Học 'dốt' văn vẫn trở thành nhà văn
- 11:21 07-10-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giỏi văn, yêu sách từ nhỏ |
Khi đó, “thi sĩ tình yêu” đã được bầu là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa dân chủ Đức. Có vẻ chính Xuân Diệu cũng mơ hồ giữa tài năng văn chương và học vị. Theo quan điểm của giáo sư Hà Minh Đức: Một nhà văn học có nền tảng học giỏi văn càng tốt.
Song viết văn hay không nhất thiết phải học giỏi văn. Đương nhiên, càng không nhất thiết có học hàm, học vị. Một nhà nghiên cứu nước ngoài mới đây đưa ra phát hiện: Ở Việt Nam ngày càng có nhiều tiến sỹ nhà thơ. Nhưng học vị tiến sỹ không phải đôi cánh giúp nhà thơ làm thơ hay hơn. Có những nhà thơ không có bằng tiến sỹ vẫn là nhà thơ lớn như Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ…
Giáo sư Hà Minh Đức nhớ lại: Khi còn sống, nhà thơ Anh Thơ từng nói chuyện với ông. Bà bảo có người chê bà ít văn hóa, tác giả “Bức tranh quê” đáp lại: Hiện nay trình độ của tôi là trình độ đại học nhưng những bài thơ hay của tôi được viết khi tôi mới học lớp 3, lớp 4. Mới có giai thoại do nhà phê bình Ngô Thảo kể lại: Hai nhà văn nổi tiếng, nhà văn Nguyễn Minh Châu và nhà văn Nguyễn Khải từng làm văn hộ các con. Bất ngờ ở chỗ, hai bài văn do hai nhà văn nổi tiếng viết thay các con chỉ được chấm 2 điểm. Chính nhà phê bình Ngô Thảo cũng thú nhận: “Tôi từng làm văn phân tích thơ Tố Hữu giúp con gái tôi Ngô Thị Bích Hiền nhưng cũng chỉ được 2 điểm”.
Nhà văn “lạc đề”
Hồi học cấp 1, nhà văn Đỗ Tiến Thụy bị đánh giá là một cậu học trò dốt văn. Bài văn của anh thường bị phê: “lủng củng, lạc đề”. Ngay từ khi mới làm quen với môn tập làm văn, nhà văn quân đội đã có xu hướng phá bỏ khuôn khổ, đó là nguyên nhân dẫn đến sự thường xuyên lạc đề. Nhưng sang cấp 2, thầy giáo dạy văn mới lại “khoái” sự “lạc đề” của anh, bỗng nhiên anh trở thành học trò giỏi văn nhất lớp, có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi văn cấp huyện. Mặc dù vậy, ngay khi ôn luyện, thầy đã dự báo, cậu trò hay viết “lạc đề” khó giành giải.
Đúng như dự đoán, Đỗ Tiến Thụy trượt học sinh giỏi văn cấp tỉnh năm đó. Sang cấp 3, vì một trò nghịch ngợm khiến anh tạo chú ý ngoài mong muốn với cô giáo dạy văn trẻ trung, xinh đẹp tên Hoan, sau này tên cô đã đi vào sáng tác của anh. Bởi quan tâm nên cô phát hiện ra năng khiếu văn chương của cậu trò nghịch ngợm. Bài văn nào của Đỗ Tiến Thụy cũng được cô đọc mẫu trước lớp và đưa ra hội đồng văn của trường cấp 3. Nhưng khi con đường học văn của anh đang êm ái thì cô giáo Hoan đi lấy chồng, chuyển công tác.
Đó là năm Đỗ Tiến Thụy học lớp 11, thầy giáo dạy văn mới lại đánh giá cậu trò được cô giáo Hoan “cưng” cực kỳ dốt văn. Có lần thầy cho anh 3 điểm trong một bài kiểm tra văn được giao về nhà làm. Đỗ Tiến Thụy phản ứng dữ dội bằng cách nhai nát bài văn đó. Thầy giáo bắt trò Thụy viết bản kiểm điểm, hạ đạo đức của trò xuống mức trung bình. Kể từ đó, môn văn của Đỗ Tiến Thụy chỉ dừng ở 4-5 điểm, không thể đạt 6-7 điểm.
Điểm số môn văn thấp cùng nhận xét tiêu cực từ thầy giáo dạy văn cấp 3 khiến Đỗ Tiến Thụy không tin vào năng khiếu văn chương của mình. Anh không nuôi giấc mộng trở thành nhà văn mà muốn trở thành họa sỹ, dù không có năng khiếu. Đối với những bạn trẻ có ước mơ trở thành nhà văn nhưng kết quả môn văn trong trường chưa tốt, Đỗ Tiến Thụy khuyến khích: Các bạn cứ mạnh dạn theo đuổi ước mơ, vì học văn và viết văn có khi là hai câu chuyện hoàn toàn không dính líu.
Cho nên, nền văn chương ở ta cũng như ở tây mới đón nhận những tên tuổi lớn lên từ thực tế đời sống. Thí dụ, nhà văn Nguyễn Trí với tác phẩm gây tiếng vang “Bãi vàng, đá quí, trầm hương”. Hay như nhà văn của những người cùng khổ Nguyên Hồng, thiếu thốn tình yêu thương, mồ côi cha từ năm 12 tuổi, đến năm 16 tuổi đã lăn lộn kiếm sống trong các xóm chợ nghèo ở Hải Phòng. Nhờ những trải nghiệm trong đời sống thực tế nên Nguyên Hồng sinh nở thành công “Bỉ vỏ” được đánh giá như “bức tranh xã hội sinh động về thân phận những con người nhỏ bé dưới đáy”.
Những nhà văn giỏi văn, mê sách
Không thể không nhắc đến tác giả best-seller Nguyễn Nhật Ánh. Anh học giỏi văn, thích đọc sách, yêu sách và ấp ủ ước mơ trở thành nhà văn từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nếu ước mơ lớn không thành, anh quyết trở thành… chủ tiệm sách. Và hiện thực của anh đẹp hơn giấc mơ. Không những trở thành nhà văn, mà Nguyễn Nhật Ánh còn là tác giả của những tác phẩm ăn khách bậc nhất hiện nay. Chẳng những thế, tác giả “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” còn thực hiện cả ước mơ “dự bị”, trở thành ông chủ tiệm sách. Năm 2012, anh mở tiệm sách mang tên bộ truyện nhiều tập nổi tiếng của anh: Kính vạn hoa. Nhà văn của tuổi mới lớn cảm thông với bạn trẻ ngày nay, bởi họ chịu sự tấn công của quá nhiều loại hình giải trí, còn thời của anh, chỉ có sách làm bạn, nên tình yêu văn chương dễ nảy nở hơn.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng yêu thích văn chương từ nhỏ. Ông nội của anh là nhà nho đã dự cảm cháu mình theo nghiệp chữ nghĩa từ khi anh mới 7 tuổi: “Cụ viết hương sử, viết gia phả cho các dòng họ ở làng. Đặc biệt viết 1 quyển trên là chữ nho, dưới là quốc ngữ (chắc sợ con cháu sau này không biết chữ nho) ghi các chuyện cải cách ruộng đất. Và đề ở cuối sách là: “Quyển sách này để lại cho cháu Sơn” (tức Sương Nguyệt Minh)”.
Dù Sương Nguyệt Minh được thầy giáo và bạn bè công nhận giỏi văn nhưng anh thú nhận: “Điểm văn cao nhất cũng chỉ vài lần được điểm 8, vài lần được điểm 9, chủ yếu chỉ điểm 7. Không như bây giờ có cả điểm 10 văn”. Lý do điểm văn của Sương Nguyệt Minh (tên thật Nguyễn Ngọc Sơn) không thật cao, vì anh thích viết theo lối riêng của mình, không tuân thủ sách giáo khoa. Thầy giáo thấy hay nên không cho điểm thấp song cũng không phá lệ cho điểm cao được. Năm lớp 5, Sương Nguyệt Minh đoạt giải học sinh giỏi văn tỉnh Ninh Bình vì gặp thầy chấm điểm thích sự khác biệt.
Như mọi học trò yêu văn, anh có thú đọc sách: “Say mê đọc truyện đến mức đốt mất mấy cái chã kho cá (bằng đất nung). Hoặc, cứ nghĩ đến quyển truyện đang đọc dở đến mức vo gạo đổ vào nồi đồng nấu cơm, nhưng quên đổ nước. Cứ thế đun đến khi nó cháy khét um mới biết”. Bạn học phổ thông của Sương Nguyệt Minh nhớ đến anh với tài thơ phú: “Hồi đó, tôi làm thơ ào ào, đọc cho cả lớp nghe, các bạn phục sát đất”. Một hôm, bỗng dưng thầy hiệu trưởng đi họp ở huyện về kể: “Ở Nam Sách, Hải Dương có em Trần Đăng Khoa bằng tuổi các em, làm thơ in ở báo Thiếu Niên Tiền Phong, nổi tiếng cả nước. Thầy đọc liền 3 bài: Mưa, Góc Sân và khoảng trời, Sao không về Vàng ơi. Tôi thấy hay quá. Lúc đó mới biết đấy là thơ. Từ đó, không làm thơ nữa”.
Nhà phê bình Hà Minh Đức: Viết văn hay không nhất thiết học giỏi văn |
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy thường xuyên làm văn “lạc đề” |
Tố chất cần thiết của nhà văn Theo giáo sư Hà Minh Đức: Học giỏi văn thường đi theo hướng chính luận, phân tích, sau này có thể trở thành nhà nghiên cứu hoặc giáo viên dạy văn. Nếu nhà văn học giỏi văn thì càng tốt. Nhưng học giỏi văn không chắc đã trở thành nhà văn. Bởi nhà văn cần những tố chất quan trọng: Giàu cảm xúc, dễ thương cảm, dễ hòa nhập với cuộc đời. Giàu trí tưởng tượng, từ thực tế có thể suy nghĩ, mở ra cảm hứng. Và phải giàu vốn sống thực tế. “Tôi nhớ nhà thơ Tố Hữu từng đúc kết, đại ý: Một nhà văn cần ba thứ vốn, vốn chính trị, vốn văn hóa, vốn đời sống”, giáo sư nói. |