương hiệu Việt không thể có chỗ đứng tại thị trường trong nước.

Tủi phận thương hiệu Việt

BKAV vừa ra mắt điện thoại thông minh Bphone 3. Khác với người anh em Bphone 2, Bphone 3 không còn đứng trên kệ của hãng phân phối di động hàng đầu Việt Nam - Thế giới di động. Thay vào đó, Bkav đã chọn phân phối tại 300 cửa hàng nhỏ lẻ trong nước.

Sau bài viết “Sản phẩm Việt cô đơn giữa các chuỗi phân phối Việt”, nhiều độc giả đã có những bình luận trái chiều. Người cho rằng Bphone3 không đạt được chất lượng, doanh số đủ thuyết phục Thế giới di động; người tỏ ra “thương cảm” khi Bphone 3 không được trưng bày ở những siêu thị điện máy hàng đầu. Người ủng hộ Bphone đi "cửa ngách" để đến tay người dùng.

Chuyện Bphone 3 không vào được chuỗi cửa hàng của Thế giới di động cũng thể hiện 1 vấn đề tương đồng với việc khi BigC về tay người Thái. BigC đã “nói không” với các cửa hàng của Thế giới Di động, buộc đơn vị này chuyển ra khỏi hệ thống của BigC.

Bphone có tồn tại được là câu hỏi còn chờ thời gian. 

Điều đó cũng nói lên rằng, không làm chủ được các chuỗi phân phối đủ mạnh, các thương hiệu Việt khó có thể tự chủ được sản xuất, kinh doanh và một lúc nào đó bị “đuổi” ra khỏi hệ thống một cách ê chề.

Phải chăng do hàng Việt quá kém cỏi? Theo các chuyên gia cũng chưa hẳn, bởi hàng Việt Nam đã xuất khẩu đi hầu hết các quốc gia, chinh phục được những thị trường khó tính nhất như EU, Nhật Bản, Mỹ. Chỉ tiếc rằng khâu phân phối có vấn đề khiến hàng Việt mãi lận đận, bơ vơ trên con đường đến với người tiêu dùng. Lỗi ở nhiều phía, cả của nhà sản xuất, nhà phân phối và cả nhà quản lý chứ không của riêng ai.

Phân tích từ khía cạnh logistics, GS.TS Đặng Đình Đào, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Việt Nam cần quan tâm đến logistics thay vì quan điểm chỉ là giao nhận bình thường. Ngay cả khi có hàng hóa chất lượng tốt, thương hiệu tốt mà không có những kênh phân phối mạnh cũng không thể đến tay người tiêu dùng.

GS Đào cho biết thêm, hàng hóa Việt Nam chưa vào hệ thống phân phối đầu tiên do chất lượng hàng hóa, thương hiệu của mình chưa đủ tầm để đưa vào mạng lưới phân phối. Bản chất thương mại là cả quá trình phân phối lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến tiêu dùng nhưng hiện nay lại khấp khểnh, mạnh ai nấy làm. Cho nên mới có câu chuyện dưa hấu, thanh long ở phía Nam đổ ngoài ruộng trong khi ngoài Bắc không có mà ăn.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, trong khi nhà phân phối ngoại ngày càng lấn lướt ở thị trường Việt Nam, nhiều nhà phân phối nội cũng lại “a dua” theo, xử ép chính hàng Việt Nam. “Không cẩn thận, chúng ta sẽ đi làm thuê cho nước ngoài. Đây là sự báo động cho nền kinh tế thương mại Việt Nam”, ông Phú cảnh báo.

Ông Phú chia sẻ thêm, nhà phân phối lớn của Việt Nam có thế mạnh đàm phán nhưng cũng hay ép nhà cung ứng. Điển hình, 10 ông gửi rau vào siêu thị A chỉ có một ông vào được thôi. Đây là ông chấp nhận chiết khấu cao, có phong bì.

Theo các chuyên gia, nếu vào hệ thống phân phối của Nhật dễ dàng nhận thấy ngập tràn hàng Nhật, đến nhà phân phối Thái thì hệ thống đầy rẫy hàng Thái. Tất cả đều ở vị trí đẹp nhất, trang trọng nhất. Trong khi, ở chiều ngược lại, ở ngay các hệ thống phân phối nội địa, phấn đấu mãi hàng Việt cũng chỉ chiếm vị trí quá khiêm tốn.

Nhiều mặt hàng Việt vẫn phải rong ruổi trên những gánh hàng rong. 

Không liên kết là tự hại nhau!

Nhìn từ câu chuyện Bkav một “niềm tự hào” Việt phải ra đi không kèn không trống khỏi hệ thống phân phối lớn của người Việt và tìm cửa ngách để đến với tay người tiêu dùng. Thiết nghĩ, phải chăng chính người Việt đang tự kìm nhau khiến thương hiệu Việt thiếu có chỗ đứng tại thị trường trong nước?

Thực tế, Việt Nam đã từng có những nhà sản xuất lừng lẫy, thương hiệu nổi tiếng một thời như Lix, xà bông Cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan, xá xị Chương Dương... Nhưng giờ cái thì “thất truyền”, cái phải nhận “gia công” cho những ông lớn ngoại. Một phần lý do là không thể đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

“Nhà cung cấp muốn vào hệ thống phân phối lại bị ép giá, chiếm dụng vốn nên việc tiếp cận với người tiêu dùng càng khó khăn. Hậu quả của việc thiếu liên kết là hàng Việt không tiếp cận được với người tiêu dùng vào siêu thị mua hàng. Hai là hàng hóa Việt Nam đẩy giá lên, khi đó hàng ngoại như hàng Thái Lan “vỗ tay”. Ba là triệt tiêu sản xuất chân chính, ông Phú nhận định.

Vẫn theo ông Phú, những biểu hiện không lành mạnh trong mối quan hệ giữa nhà cung ứng và một số nhà bán lẻ như ép chiết khấu, chi phí tạo mã, phí đầu kệ, ép giá bán, thanh toán chậm không có lý do... khiến DN chán nản vì khó đưa hàng vào khâu bán lẻ. Điều này làm tổn hại đến việc lưu thông, tiêu thụ hàng Việt trên thị trường.

Quy luật của thị trường, ai nắm được phân phối sẽ điều hành sản xuất và là người chiến thắng. Giờ đây, hệ thống phân phối Việt còn từ chối hàng Việt thì mong gì có một nền sản xuất mạnh. Hôm nay, nhà phân phối Việt từ chối hàng Việt, mai kia biết đâu nhà phân phối ấy lại gặp cảnh bị “ông lớn ngoại” cho ra rìa.

Theo các chuyên gia đã đến lúc, các nhà phân phối Việt có tiềm năng, thế mạnh phải quan tâm nhiều hơn đến việc liên kết với những nhà sản xuất, nhà cung ứng Việt như cách VinMart đã và đang làm. Có như vậy, hàng Việt mới tạo được chỗ đứng trên thị trường, chứ không phải nằm khiêm tốn ở một góc nào đó trong cả hệ thống phân phối quy mô hay lặng lẽ tìm một cửa ngách trong thị trường như cách Bkav đang rời khỏi Thế giới di động.