Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lời đề nghị nghìn đô của đại gia với nữ người mẫu chuyển giới

Để được sống với bản thân mình, Ánh Phong chấp nhận rủi ro, trải qua cuộc đại phẫu đầy đau đớn kéo dài hơn 4 tiếng tại bệnh viện ở Thái Lan vào năm 2013.

Lời đề nghị nghìn đô của đại gia với nữ người mẫu chuyển giới

6 giờ chiều, cô gái Lê Ánh Phong - tên thật là Lê Quốc Phong (SN 1988 - quê Quảng Ngãi), hẹn gặp chúng tôi trong một quán cà phê nhỏ ở góc phố Thanh Nhàn (Hà Nội).

Cô từng tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh, hiện là họa sĩ của nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Nội).

 Họa sĩ Lê Ánh Phong.

Với khuôn mặt ưa nhìn, chiều cao lý tưởng, Ánh Phong luôn thu hút ánh nhìn của cánh mày râu. Mở đầu câu chuyện, Ánh Phong chia sẻ mình sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em (3 trai, 4 gái).

Sớm mặc cảm về giới tính của bản thân, Ánh Phong sống thu mình, ít giao tiếp với mọi người.

Ánh Phong kể: “Trước khi chuyển giới, không đêm nào tôi ngủ ngon giấc, nước mắt ướt đẫm gối. Nỗi đau cứ thổn thức trong tim, không biết thổ lộ cùng ai. Có lúc tôi khao khát, ngủ một giấc dậy bản thân đã biến thành con gái”.

Khi đang là sinh viên đại học năm thứ 3, cô về nhà công khai giới tính thật với bố mẹ, họ từng rất sốc. Có nằm mơ họ cũng không nghĩ đến việc con trai của mình mang giới tính nữ.

“Bố mẹ tôi nói, lời thú nhận đó còn khủng khiếp hơn hàng vạn mũi dao đâm vào tim họ”, Ánh Phong nhớ lại.

Thế nhưng vượt qua tất cả, bằng tình yêu thương, bố mẹ đã ở bên che chở, bảo vệ Ánh Phong trước sự dị nghị của người đời.

“Thời điểm quyết định sang nước ngoài chuyển giới, mẹ khóc hết nước mắt, khuyên tôi nghĩ lại. Các chị thì bảo tôi đi tu… ”, đưa tay lau nước mắt, cô gái sinh năm 1988 bộc bạch.

Để được sống với bản thân mình, Ánh Phong chấp nhận rủi ro, trải qua cuộc đại phẫu đầy đau đớn kéo dài hơn 4 tiếng tại bệnh viện ở Thái Lan vào năm 2013. Một ngày sau khi hết thuốc tê, cô bắt đầu cảm nhận được thế nào nỗi đau như “chết đi, sống lại”.

 Lê Ánh Phong trước và sau khi chuyển giới.

Những ngày đó, Phong chỉ nằm một chỗ, ăn cháo trắng, mọi sinh hoạt đều nhờ chị gái hỗ trợ. Sau đó, cô bắt đầu tập đi lại.

Khi sức khỏe dần ổn định, cô trở về nước và tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ.

Giọng buồn rầu, Ánh Phong tâm sự: “Đến bây giờ, tôi vẫn gặp phải nhiều khó khăn bởi ngoại hình là nữ nhưng giấy tờ là nam. Đặc biệt là khi tôi tiếp cận với các vấn đề về y tế, mua thuốc nội tiết, khám phần phụ… ”.

Theo Ánh Phong, giờ cô hoàn toàn là người phụ nữ nhưng trong trường hợp cần khám phần phụ, với giới tính là nam, chắc chắn cô sẽ được chỉ định sang khám nam khoa.

Bên cạnh đó, nếu cần khám bệnh thầm kín, Việt Nam cũng chưa có chuyên khoa dành cho những người chuyển giới.

Bên cạnh những vướng mắc về giấy tờ, Ánh Phong buồn rầu cho biết người chuyển giới cũng mang tâm hồn yếu đuối, luôn khát khao được yêu như một người con gái thực thụ.

“Khi luật về chuyển đổi giới tính có hiệu lực, việc đầu tiên tôi muốn làm là thay đổi giấy giờ cá nhân và đổi tên thành Lê Ánh Phong, thay vì Lê Quốc Phong”, nữ họa sĩ sinh năm 1988 nói.

Tuy nhiên chặng đường tìm kiếm hạnh phúc của họ cũng vấp phải nhiều định kiến xã hội.

Đàn ông tìm đến con gái chuyển giới, buông lời yêu đương đôi khi chỉ để lợi dụng tiền bạc và tò mò xem yêu đương với người chuyển giới như thế nào…

Khi thỏa mãn xong, họ phủi tay, coi như chưa từng quen biết, để mặc cô gái đó với sự tổn thương sâu sắc.

“Bạn của tôi làm nghề người mẫu, khi đi diễn, cô ấy thường xuyên bị đàn ông rủ vào nhà nghỉ, khách sạn.

Lần đi diễn ở Hải Phòng, một người đàn ông trông lịch sự, bảnh bao đợi bạn tôi sau cánh gà, đưa mảnh giấy đề sẵn địa chỉ khách sạn và số phòng. Ông ta rỉ tai, sẽ tặng cô ấy một 1.000 USD nếu biết "chiều chuộng".

Người chuyển giới chúng tôi cũng là con người, có trái tim, trí óc và mong muốn cống hiến cho xã hội. Không phải ai cũng bất chấp tất cả, dấn thân làm những việc không đàng hoàng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cũng có một bộ phận nhỏ người trong giới phải làm nghề này vì khó tìm được công việc phù hợp" - Ánh Phong nói.

Vết trượt dài của nam sinh viên

Không may mắn như Ánh Phong, chàng trai Nguyễn Nhật Huy (SN 1993 - quê Hải Dương) từng sống trong tháng ngày đầy cơ cực.

 Ảnh: Shutterstock.

Huy chia sẻ, mình là người đồng tính nam. Trước khi trở thành chuyên gia trang điểm như hiện nay, Huy đã có quá khứ trượt dài trong bóng tối.

Kể về quãng thời gian đó, Huy buồn rầu nói: "Tôi biết giới tính của mình từ ngày học lớp 10. Tốt nghiệp cấp 3, tôi thi đỗ trường đại học ở Hà Nội. Bố mẹ đưa tôi lên nhập học.

Tôi quyết tâm học, tìm cơ hội thay đổi cuộc sống nhưng sang năm thứ 2, tôi yêu một anh làm chủ tiệm cầm đồ. Anh đưa tôi đi ăn chơi, lên sàn, bar. Từ đó tôi ham chơi, bỏ bê học hành và bị trường đuổi học".

Ban đầu Huy được người yêu chu cấp tiền bạc nhưng sau khi chia tay, anh lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Trong một lần lên sàn chơi với bạn, Huy được một nam thanh niên mời tham gia "công ty" của mình, đảm bảo lương cao.

Tò mò, Huy liên hệ theo số điện thoại nam thanh niên đó cho. Khi gặp mặt, anh ta chẳng giấu diếm, tiết lộ công việc của Huy là phục vụ các quý ông đồng tính giàu có.

Nghe thấy vậy, Huy tỏ ra e ngại nhưng cuối cùng anh đã nhắm mắt đưa chân vào nghề này.

"Khách tôi phục vụ cũng đủ các thành phần, dân văn phòng, kinh doanh... Có người vẫn lấy vợ, sinh con bình thường. Còn phía sau đó, họ tìm đến bọn tôi để sống với con người thật của mình.

Dần dần tôi chuyển hẳn sang làm trai bao dù biết làm nghề này dễ gặp rủi ro, bệnh tật.

Thỉnh thoảng có người còn đề nghị không dùng bao cao su cho cảm giác thật hơn, giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy hãi hùng.

Sau lần bị người tình ghen tuông, hành hung cùng với việc một người bạn của tôi phát hiện bị nhiễm HIV, tôi quyết tâm bỏ nghề, dùng tiền tiết kiệm đi học trang điểm.

Tôi nghĩ xã hội bây giờ cũng cởi mở hơn, những người thuộc cộng đồng LGBT có nhiều cơ hội làm việc, khẳng định bản thân mình. Hi vọng đừng ai như tôi", Huy cho biết.

(Còn nữa)