Hoàn thiện hành lang pháp lý các dự án BT giao thông: Bảo đảm quyền lợi cho cả nhà nước và nhà đầu tư
- 09:35 20-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN |
Theo giới chuyên gia, lợi ích lớn nhất của các dự án BT chính là những đóng góp quan trọng cho xã hội và cộng đồng. Các dự án BT giao thông đã phát huy hiệu quả khi mỗi dự án hoàn thành, đưa vào khai thác đã giúp giảm ùn tắc giao thông, tạo kết nối nhanh chóng giữa các khu vực, rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm chi phí vận chuyển, phát triển hạ tầng đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh - quốc phòng.
Khi thực hiện dự án theo hình thức này, nhà đầu tư được nhà nước thanh toán ngay bằng quỹ đất rõ ràng về mặt pháp lý, do đó quá trình triển khai dự án của chủ đầu tư được đẩy nhanh, chi phí được giảm xuống, mang lại hiệu quả tối đa. Với hình thức BT, chính quyền cũng là người hưởng lợi khi có thể giảm bớt chi phí không nhỏ trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình công cộng, phát triển đô thị…
Nhưng hình thức đầu tư BT đang trở nên rủi ro cho nhà đầu tư ở thời điểm này, nhà đầu tư đang mắc nợ ngân hàng và không được bảo đảm các quyền lợi theo hợp đồng đã được ký kết theo đúng quy định của Pháp luật đã ban hành; thiếu sự bình đẳng giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với dự án BT thì việc chậm thanh toán quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư sẽ làm phát sinh chi phí lãi vay, làm tăng tổng mức đầu tư và làm giảm tính hiệu quả đầu tư của dự án. Đồng thời, do chưa được bàn giao quỹ đất nên nhà đầu tư chưa đủ cơ sở để triển khai xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu đô thị để kinh doanh thu hồi vốn sẽ khiến nhà đầu tư phải chịu nhiều áp lực.
Đơn cử tại Nghệ An, Dự án đầu tư xây dựng Cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An theo hình thức hợp đồng BT đã được UBND thị xã Thái Hòa (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thực hiện lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi sơ tuyển rộng rãi quốc tế và đấu thầu theo đúng quy định thì Tập đoàn Cienco4 là Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án Dự án. Sau khi UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt kết quả lựa chọn Nhà đầu tư, UBND thị xã Thái Hòa đã ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, thời gian thực hiện là 18 tháng.
Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 17-8-2017 và được thông xe kỹ thuật vào ngày 04-5-2018. Giá trị hoàn thành nhà đầu tư đã thực hiện đến ngày 28-6-2018 là 212,62 tỷ đồng.
Theo hợp đồng, nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án là quỹ đất gồm 5 khu đất: Khu đô thị Long Sơn 1, Long Sơn 2, Long Sơn 3 - Vực Giồng, Long Sơn 4, khu đô thị Tây Hiếu. Thời điểm Nhà đầu tư được thanh toán bằng các quỹ đất Khu đô thị Long Sơn 1, Long Sơn 2, Long Sơn 3 - Vực Giồng, Long Sơn 4 là tháng thứ 3 và Khu đô thị Tây Hiếu là tháng thứ 9 kể từ ngày Hợp đồng được ký kết.
Nhà đầu tư đã ứng trước nguồn vốn cho UBND thị xã Thái Hòa (Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ủy quyền) để chi trả cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chịu ảnh hưởng, đến nay cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của 4 khu đô thị Long Sơn 1, Long Sơn 2, Long Sơn 3 - Vực Giồng, Long Sơn 4.
Việc thanh toán quỹ đất cho dự án BT, Nhà đầu tư đã thực hiện đúng các thủ tục liên quan theo quy định của Nhà nước để được bàn giao các quỹ đất đối ứng của hợp đồng BT đã ký kết. Tuy nhiên, hiện tại Nhà đầu tư vẫn chưa được bàn giao các quỹ đất đối ứng theo như cam kết của hợp đồng BT do vướng mắc vào các chỉ đạo đơn phương của Nhà nước đối với dự án BT.
Văn bản số 3515/BTC-QLCS ngày 28-03-2018 của Bộ Tài chính về việc tạm dừng việc sử dụng tài sản công từ ngày 01-01-2018 để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao và chờ đến khi Nghị định của Chính phủ có hiệu lực thi hành (nhưng đến nay vẫn chưa được phát hành) là một rào cản buộc các địa phương đang thực hiện theo pháp luật phải dừng lại. Về vấn đề này ngày 08-6-2018 trả lời phóng viên trên truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam đã nói “Đối với Luật quản lý tài sản công năm 2017 khi mà nó ra đời cũng không làm thay đổi các điều khoản của hiệu lực thi hành cũng như các điều khoản cơ bản của hợp đồng BT đã ký kết.
Do vậy mà đối với luật quản lý tài sản công cũng như là Công văn 3515 của Bộ Tài chính để mà tạm dừng lại là không có hiệu lực về mặt pháp lý để mà dừng quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng”. Ngày 21-8-2018, trả lời phóng viên báo Kinh tế Đô Thị tại bài viết: “Làm gì khi đổi đất lấy hạ tầng?” Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường - GS Đặng Hùng Võ cho rằng, mọi người đều phải tuân thủ đúng pháp luật, không được bắt cuộc sống ngừng lại chờ pháp luật. Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế Đô thị, ông Võ cho rằng khung pháp luật về đầu tư theo hình thức BT còn nhiều khoảng trống, cần tiếp tục bổ sung. Đề xuất cụ thể của Bộ Tài chính từ tháng 3 năm nay tại Công văn số 3515/BTC-QLCS ngày 28-3-2018 hướng dẫn các bộ, ngành ở Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với nội dung "Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01-01-2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT có hiệu lực thi hành".
Nay tiếp tục đề nghị cụ thể đối với UBND Hà Nội tạm dừng như nội dung nêu trên. Sự thực, việc cơ quan quản lý nhà nước có thể đề nghị, thậm chí yêu cầu dừng việc này hay việc kia để kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật cũng là chuyện thường tình, nên ủng hộ nếu động cơ là trong sáng. Nhưng đối với nội dung "tạm dừng" như tại Công văn 3515/BTC-QLCS thì quả là bất thường.
Còn với khu đô thị Tây Hiếu (khu đất đã được UBND tỉnh Nghệ An xác định để thanh toán cho nhà đầu tư tại quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi) thì nhà đầu tư không được vào để lập quy hoạch chi tiết do vướng mắc kiến nghị ở lại của đơn vị đang quản lý, sử dụng quỹ đất tại vị trí này (nơi đặt nhà máy của Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An). Các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cơ bản có văn bản đồng thuận việc thu hồi do ô nhiễm môi trường của nhà máy và hiện nay cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa thỏa thuận, thống nhất được để đưa vào quỹ đất khu đô thị Tây Hiếu thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng các Quyết định đã được phê duyệt liên quan đến dự án.
Chính vì vậy, để các nhà đầu tư tin tưởng tham gia nhiều hơn vào đầu tư PPP, mang lại lợi ích cho quốc gia, điều tiên quyết là các bên (nhà nước và nhà đầu tư) phải là đối tác của nhau, bình đẳng trước pháp luật và tôn trọng pháp luật. Nhà nước không thể đơn phương đưa ra những điều gây cản trở và ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư; cần kịp thời ban hành hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, không chồng chéo để không làm thất thoát vốn của Nhà nước nhưng vẫn phải bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư và để hài hòa lợi ích cho tất cả những chủ thể tham gia./.
Tác giả: Ánh Tuyết
Nguồn tin: Tạp chí Cộng Sản
(tapchicongsan.org.vn)