Phụ huynh ủng hộ nghỉ học thứ 7
- 07:35 30-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Nên cho tụi nhỏ nghỉ vào thứ 7. Tụi nhỏ học cả tuần rồi rất căng thẳng. Cần có thời gian để tụi nhỏ nghỉ ngơi và vui chơi" - ông Nguyễn Ngọc Hải một phụ huynh có cháu học tại cấp 3 tại TP.HCM đưa ra ý kiến về kiến nghị cho học sinh THPT nghỉ học thứ 7.
Học sinh Trường THPT Gia Định TP.HCM đã nghỉ học chính khóa thứ 7 |
Tuy nhiên theo ông Hải, nếu cho nghỉ học thứ 7 phải làm rõ là nghỉ học chính khóa chứ không nhất thiết học sinh không được đến trường. Ngày này, học sinh có quyền đến trường sinh hoạt câu lạc bộ, tham gia lớp học kỹ năng, hoạt động ngoại khóa. Hiện nay cháu của ông Hải được nghỉ học chính khóa thứ 7, nhưng vẫn tới trường để học kỹ năng sống, tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Cùng góp ý về đề xuất này, chị Trần Quỳnh Anh, quận Thủ Đức, TP.HCM cho rằng, nghỉ học thứ 7 nhưng không ảnh hưởng tới tiến độ học tập thì nên cho học sinh nghỉ. Nghỉ học thứ 7 sẽ giúp học sinh có thêm thời gian tham gia các hoạt động ngoài việc học tập các môn văn hóa.
Tuy nhiên theo chị Quỳnh Anh, điều khó khăn nhất hiện nay là các trường chưa đảm bảo được điều kiện về cơ sở vật chất cũng như khâu quản lý còn kém. Chị Quỳnh Anh e ngại, nếu nghỉ học chính khóa vào thứ 7 nhưng không quản lý chặt có thể sẽ sinh các hệ lụy như tổ chức dạy thêm, học thêm. Do vậy song song việc cho học sinh nghỉ học thứ 7 phải quán triệt về tư duy của người quản lý giáo dục và giáo viên nghỉ ngày thứ 7, để tránh tình trạng tận dụng cho học thêm.
"Nghỉ học là thực sự nghỉ ngơi có ích chứ không phải nghỉ lên trường hay kiểu không lên lớp nhưng giao cho học rất nhiều bài tập về nhà. Như vậy, học sinh mang tiếng nghỉ học nhưng vẫn phải "cày" bài tập ở nhà hay đi học thêm như vậy lên lớp đi học thêm một buổi vào thứ 7 cũng không sao"- chị Quỳnh Anh nói.
Cũng đồng tình với việc nghỉ học thứ 7, chị Huỳnh Phương, một viên chức ở Quận 10, cho rằng, việc nghỉ học chính khóa vào thứ 7 sẽ đồng nghĩa với giảm tải chương trình học, giảm áp lực thi cử, giảm hành chính trong quản lý giáo viên. Chị Phương đưa ra hai góc độ nhìn nhận về việc cho học sinh nghỉ học thứ 7.
Thứ nhất, ở góc độ giáo viên, rõ ràng nghỉ thêm ngày thứ 7 nhưng chương trình học vẫn như cũ, vẫn nặng nề trong thi cử và đánh giá, vẫn đầy thủ tục hành chính thì nghỉ thêm 1 ngày là càng thêm áp lực. Thứ 2, với phụ huynh nếu con nghỉ thêm 1 ngày mà kiến thức học vẫn vậy thì ngày nghỉ chắc chắn sẽ phải đi học thêm để giải quyết áp lực học tập cho con. Chưa kể, nếu nghỉ học mà không có chương trình sinh hoạt bổ ích thì mối lo của phụ huynh hiện nay là con sẽ sa đà vào chơi games. Theo chị Phương, từ hai góc nhìn trên nếu muốn nghỉ học thứ 7, thì phải giảm tải chương trình học.
Trong khi đó, anh Phạm Ngọc Tiến, một phụ huynh hoàn toàn ủng hộ cho học sinh THPT nghỉ học thứ 7 cho rằng hiện nay thời gian của học sinh ở trên trường đã quá nhiều, khi chỉ được nghỉ một ngày chủ nhật quá hơi ít. Vì vậy nên có hai ngày nghỉ cuối tuần để học sinh tham gia các hoạt động dã ngoại, đăng ký học thêm về năng khiếu, nghệ thuật hay sinh hoạt với gia đình.
"Tôi chỉ sợ chương trình nhiều quá nếu không học vào thứ 7 thì sẽ không kịp. Nếu sắp xếp được nên cho học sinh nghỉ để các cháu có thời gian học thêm kỹ năng mềm khác" - Anh Tiến nói và cho biết hiện tại con anh đã nghỉ học chính khóa thứ 7 vì trong tuần đã học cả ngày từ thứ 2 tới thứ 6.
Trong khi đó, chị Mai tự nhận mình là một phụ huynh không có chuyên môn cho hay, "nghỉ thứ 7 thì có kịp chương trình học không, còn nếu nghỉ thứ 7 mà không ảnh hưởng tơi chương trình thì ai cũng ủng hộ. Học sinh có thời gian thư giãn hơn. Ngoài học văn hóa các em được tự do học thêm điều mình thích. Theo chị Mai học sinh THPT nghỉ học là hợp lý và không ảnh hưởng tới việc làm của bố mẹ. Ở tuổi này các em đã lớn và các em hoàn toàn tự lập. Do vậy không phải lo không có ai trông như học sinh cấp 1.
Trên mạng xã hội ý kiến học sinh THPT nghỉ học thứ 7 được rất nhiều phụ huynh và học sinh ủng hộ. Các phụ huynh còn kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét khung chương trình phù hợp để học sinh được nghỉ ngơi hai ngày cuối tuần.