Thể Công trở lại
- 09:42 03-10-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Viettel sẽ khoác lên mình màu áo của Thể Công trong mùa giải mới Ảnh: HẢI ĐĂNG |
Mãi mãi một tình yêu
Gắn với hình ảnh của một đội bóng mang trên mình màu xanh áo lính, Thể Công từng làm đắm say người hâm mộ cả nước với 13 lần vô địch giải hạng A miền Bắc, sau này là 5 lần vô địch quốc gia. Đặc biệt lối chơi rực lửa của đội bóng, luôn truyền ngọn lửa đam mê đến nỗi mà cứ hễ trận nào có Thể Công thi đấu thì dù là sân Hàng Đẫy hay các sân khác cũng đều có đông cổ động viên.
Nhưng rồi cơn lốc của một nền bóng đá những ngày đầu mới lên chuyên nghiệp đã làm cho đội bóng Thể Công chao đảo và phải xuống hạng vào năm 2004. Sau đó 2 năm, đội bóng này quay trở lại đỉnh cao cùng nhiều sự cải tổ mạnh mẽ nhưng chất lính đã không còn mà thay vào đó là những bản hợp đồng tiền tỉ. Lúc ấy, người yêu Thể Công đã cảm nhận được mặt trái của cơ chế bóng đá chuyên nghiệp. Đánh mất chính mình trong cơ chế thị trường, không còn hình ảnh của một “cơn lốc đỏ” đẹp mắt, năm 2009, Bộ Quốc phòng chính thức ra quyết định xóa tên Thể Công khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, chấm dứt 55 năm tồn tại của đội bóng ngành quân đội. Tháng 11 năm đó, Thể Công được tỉnh Thanh Hóa mua lại và sáp nhập với CLB Bóng đá Thanh Hóa.
Thời điểm bị xóa tên, Thể Công đã lấy đi nhiều nước mắt của người hâm mộ. Chính vì thế đã có nhiều cổ động viên của Thể Công tuyên bố “Mãi mãi một tình yêu với Thể Công” và rồi đúng dịp kỷ niệm 57 năm ngày thành lập CLB Thể Công, những người yêu đội bóng đã quyết định khởi động “chiến dịch” thu thập 1 triệu chữ ký ủng hộ trên cả nước, để kiến nghị Bộ Quốc phòng về việc thành lập lại đội bóng. Và giờ thì tình yêu ấy của người hâm mộ đã được đền đáp khi kể từ năm 2019, thương hiệu Thể Công sẽ quay trở lại.
Thách thức ở phía trước
Trở lại hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam sau gần 10 năm chờ đợi là thành công đáng ghi nhận của thầy trò HLV Nguyễn Hải Biên. Tuy nhiên, chơi thế nào cho xứng đáng với thương hiệu Thể Công “huyền thoại” một thời lại là bài toán đầy thách thức. Nhìn lại danh sách cầu thủ mùa 2018 của Viettel, chỉ có 3 cầu thủ từng được “nếm mùi” V.League là trung vệ, đội trưởng Bùi Tiến Dũng và Châu Ngọc Quang, Đinh Thanh Bình, mượn từ HAGL. Sau khi mùa giải hạng Nhất năm nay kết thúc, hai cầu thủmượn của HAGL sẽtrở về đội bóng chủ quản, Viettel chỉ còn đúng Bùi Tiến Dũng đã thi đấu một mùa giải V.League 2015 cho đội bóng “phố Núi”.
Vì thế người hâm mộ hoàn toàn có lý khi đặt ra câu hỏi, một đội hình mới mười tám, đôi mươi, thi đấu tại giải đấu cao nhất Việt Nam, liệu có đi theo vết xe đổ “chống xuống hạng” của lứa Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn hay không? Những Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Trọng Đại, Nguyễn Đức Chiến, Ngô Xuân Sơn… chưa chắc đã hay hơn lứa HAGL, mà kinh nghiệm trận mạc ở những sân chơi đỉnh cao lại là con số không tròn trĩnh.
Trở lại với tên Thể Công huyền thoại mà năm nào cũng phải chống xuống hạng, thì đó sẽ là nỗi thất vọng vô cùng lớn với người hâm mộ. Và để không xảy ra điều đó, Viettel phải chấp nhận tham gia vào thị trường chuyển nhượng. Thế nhưng, tuyển chọn ngoại binh hay các cầu thủ đến từ nơi khác lại dễ khiến đội bóng này bị chạm vào bản sắc “áo lính”. Còn nhớ, trước khi bị xóa sổ vào năm 2009, Thể Công khi ấy gặp rất nhiều vấn đề khi sử dụng ngoại binh và HLV ngoài quân đội. Chính những lùm xùm bên ngoài sân cỏ là một phần lý do khiến “tượng đài” của Bóng đá Việt Nam phải chuyển giao cho Thanh Hóa.
Cuối cùng, vì đại diện cho một tên tuổi lừng lẫy của bóng đá nước nhà, hậu duệ Thể Công sẽ luôn phải gồng lên mà đá để hình ảnh những chàng trai mặc áo lính sẽ luôn là hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ ở V.League