Giáo viên nước ngoài kém chất lượng tràn vào châu Á dạy tiếng Anh
- 08:31 17-10-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một báo cáo gần đây của Tân Hoa xã cho biết 2/3 trong số 400.000 giáo viên nước ngoài ở Trung Quốc năm 2017 không đạt tiêu chuẩn giảng dạy. Thậm chí, một số người còn sử dụng visa trái phép.
Lynette Kim, Giám đốc của TESOL Australia (chương trình giảng dạy và đào tạo cán bộ giảng dạy Anh ngữ uy tín, đảm bảo hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế, được đánh giá cao trên thế giới), chia sẻ với ABC rằng người nước ngoài trở thành giáo viên mà không được đào tạo chính quy có thể gây ra tác động tiêu cực lâu dài với cả học sinh và bản thân giáo viên đó.
Cụ thể, theo bà Kim, việc này có thể ảnh hưởng tới khả năng phát âm, âm sắc, khả năng hình thành câu và cả hứng thú học tiếng Anh của học sinh.
Bên cạnh đó, những người nước ngoài tới các nước châu Á làm giáo viên chỉ với mục đích kiếm thật nhiều tiền sẽ dần kiệt sức, căng thẳng và bắt đầu chán ghét việc dạy học.
Jake Sharp là một trong số giáo viên nước ngoài được đánh giá là chất lượng dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Ảnh: ABC |
Jake Sharp, từng sống tại thành phố Gold Coast, Australia, quyết định chuyển tới Việt Nam khi 27 tuổi. Giống như nhiều người trẻ Australia, Sharp muốn tận hưởng cuộc sống phiêu lưu ở một đất nước mới.
Hiện tại, anh là giáo viên tiếng Anh được công nhận. Sharp cho biết công việc mình đang làm ở Việt Nam có thu nhập tốt và nhiều người Australia quyết định ở lại lâu dài vì chi phí sinh hoạt ở đây thấp hơn nhiều so với xứ sở chuột túi.
Tuy vậy, một số trung tâm tiếng Anh ở Việt Nam lại thuê người nói tiếng Anh bản ngữ nhưng không có chuyên môn giảng dạy. Các trung tâm ít khi kiểm tra kỹ nền tảng kiến thức, trình độ, bằng cấp của người nước ngoài mà họ thuê.
Chấp nhận chịu phạt hơn thuê giáo viên trong nước
Kim cùng nhiều giáo viên khác chia sẻ với ABC rằng nhiều trường học ở châu Á thuê người nước ngoài làm giáo viên tiếng Anh vì họ là người da trắng.
"Mọi người thường nghĩ nếu bạn là người phương Tây thì nghiễm nhiên sẽ có hiểu biết chuẩn mực về văn hóa ở đó", Kim nói.
Nathaniel Kempster, công dân mang 2 quốc tịch Anh - Pháp, đến Trung Quốc bằng visa du học năm 2006. Kempster được mời làm giáo viên tiểu học ngay ngày thứ hai ở Trung Quốc mà không cần một thị thực làm việc hợp lệ.
"Bạn không nhất thiết phải là người nói tiếng Anh bản ngữ để được trả lương hậu hĩnh, chỉ cần người phương Tây là đủ. Đó là tiêu chuẩn quan trọng nhất", Kempster chia sẻ.
Giáo viên trẻ này dạy được 6 tháng trước khi bị các quan chức địa phương "sờ gáy".
"Một buổi sáng thứ bảy, tôi đang dạy học như thường lệ. Đột nhiên, khoảng 10 người bước vào phòng với cả máy quay, ghi hình chúng tôi. Lũ trẻ vô cùng sợ hãi và không ai biết chuyện gì đang xảy ra. Đêm đó, tôi phải ở lại đồn cảnh sát", Kempster chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Kempster, các trường có giáo viên nước ngoài sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Vì thế, họ sẵn sàng chịu phạt hơn là thuê các giáo viên trong nước.
"Ở Trung Quốc, người phương Tây thường được đề cao. Thực tế, họ nghĩ bạn là người phương Tây, nghiễm nhiên sẽ giỏi tiếng Anh", Kempster nói thêm.
Kempster, từng được thuê dạy tiếng Anh ở Trung Quốc, cho biết các trường có giáo viên nước ngoài sẽ kiếm được nhiều tiền hơn vì thế họ sẵn sàng chịu phạt. Ảnh: Supplied. |
Ngoài ra, sự thiếu sót trong quá trình kiểm tra lý lịch không chỉ để lọt giáo viên trình độ kém, mà thậm chí cả tội phạm cũng không bị phát hiện.
Theo CGTN và Global Times, một nữ sinh viên ở Thượng Hải phát hiện Daniel William Hiers, giáo viên tiếng Anh ở trường đại học cô theo học, nằm trong danh sách 15 tội phạm bị truy nã gắt gao nhất nước Mỹ. Hiers nằm trong danh sách này từ tháng 3/2005 vì tội danh giết người và tội phạm tình dục.
Lách luật vì sợ mất thời gian và tốn kém
Luật pháp Indonesia yêu cầu giáo viên tiếng Anh phải có bằng thạc sĩ và tối thiểu 5 năm kinh nghiệm giảng dạy trong một trường quốc tế. Tuy nhiên, những giáo viên đáp ứng các yêu cầu này không nhiều, trong khi nhu cầu học tiếng Anh lại tăng cao. Một số trường tìm cách đối phó với quy định.
Yusuf Muhyidin, Giám đốc giảng dạy thuộc Bộ Giáo dục Indonesia, cho biết các giáo viên không đủ trình độ thường lách luật.
"Nhiều lớp học ngôn ngữ thuê người nói tiếng Anh bản ngữ nhưng lại không muốn làm đúng thủ tục hoặc xin giấy phép của Bộ Giáo dục. Nguyên nhân là mất thời gian và tốn nhiều chi phí", Yusuf chia sẻ.
Vị giám đốc cũng nói thêm rằng đây không phải vấn đề của riêng Bộ Giáo dục. Theo ông, cảnh sát cũng phải vào cuộc. Họ cần đưa những lao động bất hợp pháp như vậy ra tòa.
Giáo viên không đủ trình độ thường lách luật. Ảnh minh họa: Flickr. |
Anya Filla-Dwehus, nữ công dân Australia, đã dạy tiếng Anh ở Trung Quốc 18 năm. Cô cho biết sẽ rất khó khăn để công dân nước ngoài làm công việc giảng dạy đáp ứng được những điều kiện mà chính phủ Trung Quốc đưa ra vì chúng rất nghiêm ngặt.
Theo ABC, thông tin về các quy định với giáo viên nước ngoài ở Trung Quốc có nhiều mẫu thuẫn.
Một bài báo trên Tân Hoa xã xuất bản hồi tháng 7 cho biết mất ít nhất 4 tháng để hoàn tất quy trình pháp lý cho việc thuê giáo viên ngoại quốc. Bên cạnh đó, giáo viên nước ngoài phải có bằng cử nhân, 2 năm kinh nghiệm hoặc chứng chỉ giảng dạy để được cấp giấy phép lao động.
Tuy nhiên, Zhang Fucheng, Phó chủ tịch Đại học Yanshan, chia sẻ trên Tân Hoa xã rằng chưa có luật và quy định dành cho giáo viên nước ngoài ở Trung Quốc.
"Điều luật nên sớm được hoàn thiện để cải thiện các tiêu chuẩn và phương pháp tuyển dụng giáo viên nước ngoài, cũng như xác định tình trạng pháp lý, quyền và nghĩa vụ của họ", ông Zhang nói.
Tiếng Anh - chìa khóa tiến vào tương lai
Việc học tiếng Anh phát triển nhanh chóng và vô cùng quan trọng ở châu Á trong vài thập kỷ gần đây. Công ty ngôn ngữ quốc tế Education First (EF) cho biết châu Á có dân số nói tiếng Anh (không phải người bản ngữ) cao thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau châu Âu.
Báo cáo năm 2017 của EF - dựa trên dữ liệu từ hơn một triệu người tham gia - cũng nhận thấy trình độ thành thạo tiếng Anh của người lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới xếp hạng quốc gia trong Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Liên Hợp Quốc. Phát triển kinh tế tạo ra những nguồn lực và động lực mới để thúc đẩy việc học tiếng Anh.
Nhiều ông bố bà mẹ châu Á xem việc học tiếng Anh như yếu tố then chốt để có sự nghiệp thành công. Ở Trung Quốc, phụ huynh muốn con cái họ thông thạo tiếng Anh và có thể phát âm giống hệt người nước ngoài.