Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Dạy thêm, học thêm: Ngày càng biến tướng

Những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục ngày càng xuất hiện nhiều biến tướng, tinh vi, tiếp tục gây bức xúc trong xã hội.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện (Thường vụ Quốc hội) cho biết như vậy tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban khi xem xét các báo cáo về giải quyết kiến nghị của cử tri.

Đã tìm nhiều biện pháp tháo gỡ

Bà Nguyễn Thanh Hải 

Theo bà Hải, những mặt trái của dạy thêm, học thêm, lạm thu đầu năm học, bạo lực học đường, thí điểm và sử dụng sách giáo khoa (SGK),... là những vấn đề được cử tri phản ánh hầu hết ở các đợt tiếp xúc, Bộ GD-ĐT đã tìm nhiều biện pháp để tháo gỡ nhưng chưa hiệu quả.

Không những thế, các hiện tượng tiêu cực nêu trên ngày càng xuất hiện nhiều biến tướng, tinh vi, tiếp tục gây bức xúc trong xã hội (như yêu cầu phụ huynh “tự nguyện” viết đơn xin học thêm cho con; bớt xén kiến thức dạy trên lớp để “ép” học sinh phải học thêm; giao “chỉ tiêu, định mức” thu quỹ cho hội cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm; “ép” học sinh mua sách tham khảo để hưởng chiết khấu;... ).

Bà Hải cũng cho biết thêm, việc thường xuyên cải tiến, đổi mới trong giáo dục nhất là đổi mới các hình thức thi, tuyển sinh; đổi mới cách dạy và học; thí điểm mô hình giáo dục mới (VNEN); thực nghiệm tài liệu giáo dục quá lâu trên một phạm vi rộng nhưng chưa được tổ chức tổng kết, đánh giá (sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục),... dẫn đến thiếu thống nhất, thiếu ổn định.

Đặc biệt, những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm học 2017 – 2018 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kỳ thi, tính khách quan, minh bạch, đặc biệt là sự công bằng giữa các thí sinh, cần khẩn trương tổng kết, đánh giá, xử lý vi phạm tạo niềm tin trong cử tri và nhân dân cả nước.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 6 QH khoá 14, Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặn trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết cử tri đánh giá cao việc triển khai chủ trương cải cách, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng, Nhà nước, ghi nhận nỗ lực của Bộ GD-ĐT trong việc tổ chức triển khai và những kết quả, thành tích đã đạt được. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng phản ánh những băn khoăn về chuyện SGK như thí điểm, lãng phí; hay các sai phạm trong khâu chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2018 - 2019 tại một số địa phương, làm ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi và uy tín của ngành giáo dục.

Tích cực cải cách thủ tục hành chính

Nhìn nhận về những nỗ lưc giải quyết phản ánh của cử tri, Ban Dân nguyện cho rằng Bộ GD-ĐT đã thanh tra, kiểm tra tình trạng lạm thu đầu năm học, kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm. Đặc biệt, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và dư luận xã hội về việc in ấn, phát hành và sử dụng lãng phí SGK phổ thông, “ép” học sinh mua sách tham khảo, Bộ đã thành lập đoàn kiểm tra về công tác này tại NXB GDVN .

Đáng ghi nhận hơn cả, cùng với Bộ Công thương, Bộ GD-ĐT là một trong những cơ quan được đánh giá cao về cải cách các thủ tục hành chính.

Báo cáo của ban Dân nguyện cho hay, nhiều bộ ngành đã cắt giảm rất nhiều điều kiện, thủ tục kinh doanh như Bộ Công thương (cắt giảm 675 điều kiện), Bộ GD-ĐT (110), LĐTB-XH (64),...Việc cải cách các thủ tục hành chính đã có tác dụng tích cực giúp doanh nghiệp tháo gỡ nhiều khó khăn trong kinh doanh sản xuất.