Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thảm họa Indonesia: Đã có 1.350 người chết

Số người thiệt mạng vì thảm họa kép động đất, sóng thần ở Indonesia tiếp tục gia tăng chóng mặt.

Indonesia vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp và dồn toàn sức cứu hộ nạn nhân thảm họa động đất, sóng thần ở đảo Sulawesi cho đến hết ngày 11-10. Chính Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi đến hiện trường vụ việc cũng bày tỏ lo lắng khi nguồn lực cứu hộ nội địa chưa thể đảm bảo công tác tìm kiếm, cứu hộ diễn ra một cách hiệu quả nhất trước tình thế cấp bách. Chính quyền Jakarta đã nhanh chóng chấp thuận sự hiện diện và cứu trợ từ phía các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác.

Palu - thành phố chết

Tính đến đầu giờ tối hôm qua (2-10), Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Indonesia thông báo với giới truyền thông có tất cả 1.350 người chết, trong khi trước đó một hôm con số này là 844. Điều đáng lo ngại là các cơ quan cứu trợ vẫn chưa thể thống kê hết thiệt hại về người do các vùng bị ảnh hưởng đã sụp đổ nặng nề. Nhiều người lo ngại rằng nếu không kịp thời giải tỏa các đống đổ nát khổng lồ, khả năng nhiều nơi sẽ trở thành những ngôi mộ tập thể. Trước đó, khoảng 200 thi thể người chết đã được đặt xuống một khu mộ tập thể ở ngoại ô Palu và cứ vài giờ lại có thêm những thi thể mới. Một số nạn nhân được đặt thẻ căn cước bên cạnh nhưng nhiều người khác thì không.

Bốn ngày kể từ khi thảm họa ập vào Palu và các vùng lân cận của đảo Sulawesi, nhiều người dân Indonesia nói với tờ Aljazeera rằng họ nhận được rất ít sự giúp đỡ từ chính phủ. Abdullah Sidik, một nạn nhân bị thương ở chân, kể lại ông đang đi cầu nguyện vào chiều thứ Sáu (28-9) thì trận động đất 7,5 độ Richter xảy ra. Ông vội vàng quay về nhà để tìm vợ và các con gái. “Mặt đất như hất tung mọi thứ lên. Lúc đó tôi bị hất văng ra và bị một mảng bê tông đè vào người từ phía sau khiến tôi không thể cử động được. Vợ và các con tôi thiệt mạng. Tôi mong chúng tôi có thể nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ. Palu là một phần của Indonesia và bây giờ nó trông như một thành phố chết” - ông Sidik nói với tờ Aljazeera.

Tại sân bay Palu cũng chứng kiến khung cảnh hoang tàn đến mức tồi tệ. Theo mô tả của Washington Post, hàng trăm người dân vây quanh các đường băng, hét lớn yêu cầu các nhà chức trách cho họ lên máy bay để rời khỏi thành phố. Thậm chí rất nhiều gia đình cố vượt qua, đạp ngã các rào chắn để không bị thất lạc người thân và con cái. Cô Iffa Elia, sống tại TP Birobuli Utara gần Palu, có mặt tại hiện trường kể lại “họ (các nhà chức trách) hét lên “phụ nữ, chỉ được phụ nữ”” (mới được ưu tiên). Mẹ của cô gái 24 tuổi này không muốn rời xa chồng nên quyết định ở lại cùng cô con gái thứ hai, vì vậy Elia phải lên máy bay một mình. Elia phải chờ vài giờ đồng hồ để làm thủ tục nhưng các viên chức hàng không cãi nhau, “và mọi chuyện lại trở nên rối tung, chúng tôi phải làm lại mọi thứ từ đầu” - Elia nói.

 Một người dân đi qua một khu đổ nát ở TP Palu. Ảnh: AP

Thiếu nhu yếu phẩm trầm trọng

Theo BBC, nhiều người ngày càng trở nên tuyệt vọng khi nhu cầu nước, thức ăn và nhiên liệu phục vụ quá trình cứu hộ gặp khó khăn. mọi người ở Palu đang nỗ lực tìm kiếm thực phẩm, thuốc men tối thiểu cho gia đình họ. Dịch vụ cơ bản và thiết yếu dành cho người dân ở Palu đã bị hủy hoại gần như tất cả, gần như không có trạm nước sinh hoạt, nước uống, năng lượng hay các cơ sở cung cấp thức ăn nào có thể hoạt động. Theo ước tính của CNN, có đến 200.000 người đang trong cảnh màn trời chiếu đất, chiến đấu với đói khát trong điều kiện khắc nghiệt.

Cũng ở Palu, xung đột giữa cảnh sát và người dân suýt xảy ra. Theo BBC tường thuật, một nhóm cảnh sát vũ trang đã được triển khai để bảo vệ một cửa hiệu trong khi bên ngoài người dân yêu cầu mở cửa cho họ vào trong. Cảnh sát đã có lúc phải la lớn yêu cầu người dân lùi lại, thậm chí đã bắn chỉ thiên khi sức ép người dân ngày càng lớn. Vài người dân đã ném đá vào cảnh sát. Nhưng sau đó cảnh sát đã mở đường để đám đông có thể vào, dù vẫn yêu cầu người dân chỉ được lấy thực phẩm. Một viên cảnh sát nói với BBC rằng trách nhiệm của anh ấy là bảo vệ cửa hiệu nhưng anh ấy không thể làm được gì khi nhu cầu của người dân quá cao.

Jamela Alindogan, PV của Aljazeera, có mặt tại Makassar, một thành phố cảng nằm ở phía Đông của Sulawesi, cho biết cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ cho người dân phải cần đến các cơ quan, tổ chức quốc tế và nước ngoài bởi phạm vi và mức độ thiệt hại sau thảm họa là rất lớn, bao trùm lên tất cả đối tượng chứ không chỉ người dân. “Nếu nhìn vào mức độ tàn phá do thảm họa gây ra, chúng ta sẽ thấy mọi người đều bị ảnh hưởng, bao gồm cả các nhân viên cảnh sát, nhân viên cứu hộ. Thậm chí là các nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe cũng là nạn nhân” - Jamela Alindogan tường thuật. PV này nói thêm: “Tại thời điểm hiện tại (bốn ngày sau thảm họa), vấn đề quan trọng là giải quyết vấn đề hậu cần để mở đường cho công tác cứu hộ, cứu nạn được diễn ra. Tất cả con đường dẫn đến các điểm bị ảnh hưởng do thảm họa phải được đảm bảo”.

Cơ hội sống sót với các nạn nhân ra sao?

Hội Chữ thập đỏ Quốc tế mô tả tình hình ở Indonesia là “ác mộng”. Theo BBC, Hội Chữ thập đỏ Indonesia đã tìm thấy thi thể 34 học sinh bị vùi lấp trong một nhà thờ đổ nát. Các em trong nhóm 86 học sinh đã bị mất tích khi đang tham gia hội trại tại trung tâm Jonooge. 52 học sinh còn lại vẫn chưa xác định được tung tích.

BBC dẫn lời Ridwan Sobri, phát ngôn viên Hội Chữ thập đỏ Indonesia, cho biết “khu vực tìm kiếm các em học sinh mất tích gặp phải tình trạng bùn lầy và đổ nát khủng khiếp và chúng tôi phải đi bộ khoảng 1,5 giờ để tiếp cận được khu vực gặp nạn. Điều kiện ở đó rất khó khăn”. Trong khi đó, tại khu vực khách sạn Roa Roa bị sập, các nhà chức trách đang cố gắng tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Có tất cả 50 người nhưng chỉ tìm thấy 12, trong đó chỉ ba người sống sót.