Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hậu phương sắt son của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười

Ông Trần Quân Ngọc, Thư ký của đồng chí Đỗ Mười, cho biết: bà Tạ Thị Thanh, vợ đồng chí Đỗ Mười là một người cực kỳ hiền hậu, khiêm tốn, giản dị và liêm khiết.

Những người con của ông bà Hàn Kính

Một chiều muộn vài năm về trước, tôi được nghe ông bà Nguyễn Văn Hướng - Tạ Tuyết Mai trò chuyện về một khoảng trong đời hoạt động cách mạng của mình. Năm đấy, ông bước sang tuổi 93, còn bà cũng đã 85 tuổi. Bà Tạ Tuyết Mai là em gái út phu nhân nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Ông bà sống trên gác 2 căn hộ tập thể của Ủy ban Khoa học xã hội trên phố Lý Thường Kiệt, giản dị như bao cán bộ hưu trí khác. Năm đấy vẫn là nhà thuê của Nhà nước chứ chưa có sổ đỏ. Bất giác tôi hỏi: “Có một ông anh rể như vậy, ông bà vẫn ở giản dị quá”.

Nghe thế, bà cũng cười hiền từ: “Có tiếng là một người làm quan cả họ được nhờ nhưng chúng tôi giữ ghê lắm. Giữ tiếng cho anh Đỗ Mười, không để anh chị phải mang tiếng”.

Mặc dù nội dung chính của cuộc trò chuyện là tôi nghe ông Nguyễn Văn Hướng kể về những năm tháng hoạt động phong trào sinh viên mà ông là một trong những thủ lĩnh nhưng ông bà cũng vui vẻ chia sẻ một vài nét đời riêng của mình.

Bà Tuyết Mai kể lại, cụ ông thân sinh là Tạ Đình Kính, người ở Chương Mỹ - Hà Đông (nay là Hà Nội) vào làm việc cho Pháp ở tòa sứ Phủ Diễn (Diễn Châu, Nghệ An) rồi lấy vợ và sinh sống tại đây. Cụ bà Hoàng Thị Tuyến người xã Diễn Kim.

 Ông bà Đỗ Mười - Tạ Thị Thanh ngắm chiếc áo dài - kỷ vật của Hồ Chủ tịch tặng khi sinh con đầu lòng Nguyễn Duy Trung. Tư liệu gia đình.

Nhắc đến cụ Tạ Đình Kính, người cao tuổi ở Diễn Châu đều biết với tên gọi ông Hàn Kính. Cụ sống đôn hậu, cho nên dù làm ở tòa sứ nhưng khi Xôviết Nghệ Tĩnh nổi lên năm 1930 - 1931, nhiều quan chức và cả nha lại các phủ huyện bị nhân dân lôi ra đánh đập nhưng ông Hàn Kính lại được che chở.

“Chả nhẽ khen bố mẹ chứ nói thật thành ra để phúc cho con, con cái học hành đến nơi đến chốn cả”. Bà rơm rớm nước mắt khi nhớ lại cha mẹ và các anh chị em.

Nghỉ hưu, chuyển ra Hà Nội, ông bà Hàn Kính bảo nhau dù đồng lương hưu ít ỏi, song, quyết tâm cho các con đi học. Trong khi dư luận đương thời đa phần không muốn cho con gái đi học. Có người khắc nghiệt chì chiết rằng “con gái đi học, biết chữ để viết thư cho giai”.

Còn ông bà Hàn Kính suy nghĩ khác: “Con gái mà được ăn học thì sau này lấy chồng không bị khinh thường”.

Vậy là 5 chị em gái và 1 anh trai cả người nọ dạy bảo người kia, dìu dắt, đùm bọc nhau học hành. Học hết trường xã, trường huyện, trường tỉnh ở Nghệ An rồi lại ra Hà Nội thuê nhà trọ học.

“Chị Thanh tôi đi học sớm, rồi ra đi làm nuôi em, coi như chủ trì trong gia đình, lo toan, sắp xếp tất cả, chững chạc lắm. Ngoài giờ dạy, chị còn đi dạy thêm tiếng Pháp cho con một công chức. Mấy chị em cứ tự hào nuôi nhau”, bà Tuyết Mai xúc động nhớ về những kỷ niệm cũ.

6 người con của cụ Hàn Kính, giờ chỉ còn mỗi mình người con gái út mà tôi được trò chuyện. Tên thật của bà là Tạ Thị Tuyết. Hoạt động cách mạng, bà lấy bí danh là Mai, từ đó cái tên Tạ Tuyết Mai gắn bó với cuộc đời bà. Trong kháng chiến chống Pháp, bà Mai làm việc tại Bộ Nội vụ.

Sau năm 1954, bà công tác tại Sở Y tế Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu. Một thoáng nghĩ, bà Mai kể rành rọt cho tôi nghe về từng anh chị em trong gia đình: Anh trai cả là Tạ Bính Thìn, làm kiểm soát viên ngành lâm nghiệp. Chị gái thứ hai là Tạ Thị Tỵ lấy chồng, về Lạng Sơn. Chị gái thứ ba là Tạ Thị Thanh, phu nhân đồng chí Đỗ Mười. Chị gái thứ tư là Tạ Thị Bạch, vợ ông Vũ Thiện Bảo, nguyên Trưởng ban Thanh tra Bộ Cơ khí Luyện kim (nay là Bộ Công thương).

Chị gái thứ năm là Tạ Thị Trinh (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội), phu nhân đồng chí Phan Mỹ, nguyên Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Và cô út Tạ Tuyết Mai, vợ ông Nguyễn Văn Hướng (tức Trần Vĩnh Uy), Vụ trưởng Vụ Hợp tác của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.

Bát cơm phiếu mẫu

Trong ký ức của người em gái út, bà Tạ Thị Thanh là người hiền từ. Dù làm Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Bệnh viện C (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương) hay phu nhân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) hay Tổng Bí thư, bà vẫn giữ một nếp sống giản dị, yêu thương mọi người như nếp nhà xưa. “Anh hỏi cán bộ cũ ở Bệnh viện C mà xem, ai cũng biết chị Thanh hiền hậu”.

Từ những năm 1960, có chồng làm cán bộ cao cấp (khi đó đồng chí Đỗ Mười đã là Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ) nhưng bà Thanh vẫn đạp xe đi làm. Thỉnh thoảng hai chị em gặp nhau ở bên kia đường nói chuyện gia đình rồi lại vội vã ai làm công việc người đấy.

Từ bé, những người con của ông bà Hàn Kính đã học tập tấm gương của cha mẹ, thương người như thể thương thân. Trong nhà dù có người giúp việc, người nấu bếp, là những người lớp dưới, song, con cái phải thưa gửi tử tế chứ không được hỗn hào. Dưới mái nhà ấy, không có phân biệt đẳng cấp, chủ nhà và người ở bình đẳng, thương quý nhau.

 Bà Tạ Thị Thanh. Tư liệu gia đình.

Mẹ mất khi bà Tuyết Mai mới 5 tuổi nhưng những ký ức về tình thương người của mẹ vẫn hằn sâu trong tâm trí bà. Thỉnh thoảng có bà ăn mày đến nhà, bà Hàn Kính lại sai con gái mang cho bà ăn mày bát cơm. Trong bát cơm, có khúc cá với đôi đũa. Có lần, cô con gái út được mẹ dặn mang ra và hai tay đưa mời bà ăn mày dùng cơm. Khi bà ăn mày đã khuất bóng, bà Hàn Kính lại gọi con gái mang bát đũa vào, để người giúp việc rửa và cất lên chạn bát.

Sau vài lần đến xin ăn như thế, có hôm, cả nhà hết sức ngạc nhiên khi thấy bà ăn mày đến biếu gia đình nửa quả mít. Có lẽ đó là quà cây nhà lá vườn của người đàn bà hành khất chắt chiu được ở quê nhà để tạ ơn bát cơm phiếu mẫu gia đình đã dành cho bà qua cơn đói khát lúc lỡ độ đường. Đó cũng là quả phúc của cha mẹ để cho con cái sau này mà mấy chị em cứ nhắc nhở nhau mãi, kể cả khi đã về già.

Lúc trẻ, mỗi người bận rộn với công tác cơ quan riêng của mình. Nghỉ hưu, mấy chị em gái mới có điều kiện thăm nhau thường xuyên hơn. Mỗi người một hoàn cảnh riêng, san sẻ với nhau tình cảm lúc về già.

Việc Đảng, việc nước đặt trọng trách lên vai Tổng Bí thư Đỗ Mười khi ông đã ngoài 80 tuổi cho nên ông không có nhiều thời gian chia sẻ chuyện nhà như những người anh em đồng hao khác.

Dường như càng bận việc nước, ông càng dồn tình thương yêu đến người bạn đời của mình một cách tế nhị. Khi người con trai đầu Nguyễn Duy Trung đau ốm, bà vào Nam chăm con, còn ông bận bịu với công việc của Đảng và Nhà nước, nhưng có thời gian nghỉ là ông lại vào thăm vợ con.

Có những phút bà Tạ Thị Thanh mong được cùng chồng nghỉ ngơi, để lại được cùng nhau ngắm những kỷ vật, như có lần ông bà cùng ngắm chiếc áo dài - kỷ vật của Hồ Chủ tịch tặng khi sinh con đầu lòng Nguyễn Duy Trung. Nhưng rồi bà đã ra đi trước. Còn ông vẫn nặng gánh việc Đảng, việc nước, nỗi ưu tư trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

“Chị Thanh tốt nhất nhà, hiền lắm, anh Đỗ Mười thương chị lắm. Chị mất, anh Đỗ Mười đưa cho tôi xem lá thư chị viết. Tôi nhớ mãi câu này chị viết cho anh: “Em chỉ nhìn thấy anh ở trên vô tuyến thôi”.

Ý của chị là anh bận công tác suốt, lúc này đau ốm nằm viện, chị mong anh có chút thời gian nghỉ ngơi để được vào thăm chị”, bà Tạ Tuyết Mai lặng lẽ lau nước mắt khi những ký ức về người chị hiền hậu cứ lần lượt trở về.

“Ở phường Phạm Đình Hổ, mọi người ai cũng biết rõ đồng chí Đỗ Mười và chị Tạ Thị Thanh - vợ của đồng chí - một người phụ nữ hiền lành, phúc hậu, sống rất giản dị, biết giữ gìn cho chồng, cho con, không làm điều gì để ảnh hưởng đến uy tín và công việc của chồng. Chị là bác sĩ phụ sản, Phó Giám đốc Bệnh viện C Hà Nội, rất tận tụy với công việc. Các y, bác sĩ và cán bộ, nhân viên trong bệnh viện cũng như bệnh nhân ai cũng khen ngợi chị về tinh thần làm việc và thái độ ân cần, vui vẻ đối với mọi người.

Từ ngày chị Thanh mất, đồng chí Đỗ Mười rất thương nhớ. Đồng chí vẫn sống một mình với con, với cháu, với anh em cảnh vệ ở trong nhà” (ông Phan Trọng Kính - Trợ lý đồng chí Đỗ Mười).

“Ông Đỗ Mười có một gia đình riêng rất tốt. Bà Thanh, vợ ông là một bác sĩ sản khoa. Bà là người cực kỳ hiền hậu, khiêm tốn, giản dị và liêm khiết. Ông có 2 người con, một trai, một gái. Chúng tôi quen biết gia đình đã nhiều năm, thấy các cháu bao giờ cũng lễ độ, hồ hởi, thân mật. Cả hai đều là cán bộ của Nhà nước. Cũng như cha mẹ mình, các cháu sống rất giản dị và khiêm tốn. Mấy chục năm qua, chúng tôi thấy gia đình vẫn dùng những đồ dùng cũ kỹ, không có cái gì tỏ ra xa hoa” (ông Trần Quân Ngọc - nguyên Thư ký đồng chí Đỗ Mười).