Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tổng Bí thư được giới thiệu làm Chủ tịch nước: 'Không phải nhất thể hoá, đây là tình huống'

“Ban chấp hành T.Ư đã giới thiệu người có đủ đức tài, rất đúng người, đúng việc, xứng đáng vào vị trí cực kỳ quan trọng, xứng tầm quốc gia và quốc tế. Nhân dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và mong Tổng Bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này”,

Cử tri Hà Nội bày tỏ quan điểm khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội tiếp xúc cử tri hai quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, ngày 8/10. Tổng Bí thư cho biết, đây không phải nhất thể hóa mà là tình huống.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 8/10. Ảnh: Như Ý.

Gánh vác trọng trách

Tại buổi tiếp xúc cử tri, vấn đề được nhiều cử tri nêu ra là việc Hội nghị T.Ư 8 vừa qua đã nhất trí 100% giới thiệu Tổng Bí thư ra Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Ủng hộ chủ trương này, theo cử tri Trần Văn Ngọc (phường Giảng Võ, Ba Đình), đây là việc hợp “lòng dân, ý Đảng”, ông mong muốn Quốc hội sẽ “đồng thuận cao”. Cử tri Lê Đức Hạnh (phường Kim Mã, Ba Đình) cũng rất phấn khởi, coi đây là hội nghị lịch sử.

“Ban Chấp hành T.Ư đã giới thiệu người có đủ đức tài, rất đúng người, đúng việc, xứng đáng vào vị trí cực kỳ quan trọng, xứng tầm quốc gia và quốc tế. Nhân dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và mong Tổng Bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng và Nhân dân”, cử tri Hạnh bày tỏ.

Là một trong số các Ủy viên T.Ư vừa tham dự Hội nghị T.Ư 8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, đây không phải vấn đề mới, mà cách đây 20 năm Đảng ta đã đặt ra. Và đến nay đã hội đủ điều kiện khách quan, thực tiễn đòi hỏi, phù hợp với quá trình cải cách thể chế của đất nước. “Điều này có lợi cho Đảng, cho đất nước trong quá trình chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là có lợi cho quá trình đối ngoại của nước ta”, ông Chung nói.

Theo ông Chung, điều các Ủy viên T.Ư tâm tư là, khi Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ phải gánh vác trọng trách nặng nề hơn, vất vả hơn. “Nhưng chúng tôi tin với sự tín nhiệm, sức khỏe, trí tuệ của Tổng Bí thư, chắc chắn Quốc hội sẽ nhất trí rất cao”, ông Chung phát biểu.

Cảm ơn các cử tri đã quan tâm, đồng tình, song Tổng Bí thư thấy “khó nói”, vì “liên quan cá nhân tôi, nên nói cũng không tiện”. Nhưng theo Tổng Bí thư, trước đã có thời Bác Hồ vừa làm Chủ tịch nước vừa là Chủ tịch Đảng. Đến bây giờ không phải nhất thể hoá, mà đây là tình huống. Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đột ngột, dù bệnh hiểm nghèo đã biết và điều trị hàng năm nay nhưng không qua khỏi. Bây giờ khuyết chức danh này thì phải có người làm thay.

Tổng Bí thư cho biết, Bộ Chính trị và T.Ư đã thảo luận nhiều phương án. Quá trình thảo luận rất dân chủ, trách nhiệm, T.Ư đã thống nhất cao giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Ông cũng lưu ý, không nên nói Tổng Bí thư “kiêm” Chủ tịch nước, vì đây là hai cơ chế, hai cơ quan khác nhau. Nếu “kiêm” thì vai nào chính, vai nào phụ? Nói thế là không chuẩn và cũng không nên nói “nhất thể hoá”. Theo ông, nôm na thì đây là bầu cho một người để làm hai công việc này.

“Đến giờ tất cả Ủy viên T.Ư đều đồng ý, bước đầu dư luận trong nước và quốc tế cũng đồng tình, ủng hộ. Cá nhân tôi xin trân trọng cảm ơn, tuỳ thuộc vào kết quả Quốc hội bầu rồi lúc ấy hứa hẹn sau”, Tổng Bí thư chia sẻ.

“Đến giờ tất cả Ủy viên T.Ư đều đồng ý, bước đầu dư luận trong nước và quốc tế cũng đồng tình, ủng hộ. Cá nhân tôi xin trân trọng cảm ơn, tuỳ thuộc vào kết quả Quốc hội bầu rồi lúc ấy hứa hẹn sau”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Không gương mẫu, làm cán bộ làm gì?”

Liên quan đến quy định về nêu gương, cử tri Trần Văn Ngọc cho rằng, đã ban hành nhiều văn bản, nhưng việc thực hiện chưa được như mong muốn. “Nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự nêu gương, nói không đi đôi với làm. Cần ban hành và có biện pháp quyết liệt hơn nhằm phục vụ cho việc lấy phiếu tín nhiệm, là bước chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XIII”, ông Ngọc nêu.

Cử tri Ngô Văn Thành cũng tâm đắc với quy định nêu gương và làm sao để nhân dân cùng tham gia giám sát. Ông đề nghị sớm ban hành quy định này, thậm chí Quốc hội cũng nên có quy định nêu gương của các đại biểu Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề: Tại sao lại phải ban hành quy định như vậy? Tổng Bí thư lý giải, trong toàn Đảng nói chung đã có nhiều quy định, quy chế, như Quy định về 19 điều đảng viên không được làm, rồi 27 biểu hiện suy thoái phải chống. Tất cả mọi cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện. Như Bác Hồ đã nói, đảng viên đi trước, làng nước theo sau.

Lý giải vì sao phải nâng tầm Ban Chấp hành Trung ương ban hành quy định này, theo Tổng Bí thư, như vậy vị trí sẽ lớn hơn, thẩm quyền cao hơn nhiều và tất cả phải thực hiện, trước hết là các Ủy viên T.Ư. “Nếu không gương mẫu thì làm cán bộ làm gì?”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đồng thời cho biết, T.Ư đã cân nhắc từng câu, từng chữ trong quy định.

“Mọi cán bộ đảng viên đều phải thực hiện các quy định đã có. Ở đây chỉ nhấn mạnh từng vị trí cao nhất với gần 200 Ủy viên T.Ư. Rất mừng là T.Ư thảo luận và đạt được sự thống nhất cao. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta nói thẳng trách nhiệm cụ thể các vị trí cao nhất. Từng cán bộ phải thực hiện để những người khác soi vào”, Tổng Bí thư chỉ rõ.