Dạy thêm, học thêm: Cấm cứ cấm, dạy cứ dạy
- 16:28 27-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khổ vì học thêm
Tình trạng một số trường, giáo viên liên kết với các trung tâm bồi dưỡng văn hóa (BDVH) để kéo học sinh trong trường ra ngoài dạy thêm đang khá phổ biến hiện nay. Ngoài những hình thức “tự nguyện” mang tính ép buộc mà phụ huynh buộc phải theo, một số trường còn có những “quy định ngầm” buộc học sinh phải tham gia các lớp học này. Hình thức tổ chức dạy thêm này thực chất là “núp bóng” nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Thực tế, các trung tâm chỉ cho thuê phòng học, còn giáo viên tham gia giảng dạy vẫn là giáo viên của các trường và người học là học sinh trên lớp của các giáo viên đó.
Chia sẻ với Lao động Thủ đô, một phụ huynh có con đang theo học cấp 2 trên địa bàn quận Ba Đình cho hay, năm ngoái khi con chị học lớp 7 cũng được các cô giáo dạy Văn, Toán, Anh của lớp ‘‘gợi ý’’ học thêm tại một trung tâm BDVH để ‘‘củng cố và nâng cao kiến thức’’, ban đầu chị không cho con học thêm vì lo con học hành vất vả sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thế nhưng sau đó con chị về nói rằng hầu hết những nội dung trong các bài kiểm tra đều được các cô dạy kỹ trong các buổi học thêm, do đó các bạn đi học thêm luôn được điểm cao. Vậy nên chị đành phải cho con đi học thêm.
|
Cũng theo phụ huynh này, vào giữa tháng 8 vừa qua, khi con vừa tựu trường thì đã được giáo viên chủ nhiệm phát một lá đơn mẫu để đăng ký các môn học như: Văn, Toán, Anh, Sinh, Vật lý… Nơi học vẫn là trung tâm BDVH mà năm ngoái con chị đã học. ‘‘Đây là cách làm nhằm hợp pháp hóa việc dạy thêm của các cô giáo một cách ‘‘danh chính ngôn thuận’’ mà thôi’’, chúng tôi rất bức xúc nhưng nếu phản ứng lại sợ ảnh hưởng đến các con nên đành thôi. Thực lòng chúng tôi không muốn con cái đi học quá nhiều vì mỗi ngày học 2 ca ở trường các con cũng đã quá mệt rồi. Vậy mà cuối ngày lại phải chạy đến chỗ học thêm do cô giáo sắp xếp thì quả thật quá vất vả.
Nhưng những kiến thức quan trọng liên quan đến các bài kiểm tra thì cô lại tập trung dạy ở lớp học thêm thì không cho con đi học không được. Theo tôi, việc quản lý dạy thêm cần được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn nữa, chẳng hạn nếu phát hiện giáo viên nào vi phạm thì phải xử lý theo quy định như mức kỷ luật trong luật viên chức. Chỉ nên cho dạy thêm chính đáng như bồi dưỡng học sinh yếu hay học sinh muốn học thêm tại trường cho ra lẽ văn minh mà văn minh ngay trong ngành giáo dục là cần thiết lớn cho xã hội”.
Một phụ huynh có hai con đang học ở một trường tiểu học thuộc quận Đống Đa cho biết: Hai cháu nhà tôi, một cháu đang học lớp 2, một cháu lớp 5. Năm nào cũng vậy, tôi vẫn phải cho các cháu đi học thêm, mỗi tuần từ 1 đến 2 buổi tại một số điểm dạy học gần trường. Thực sự, hiệu quả cũng không cao, tôi cho các cháu đi học thêm cho “bằng bạn, bằng bè” và để lấy lòng cô giáo là chính. Không ít phụ huynh chia sẻ với nhau như vậy. Bên cạnh đó, ngoài việc lo tiền đóng học thêm, phụ huynh lại thêm gánh nặng đưa, đón con đi học. Khổ đủ đường. Mặc dù vậy, theo tôi thấy, nhiều năm nay, các lớp học thêm của các cháu hầu như đủ sĩ số lớp tham gia…”...
Ngăn chặn bằng cách nào?
Thời gian qua, mặc dù ngành giáo dục đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh dạy thêm, học thêm nhưng hiệu quả còn hạn chế. Các cơ sở giáo dục hợp thức hóa các quy định về dạy thêm, học thêm bằng văn bản, giấy tờ hơn là chấp hành đúng trong thực tế. Một phụ huynh có con đang theo học tại Thanh Xuân bức xúc: ‘‘Có quan điểm cho rằng nhu cầu học thêm của học sinh là chính đáng, thu nhập dạy thêm của giáo viên cũng chính đáng, có gì phải cấm? Xin thưa, chỉ cần học thêm 3 môn, lịch học của học sinh sẽ kín cả tuần, các em không có thời gian để tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo.
Sự thụ động, rập khuôn sẽ chiếm chỗ trong tư duy của các em, nhất là những em không đủ sức khỏe hoặc lười biếng.Về thu nhập dạy thêm, chính đáng ra sao khi phụ huynh nghèo phải gồng lên trả tiền học cho con? Thù lao được hưởng là chính đáng, nhưng đưa học sinh vào tình thế phải đi học thêm là không chính đáng’’.
Thiết nghĩ, để chấm dứt dạy thêm, học thêm, trước hết phải thay đổi từ gốc, đó là chương trình dạy học. Chương trình phải được giảm tải, vừa sức học sinh, coi trọng kỹ năng ứng dụng và thực hành, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Nhà trường, gia đình và xã hội không chạy theo thành tích. Phụ huynh không thỏa hiệp, tiếp tay cho dạy thêm, học thêm.
Cần động viên, khuyến khích học sinh tự học ở nhà. PGS.TS Đặng Danh Ánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo và tư vấn Khoa học công nghệ đưa ý kiến cần kiên quyết cắt bỏ những kiến thức không cần thiết và kiến thức vượt quá sức lứa tuổi học sinh, giảm nhẹ nội dung chuyên môn, rèn luyện toàn diện, phát huy tính chủ động sáng tạo trong học tập của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh học tập thoải mái... thì mới tiến tới xóa bỏ được tình trạng dạy thêm, học thêm.
Được biết, gần đây, Sở GD – ĐT Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện và thị xã tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm.Theo đó, các Phòng GD – ĐT có trách nhiệm chỉ đạo các nhà trường quán triệt tới cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm. Kiểm tra, rà soát việc tổ chức dạy thêm của cán bộ, giáo viên trong và ngoài nhà trường, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những tổ chức, cá nhân tự mở lớp, ép buộc học sinh học thêm trái với quy định nếu có. Các quận, huyện cần tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường; phát hiện sai phạm, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm; thu hồi giấy phép nếu có sai phạm của các tổ chức, cá nhân dạy thêm trong và ngoài nhà trường.
Trước mắt phải làm thế nào để ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn đang diễn ra với nhiều “chiêu trò’’, điều này vẫn phải đòi hỏi sự vào cuộc sát sao của các cơ quan chức năng, chứ không riêng ngành giáo dục.