Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kỹ sư đầu tiên của bản làng biên giới

Ngoài thời gian lên giảng đường, Xồng Bá Nênh, sinh năm 1995, người dân tộc Mông, bản Phà Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An còn nhận giúp việc cho một quán cơm ở sát cổng Trường Đại học Lâm nghiệp để đổi lấy 2 bữa ăn mỗi ngày. Trải qua 4 năm, chàng trai trẻ đã tốt nghiệp Khoa Quản lý đất đai, với tấm bằng loại khá.

Thế nhưng, sau 1 năm tốt nghiệp, chàng kỹ sư của bản làng biên giới vẫn đang chịu cảnh thất nghiệp.

 Ngoài giờ lao động, kỹ sư Xồng Bá Nênh ôn tập chờ thi tuyển công chức. Ảnh: Viết Lam

Từ sáng sớm, khi bản làng biên giới Phà Lõm còn chìm trong sương mờ, người ta đã thấy Xồng Bá Nênh dắt bò ra bìa rừng, lên nương phụ giúp mẹ làm cỏ sắn. Chàng kỹ sư đầu tiên của bản làng trông gầy gò hơn nhiều so với thời điểm 1 năm trước, khi mới rời ghế trường đại học. Dù vậy, trong con người ấy vẫn hiện lên sự tự tin, lạc quan, yêu đời. Nênh kể rằng, sau khi ra trường, Nênh làm hồ sơ thi tuyển vào công chức tại huyện Tương Dương, nhưng chờ mãi không có chỉ tiêu. Không nản lòng, chàng thanh niên của bản làng “giấu” bằng đại học đi làm công nhân nhà máy Honda Việt Nam, tại Vĩnh Phúc, với mong muốn có thu nhập trước mắt và nâng cao khả năng tiếng Anh.

Thời gian gần đây, khi bố mẹ già yếu, Nênh mới trở về bản làng phụ giúp gia đình, định hướng lại tương lai cho mình. “Em đang làm hồ sơ thi tuyển công chức ở huyện Kỳ Sơn, nếu không được, em sẽ phát triển chăn nuôi tại bản, nhưng thiếu vốn quá, anh ạ! Cũng tại nhà em nghèo quá nên làm việc gì cũng khó” - Xồng Bá Nênh chia sẻ.

Xồng Bá Nênh vốn sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, bố mẹ quanh năm chỉ biết bám nương trồng lúa, ngô, sắn mong cho các con không bị đứt bữa vào mùa giáp hạt. Việc học của Nênh và các em gần như bị bỏ ngỏ. Thế nhưng, từ nhỏ, Nênh đã tỏ ra là đứa trẻ sáng dạ, theo học tiểu học ở điểm trường bản.

Rồi lên trung học cơ sở, dù xa nhà, nhưng chiều theo ý cậu bé, gia đình đã ra dựng lán tạm quanh khuôn viên trường ở trung tâm xã để em được theo đuổi ước mơ con chữ. Những năm học đó, đều đặn đầu tuần, Nênh lại đi bộ vượt quãng đường rừng mang theo gạo, ngô, củ sắn ra cái lán tạm bợ tự lo cho cuộc sống, học tập. Rồi cuối tuần em lại trở về với gia đình để được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Đã có những đêm đông giá rét, bụng không đủ no, chăn không đủ ấm, cậu học trò nghèo không thể ngủ nổi. Thế nhưng, trong bộn bề khó khăn, thiếu thốn, cậu vẫn học rất giỏi.

Hoàn thành trung học cơ sở, Nênh tiếp tục ra thị trấn Hòa Bình, cách nhà trên 30km để theo học bậc phổ thông trung học. Cậu thi đậu vào Đại học Lâm nghiệp (Xuân Mai, Hà Hội), Khoa Quản lý đất đai khiến nhiều người trầm trồ, thán phục. Thế nhưng, với gia đình Nênh, những ngày em nhận được giấy báo trúng tuyển đại học lại là thời gian nhiều lo lắng, khổ tâm nhất. Họ không biết lấy tiền đâu để cho con đi học. Còn Nênh vẫn quyết tâm được ngồi vào ghế giảng đường đại học. Thương Nênh, gia đình đã vay mượn họ hàng đủ tiền cho cậu bắt xe ra Hà Nội nhập học và chi phí ăn uống ban đầu.

Sau thời gian ngắn ngủi ổn định việc học tập, cũng là lúc những đồng tiền ít ỏi được cha mẹ chu cấp cạn dần, Nênh tìm đến các quán cơm trước cổng trường để xin giúp việc. Cậu sinh viên nghèo đến từ bản làng biên giới Tây Nghệ An nói với họ rằng không nhận tiền công, chỉ xin ngày 2 bữa cơm (trưa và tối) để được tiếp tục học tập.

Cảm thương trước hoàn cảnh, cũng như thán phục sự hiếu học của cậu sinh viên nghèo, chị Nguyễn Thị Anh, chủ một quán cơm đã chấp nhận lời đề nghị. Từ đó, ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt ngoại khóa ở trường, dù mưa rét, hay nắng nóng, Nênh lại ra quán cơm phụ chị Anh bán hàng ăn. Sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của chàng trai người dân tộc thiểu số khiến chị Anh rất cảm động.

Ngoài nuôi cơm ăn hàng ngày, chị thường hỗ trợ một khoản tiền nhỏ để Nênh mua sắm sinh hoạt và tiền tàu xe mỗi lần về thăm nhà. “Hàng quán của mình nhỏ, cũng không có ý nhận người làm thêm, nhưng khi nghe em Nênh nêu hoàn cảnh gia đình và ước mơ, tôi đã rất cảm động. Quả thật, em rất chăm chỉ, chịu khó trong công việc khiến tôi xem như con cháu trong nhà. Giờ ra trường rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe, chỉ thương em chưa xin được việc làm” - Chị Anh cho biết.

Và Bá Nênh vẫn lạc quan chia sẻ: “Em sẽ nỗ lực ôn tập tốt cho đợt thi tuyển công chức sắp được tổ chức tại huyện Kỳ Sơn. Nếu không đạt, em sẽ tìm hướng phát triển kinh tế tại quê nhà, chỉ mong được tạo điều kiện vay vốn ban đầu”.