Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thầy giáo cưới học trò kém 22 tuổi: 'Tôi 40 khi cô ấy vừa 18'

Câu chuyện tình yêu giữa ông Hồ Đại Phước với người vợ kém ông 22 tuổi khiến không ít người ngưỡng mộ. Được biết, họ kết hôn khi ông Phước đã xấp xỉ 40 tuổi.

'Tôi 40, cưới cô ấy khi vừa 18'

Năm 2005, nhiều người biết đến ông Hồ Đại Phước (SN 1945, phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) khi ông được Trung tâm kỉ lục Việt Nam xác nhận là Kỉ lục gia, người chụp ảnh các ngôi chợ nhiều nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, ít ai biết câu chuyện tình yêu lệch tuổi giữa ông và bà Đinh Thị Ngọc Sen (SN 1967), người kém ông 22 tuổi. Họ kết hôn khi ông Phước đã xấp xỉ 40 tuổi.

 Kỷ lục gia Hồ Đại Phước đang sắp xếp lại những tấm ảnh mà ông đã chụp. Ảnh: Hoàng Tuân

Ông Phước cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Đến năm 1970, ông mở lớp dạy học cho những trẻ em trong xóm. Trong số học trò đó có 3 anh em bà Sen.

Tuy nhiên, ông không bao giờ nghĩ rằng cơ duyên sau này, học trò là bà Đinh Thị Ngọc Sen lại trở thành người bạn đời của ông.

 Ông Hồ Đại Phước và học trò của mình chụp ảnh năm 1972. Bà Sen ngồi hàng thứ 2, vị trí thứ 7 tính từ trái sang phải. Ảnh: NVCC

Kể về câu chuyện tình yêu của mình, ông Phước cho biết, thời điểm năm 1980 - 1984, ông công tác tại phòng văn hóa thông tin ở phường. Tuy nhiên, do chính sách giảm biên chế nên ông trở về nhà để làm kinh tế nông nghiệp.

Trong làng, cụ Đinh Thị Phú (sau này là mẹ vợ ông) thấy ông hiền lành, chất phác lại chăm chỉ làm ăn. Vì vậy, cụ Phú đã tác hợp con gái của mình cho ông.

Năm 1985, đám cưới của họ được tổ chức tại nhà bà Sen với sự ủng hộ của hai bên gia đình và bà con họ hàng.

Sau đám cưới, họ xây dựng và vun vén cho gia đình nhỏ. Cũng trong năm đó, niềm hạnh phúc của vợ chồng lệch tuổi như được nhân đôi khi họ đón đứa con đầu lòng. Vợ chồng ông đặt tên cho con là Hồ Đại Phương.

Đến năm 1987, họ đón thêm thành viên gia đình nữa là con gái Hồ Ngọc Phượng.

 Vợ chồng ông Phước cùng hai con Hồ Đại Phương và Hồ Ngọc Phượng. Ảnh: NVCC

Cuộc sống vợ chồng ông lúc đó khó khăn. Tuy nhiên, họ lúc nào cũng vui vẻ bên nhau và ít khi xảy ra những mâu thuẫn. Bà Sen luôn ủng hộ chồng trong mọi việc. Hơn hết, bà thường lui về sau để làm chỗ dựa tinh thần và chăm lo con cái cho ông yên tâm làm việc.

Năm 1996, kinh tế gia đình ông Phước gần như thay đổi hoàn toàn mà ông gọi đó là bước ngoặt. Năm đó, gia đình ông được chính quyền chính thức cấp quyền sở hữu cho số đất mà họ đang ở và canh tác sau thời gian tranh chấp.

Nhờ vậy, ông phân chia thành những lô đất để xây nhà cửa khang trang và nhà trọ cho thuê.

Năm 1999, kinh tế khá giả nên vợ chồng ông mua xe ô tô. Có phương tiện đi lại, thỉnh thoảng, gia đình ông Phước cùng nhau đi du lịch.

Từ thời điểm đó, ông có điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiều chuyến đi xa, thỏa mãn niềm đam mê nhiếp ảnh bấy lâu. Đặc biệt là sở thích kỳ lạ với việc chụp ảnh chợ.

"Chợ là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Ở chợ, tôi tìm thấy những phong tục và nét đẹp rất riêng. Đặc biệt, con người ở chợ là sự pha tạp mọi thành phần. Vì vậy, nó thể hiện được sự chân thật đúng như trong đời thường", ông Phước chia sẻ.

 Ông Phước cùng vợ đi du lịch và chụp ảnh chợ ở nhiều nơi. Trong ảnh, họ chụp tại hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Khoa học Mỹ tìm ra cách giúp phụ nữ tươi trẻ rạng ngời, hôn nhân viên mãn
Khoa học Mỹ tìm ra cách giúp phụ nữ tươi trẻ rạng ngời, hôn nhân viên mãn
Tin tài trợ
Những ngôi chợ từ ở đồng bằng cho tới miền núi, miệt vườn miền Tây, hải đảo xa xôi đều đã in dấu chân ông Phước.

 Vợ chồng ông Phước chụp ảnh trước chợ Vinh. Ảnh: NVCC

Trong những chuyến đi đó, thỉnh thoảng, ông đi cùng vợ. Theo ông Phước, đây cũng là cơ hội giúp vợ chồng ông thêm gắn kết tình cảm và bà Sen có cơ hội được đi du lịch đó đây.

Hạnh phúc bền chặt của gia đình kỷ lục gia

Bên cạnh những cuốn album, góc trưng bày ảnh chợ, ông Phước cũng dành khoảng không gian riêng trong nhà để lưu giữ những hình ảnh gia đình.

 Ông Phước cùng hai con tổ chức sinh nhật cho bà Sen. Ảnh: NVCC

Khi nhìn lại những năm tháng đã qua, ông Phước cho biết, hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng ông chính là mỗi ngày được thấy con cái của họ lớn lên và trưởng thành. Giờ đây, hai con của ông Phước đã dựng vợ gả chồng. Họ có thêm những đứa cháu kháu khỉnh, ngoan ngoãn.

Trong căn phòng trưng bày, ông Phước cho chúng tôi xem những bức ảnh gia đình mà ông cất giữ cẩn thận. Khi lật giở cuốn album, có những tấm ảnh và dòng chữ đã phai màu thời gian.

 Cuốn album ảnh gia đình được ông Phước cất giữ cẩn thận. Ảnh: Hoàng Tuân

Trên đó, ông Phước viết cho hai con của mình với những lời lẽ chan chứa tình cảm yêu thương của một người cha:

“Hai con Phương và Phượng thương yêu nhất của ba! Ba ghi lại đây một số hình ảnh sinh hoạt trong ngày của gia đình ta vào thời các con còn thơ ấu. Chắc rằng sau này lớn lên, khi nhìn lại các con sẽ thấy quý biết dường nào! Bởi đây là tuổi của vô tư, hồn nhiên và hạnh phúc nhất mà sau này sẽ không còn nữa. Bởi từng bước khi lớn lên, các con càng gánh vách thêm nhiều trách nhiệm trong cuộc sống”.

 Ông Hồ Đại Phước và bà Đinh Thị Ngọc Sen tại nhà của họ. Ảnh: Hoàng Tuân

Ở tuổi xế chiều, cuộc sống của vợ chồng ông Phước hết sức đơn giản. Buổi sáng, ông cùng vợ thức dậy. Họ đưa cháu đi học. Sau đó, họ cùng đi ăn sáng rồi đi chợ mua thức ăn cho cả ngày hôm đó.

Trở về nhà, ông ngồi đọc báo, sắp xếp lại những tấm ảnh mà ông đã chụp trước đó. Còn bà Sen quét dọn nhà cửa, nấu cơm nước.

Ngồi ở ghế, bà Sen cho biết, ngày trước bà có thể cùng ông đi chụp ảnh cả tháng trời. Nhưng bây giờ, người phụ nữ 51 tuổi lại tất bật chăm sóc cháu. Vì vậy, thỉnh thoảng bà mới có thể cùng ông đi những chuyến đi ngắn ngày.

Ở tuổi 73, mỗi ngày ông Phước đều cố gắng chụp ít nhất một tấm ảnh. Ông duy trì thói quen này vì ông muốn ghi lại nhật ký thường nhật bằng hình ảnh. Đặc biệt, ông chưa bao giờ nghĩ rằng ông sẽ ngừng nghỉ việc chụp ảnh dù chỉ một ngày. Ông mong muốn kho ảnh của mình ngày càng phong phú hơn nữa.

Hiện tại, vợ chồng ông Phước đang sống hạnh phúc bên con cháu. Họ không có những ước muốn gì cao sang. Họ chỉ mong mỗi ngày được đi ăn sáng và đi chợ cùng nhau. Thỉnh thoảng, họ lại cùng đi du lịch, khám phá những ngôi chợ mới ở trên đất nước mình. Với họ, cuộc sống đơn giản chỉ có vậy.