Thời gian qua, người dân trên địa bàn xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phải sống trong cảnh lo sợ vì bờ sông Lam đoạn qua xã này đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng khiến hàng chục héc ta đất nông nghiệp và nhà cửa đứng trước nguy cơ bị nước cuốn trôi và hàng trăm người dân đứng trước nguy cơ bị thất nghiệp do mất hết tư liệu sản xuất.
Dân bất lực nhìn "Hà Bá nuốt đất"
Thanh Giang là một xã thuần nông. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nhiều năm qua diện tích đất nông nghiệp ở địa phương này đang bị thu hẹp dần do tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra đến mức đáng báo động. Để khắc phục tình trạng đó người dân địa phương đã dùng nhiều biện pháp để giữ từng tấc đất như ra sức kè, đắp, trồng tre, cắm lau sậy nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
|
Bờ sông đoạn xóm Bình Ngô bị sạt lở nghiêm trọng. |
Có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận tình trạng sạt lở trở nên vô cùng nghiêm trọng. Dọc bờ sông vùng sạt lở kéo dài cả ngàn mét. Nhiều chỗ biến thành những vách đất dựng đứng cao từ 2 – 3m chênh vênh cứ mỗi đợt sóng mạnh là từng tảng đất màu mỡ lại đổ sập xuống sông và chìm nghỉm.
|
Hàng chục hecta đất nông nghiệp tại xóm Lam Dinh có nguy cơ bị mất trắng. |
Ông Huân một người dân ở xóm Ba Nghè, xã Thanh Giang bày tỏ với phóng viên, giọng đầy lo lắng: “Dân chúng tôi sinh sống ở đây đã từ rất lâu đời. Ngày trước khi tôi còn nhỏ thì bờ sông cách nhà chúng tôi cả gần cây số đi mãi mới đến. Bây giờ thì các anh chị thấy đấy, bờ sông chỉ cách nhà khoảng vài chục bước chân. Bà con nơi đây sinh sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nay đất nông nghiệp đã bị nước cuốn trôi rất nhiều, diện tích đất thì càng ngày càng bị thu hẹp, dân số thì tăng nên, không biết sau này, đời con cháu chúng tôi lấy gì để làm kế sinh nhai”.
|
Sạt lở kéo dài cả trăm mét từ xóm Bình Ngô đến xóm Lam Dinh. |
Bà H. một người dân sống ở xóm Giang Thủy, Thanh Giang cho biết: “Nhiều năm về trước, bờ sông Lam cách xa phía sau nhà tôi khoảng hơn 100m, đây là một bãi đất phù sa mà người dân trồng các loại rau, củ, hoa màu. Rồi theo từng năm, qua từng mùa mưa lũ, dòng sông Lam cứ xói lở dần đến nay dòng sông đã chảy sát ngay sau nhà. Nhiều phần đất vườn phía sau của hơn chục hộ dân ở đây đã bị ông "Hà Bá nuốt” mất. Dân chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi nhìn từng tấc đất bị cuốn trôi mà không biết làm gì hơn”.
Sạt lở càng ngày càng nghiêm trọng, "cát tặc" vẫn tung hoành
Trong quá trình ghi nhận thực trạng sạt lở tại khúc sông này, phóng viên phát hiện nhiều tàu hút cát vẫn miệt mài đưa những “vòi rồng” cắm sâu xuống lòng sông theo từng tiếng gầm rú của động cơ, cát được bơm lên tàu ào ào.
Theo người dân tại đây, tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng một phần do thiên tai, lũ lụt ngoài ra còn có tác động của hoạt động khai thác cát trái phép, hay còn gọi là "cát tặc".
|
Bến cát trái phép của ông Nguyễn Văn Đạt, xóm Giang Thủy đã tồn tại từ nhiều năm nay. |
Sát ngay đường là một bến cát trái phép ngang nhiên hoạt động hết công suất với tấp nập xe tải ra vào "ăn cát". Theo phản ánh của người dân địa phương, đó là bến cát của ông Nguyễn Văn Đạt trú tại xóm Giang Thủy. Và, cũng theo phản ánh của người dân địa phương, đó là bến cát hoạt động trái phép nhưng đã tồn tại từ rất lâu và là một trong ba bến cát ở huyện Thanh Chương nằm trong diện giải tỏa vì không đủ điều kiện để được cấp phép thế nhưng không hiểu vì lí do vì sao vẫn không thấy sự can thiệp của chính quyền địa phương.
|
Cát tặc khai thác gần bờ tại xóm Lam Dinh. |
Ông P., Đại biểu HĐND xã Thanh Giang nhiệm kì 2016 – 2021 nói về sạt lở như sau: “Có rất nhiều yếu tố dẫn đến việc sạt lở ở khu vực này như lũ lụt, sóng đánh do lượng nước những năm gần đây đổ về sông Lam rất lớn, làm biến đổi dòng chảy. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát bừa bãi dọc bờ sông Lam cũng gây sạt lở, sụt lún đất sản xuất”.
|
Dù 2 bên bờ bị sạt lở cả 1 đoạn dài, cuốn trôi hàng chục hecta đất nhưng tàu hút cát vẫn hoạt động hết công suất. |
Còn ông Trần Hữu Thống trú tại xóm Lam Dinh thì bức xúc: “Đấy chú nhìn xem tàu nó hút cát gần bờ sông như vậy bảo sao mà không sạt lở cho được. Dân ở đây đã dùng đủ mọi biện pháp để giữ đất như: Cắm lau sậy, trồng tre, trồng cây cổ thụ, cho cát vào bao tải để kè đắp nhưng vì hàng ngày có rất nhiều tàu khai thác cát trộm ở vùng này nên sạt lở vẫn cứ tiếp diễn”.
|
Ông Trần Hữu Thống, trú tại xóm Lam Dinh bức xúc chỉ cho PV 1 tàu đang ngang nhiên hút cát mà không có bất cứ sự cản trở nào của lực lượng chức năng. |
Trước thực trạng bờ sông sạt lở, "cát tặc" hoành hành phóng viên đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Tưởng Quốc Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Giang. Ông Thành cho biết: “Vùng đất bãi Thanh Giang là vùng hàng năm bị sạt lở rất nghiêm trọng, nguyên nhân là do nhiều yếu tố và điều này chỉ các nhà khoa học mới biết được là do thiên nhiên hay là do nạn khai thác cát gây ra. Còn việc bến cát trái phép buộc phải giải tỏa mà vẫn hiên ngang hoạt động thì tôi sẽ cho người ra kiểm tra lại, UBND xã cũng đang làm hồ sơ, thủ tục để giải tỏa bến cát này. Đến nay thì địa phương cũng chưa tìm ra phương án để khắc phục tình trạng sạt lở này ”.
Thực trạng sạt lở đã và đang diễn biến hết sức phức tạp cùng với nạn khai thác cát trộm, khai thác cát không đúng phạm vi, không đúng điểm mỏ đang hoành hành thì bà con nơi đây mong muốn chính quyền huyện Thanh Chương và ngành chức năng ở tỉnh Nghệ An khẩn trương có giải pháp xử lý triệt để, để cứu đất sản xuất nông nghiệp trước khi quá muộn.
PV báo Thời Đại tiếp tục chuyển đến bạn đọc thông tin mới nhất về vụ việc này.