Loạn xe hộ đê hưởng miễn phí qua trạm BOT: Ai chịu trách nhiệm?
- 13:23 26-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xe gắn phù hiệu “xe hộ đê” qua Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng |
Cấp không đúng đối tượng phải bồi hoàn tiền phí
Tại buổi làm việc với PV Báo Giao thông mới đây, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Bộ NN&PTNT) - cơ quan được giao thẩm quyền cấp phù hiệu “xe hộ đê” Trung ương cho rằng, xe hộ đê không phân biệt biển trắng hay biển xanh. Khi cấp, cũng không cần phân biệt được cái nào là biển trắng, cái nào biển xanh, bởi khi các cơ quan có văn bản đề xuất là chúng tôi cấp, còn có cấp đúng đối tượng hay không là trách nhiệm của cơ quan đề nghị cấp phù hiệu “xe hộ đê”. Trong khi đó, tại địa phương, số lượng phù hiệu xe hộ đê được cấp cũng rất khác nhau, điển hình năm 2018, Hải Phòng cấp cho 39 xe, Hưng Yên 71 xe, nhưng của Hải Dương lên tới 250 xe.
Cách nhận biết phù hiệu “xe hộ đê” thật Đại diện Cục Ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, hình thức và phù hiệu “Xe hộ đê” được cơ quan có thẩm quyền cấp (được quy định rõ trong Quyết định số 113 ngày 16/1/2015 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Cụ thể: Phù hiệu “XE HỘ ĐÊ” hình chữ nhật; nền trắng có hình chìm biểu tượng của cơ quan có thẩm quyền cấp biển; khung có kích thước 13x24cm, nét màu đỏ, trong khung được chia làm 2 phần. Phù hiệu do T.Ư cấp (Tổng cục Phòng chống thiên tai cấp) phần trên có dòng chữ màu xanh ghi “TW - PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI”; dòng dưới chữ màu đỏ ghi “XE HỘ ĐÊ”. Phần dưới: Ghi biển số đăng ký xe được cấp, thời hạn sử dụng biển, thời gian cấp biển và chữ ký, dấu của cơ quan có thẩm quyền cấp biển. Phù hiệu do địa phương cấp, phần đầu có dòng chữ “PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI”, trên biển hiệu có Tem, chữ ký và con dấu của đơn vị cấp (tùy thuộc Sở, ban được UBND cấp tỉnh ủy quyền). Trên phù hiệu “xe hộ đê” có dòng chữ “Chỉ được sử dụng khi thi hành nhiệm vụ”. |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - chủ đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho rằng, cơ quan được giao thẩm quyền cấp phù hiệu “xe hộ đê” nhưng không biết cấp cho ai, không kiểm tra, giám sát đối tượng được cấp sử dụng thế nào, quy trình như vậy rõ ràng là rất lỏng lẻo. Tương tự, ở địa phương, mỗi nơi làm một kiểu, cùng một bộ máy phòng chống thiên tai, lụt bão, nhưng tỉnh này chỉ cấp vài ba chục chiếc, tỉnh khác lại cấp hàng trăm chiếc chứng tỏ quy trình cấp phù hiệu “xe hộ đê” đang bộc lộ kẽ hở, rất dễ bị trục lợi.
Theo ông Tỉnh, việc cơ quan chức năng cấp phù hiệu “xe hộ đê” không đúng đối tượng, không kiểm soát, quản lý người sử dụng phù hiệu được cấp gây bất bình trong dư luận, thất thu rất lớn cho chủ đầu tư các tuyến đường, bởi tiền thu phí tại các trạm thu phí hiện nay thực chất là tiền của người dân đóng góp để hoàn vốn cho dự án. Chỉ tính riêng với dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong hai năm 2016-2017, mỗi năm chủ đầu tư phải miễn phí cho các đối tượng “xe hộ đê” khoảng 30 tỷ đồng.
Các cơ quan chức năng cũng cần phải ban hành quy định xử lý đối với đơn vị được giao cấp phù hiệu “xe hộ đê” nhưng cấp không đúng đối tượng. “Dứt khoát phải có cơ chế hậu kiểm, hàng năm, Bộ GTVT và Bộ Tài chính cần quyết toán số tiền miễn phí cho các đối tượng “xe hộ đê”. Đối tượng nào được cấp không đúng đối tượng, sử dụng không đúng mục đích khi bị phát hiện sẽ phải truy thu số tiền đã miễn và tổ chức, cá nhân tổ chức cấp phù hiệu phải có trách nhiệm bồi hoàn”, ông Tỉnh đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng cho biết, đối tượng sử dụng phù hiệu “xe hộ đê” để đòi miễn phí rất tùm lum trên các tuyến tuyến do VEC đầu tư, quản lý, khai thác như: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình…
Đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc chấn chỉnh tình trạng cấp phép “xe hộ đê”, đảm bảo đúng đối tượng được cấp phép và sử dụng phù hiệu đúng mục đích.
Kẽ hở bị lợi dụng
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, “xe hộ đê” để được cấp biển và hưởng các chính sách ưu tiên của Nhà nước cần có quy trình đề xuất, rà soát chặt chẽ. Thực tế lâu nay, Bộ NN&PTNT là cơ quan có thẩm quyền cấp phù hiệu “xe hộ đê” nhưng chính họ không nắm rõ những biển này được cấp cho xe nào, chủ sở hữu là ai, vì cấp theo đề xuất của các cơ quan khác. Đây chính là một kẽ hở đã bị lợi dụng trong thời gian qua.
“Xe hộ đê không trong diện đi làm nhiệm vụ thì không thể được hưởng bất cứ chính sách ưu tiên nào, càng không thể ngang nhiên gắn phù hiệu rồi đi miễn phí qua các trạm thu phí được. Để xảy ra việc lợi dụng, cơ quan cấp phép biển “xe hộ đê” phải chịu trách nhiệm chính, ngoài ra, xe nào vi phạm pháp luật cũng phải xem xét, xử lý”, ông Nhưỡng nói.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Nhưỡng, trong quy trình cần quy định rõ, để được cấp phù hiệu “xe hộ đê”, cơ quan đề xuất huy động xe nào phải cung cấp biển số của những xe đó. Cùng với đó phải lập danh sách thông tin rõ những xe đó thuộc sở hữu của tư nhân hay của Nhà nước, nếu tư nhân thì của cá nhân nào, nếu Nhà nước của cơ quan, đơn vị nào, phải cung cấp cho cơ quan cấp phù hiệu “xe hộ đê” lý lịch trích ngang của chủ xe, tránh trường hợp cấp thẻ cho những xe không liên quan gì tới nhiệm vụ hộ đê.
“Đặc biệt, cơ quan chức năng phải yêu cầu những xe đăng ký cam kết không được sử dụng “xe hộ đê” vào những tình huống thông thường, chỉ sử dụng trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ”, ông Nhưỡng đề xuất.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội cũng khẳng định, việc lợi dụng chính sách ưu tiên của Nhà nước rõ ràng là sai, là vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý nghiêm.
“Những xe trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ cấp bách, bất khả kháng vì lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia thì sẽ được hưởng những quyền ưu tiên đặc biệt. Tuy nhiên, chỉ trong những trường hợp đặc biệt nên phải quy định rất chặt chẽ về quy trình, thủ tục, đối tượng để làm sao tránh bị lợi dụng”, ông Cường nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo làm rõ Chiều 24/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sau khi Báo Giao thông đăng loạt bài, ông đã có ý kiến chỉ đạo Tổng cục Phòng chống Thiên tai làm rõ sự việc. Trong ngày 24/9, Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) đã có văn bản phản hồi Báo. Văn bản do ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, việc cấp phù hiệu xe ưu tiên và việc sử dụng phù hiệu xe ưu tiên đã được Bộ NN&PTNT quy định chặt chẽ. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT đã cấp 568 biển/858 xe đề nghị. “Dựa trên dữ liệu Báo Giao thông phản ánh cho thấy, số lượt xe chạy trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng năm 2018 chỉ chiếm 25% so với cùng kỳ năm 2017 và 17% so với năm 2016 mặc dù lượng xe lưu thông trên tuyến đường này hiện đã tăng đáng kể”, đơn vị này cho hay. Liên quan đến thông tin một số xe biển trắng mang phù hiệu “xe hộ đê” của T.Ư lưu thông qua các trạm thu phí Báo Giao thông phản ánh, Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai khẳng định, cục không cấp biển xe hộ đê cho các xe BKS: 30E.558-19; 30E-850.86; 14A-048.67; 15A-154.68; 15A-326.89; 29D-307.95. Cũng trong ngày 25/9, làm việc với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, sau khi báo đăng về trường hợp xe sang biển trắng Lexus 29A-127.27 được cấp phù hiệu “xe hộ đê”, Cục đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và có văn bản đề nghị Công an TP Hà Nội kiểm tra, làm rõ. Bởi, đây là trường hợp được cục cấp phù hiệu “xe hộ đê” theo văn bản đề nghị của Công an TP Hà Nội. Ngoài trường hợp trên, cục đã rà soát, kiểm tra và khẳng định không cấp các phù hiệu “xe hộ đê” cho một số phương tiện được phản ánh trong bài: 30E-558.19, 30E-850.86, 14A-048.67, 15A-154.68, 15A-326.89, 29D-307.95. Vì vậy, đây không phải biển “xe hộ đê” thật. “Chúng tôi sẽ đăng công khai danh sách các xe được cấp phù hiệu “xe hộ đê” trên trang điện tử của tổng cục để các cơ quan chức năng, người dân và các trạm thu phí nhận biết, đối chiếu và phát hiện các trường hợp sử dụng biển giả hoặc sử dụng biển không đúng mục đích”, ông Quang nói. |