Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm tạo niềm tin cho dân

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá cáo việc Chính phủ nhanh công bố kết luận thanh tra các vụ việc nổi cộm, giúp tạo niềm tin trong nhân dân.

Sáng 15/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành phần lớn thời gian để nghe các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2019; báo cáo giữa kỳ thực hiện phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020; báo cáo về kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020…

Nhanh chóng công bố các kết luận thanh tra

Thảo luận sau khi nghe các báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận việc Chính phủ nhanh chóng công khai các kết luận thanh tra một số vụ việc nổi cộm.

“Chính phủ đã đôn đốc công bố kết luận thanh tra những vụ việc nổi cộm như bán cổ phần AVG, quy hoạch Thủ Thiêm, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam… Điều đó tạo niềm tin tới người dân”, bà Nga nói.

 Đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ nhanh chóng công khai kết luận thanh tra các dự án nổi cộm. Ảnh: Lê Quân.

Bà Lê Thị Nga đánh giá người đứng đầu Chính phủ, các thành viên Chính phủ cầu thị, lắng nghe ý kiến của dư luận, nhân dân, sâu sát cơ sở, địa phương từ đó đưa ra các chính sách sát thực tế. Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với nông dân, công nhân để lắng nghe, giải quyết các vấn đề.

"Đó là một cách làm hay", bà Nga đánh giá.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ sự ấn tượng với việc Chính phủ hoàn thành nhiều chỉ tiêu đề ra trong năm 2017 cũng như 9 tháng đầu năm 2018. Bên cạnh đó, các chỉ số về bội chi ngân sách, nợ công, thị trường tiền tệ, xuất khẩu… đều có các chỉ số tích cực.

 

“Tôi thấy Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đứng đầu là mô hình, cách làm hay. Tổ công tác gõ cửa từng bộ từng ngành, đôn đốc”, bà Phóng nói.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng nền kinh tế vẫn còn những hạn chế như tính tự chủ của nền kinh tế, phương thức giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước... Việc đánh giá tình hình sản xuất một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, cơ cấu lại còn chậm.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 là khó khăn

Trong báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng GDP cao để đảm bảo duy trì một cách ổn định.

Ủy ban Kinh tế cho rằng việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn còn những vướng mắc do công tác triển khai và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, đặc biệt là trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, cần làm rõ nguyên nhân của hiện tượng diễn biến ngược chiều nhau về quy mô vốn bình quân và quy mô bình quân lao động của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đăng ký thành lập mới. Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cao, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ.

 Ủy ban Kinh tế tỷ lệ doanh nghiệp giải thể cao là một thách thức tới Chính phủ trong thơi gian tới. Ảnh: Hoàng Hà.

Vấn đề giáo dục cũng được chỉ ra còn nhiều bất cập. Trong đó xảy ra những vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại một số tỉnh; việc sách giáo khoa xuất bản độc quyền, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội.

Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá chỉ ra gần đây xuất hiện một số vụ việc có dấu hiệu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc gây phức tạp về an ninh, trật tự, gây bất ổn trong xã hội.

Về đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế chỉ ra hạn chế trong việc phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân nói riêng trong thời gian qua. Theo đó, việc đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng là thách thức rất lớn.

Ủy ban Kinh tế đánh giá việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và một số công trình trọng điểm còn chậm. Hạ tầng giao thông phát triển thiếu cân bằng giữa đường bộ với các loại hình vận tải khác, làm cơ cấu vận tải chưa dịch chuyển đúng hướng và tăng chi phí logistic cho doanh nghiệp. Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. Hệ số ICOR vẫn còn ở mức cao.

Bên cạnh đó, năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động có đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP năm 2018, tuy nhiên đều có xu hướng giảm so với năm 2017. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần chững lại; công nghiệp khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, ít dư địa phát triển.

Dù vậy, Ủy ban Kinh tế vẫn cho rằng chúng ta có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề cho giai đoạn 2016-2020.