Ông Trump tính toán sai khi giáng đòn thuế vào TQ?
- 08:36 26-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giống như nhiều cuộc chiến khác, Mỹ bước vào xung đột thương mại với Trung Quốc trong tâm thế lạc quan, theo Washington Post. Cuốn "Những họng súng tháng Tám" của Barbara Tuchman là một nghiên cứu kinh điển về vòng xoáy vào Thế chiến I - một bầu không khí lạc quan mà trong đó tất cả các bên tham chiến đều muốn nhanh chóng chiến thắng – cho đến khi họ bị sa lầy thảm hại.
Ảnh: Wccftech |
Ở Iraq năm 2003, Mỹ đánh bại đội quân của Saddam Hussein trong ít ngày, và Tổng thống George W. Bush tuyên bố "sứ mệnh đã hoàn tất" chỉ vài tuần sau đó.
Giờ đây, Tổng thống Trump có một cách tiếp cận tương tự. Các cuộc chiến thương mại "rất dễ chiến thắng" – ông tuyên bố như vậy ngay từ đầu. Và khi cuộc chiến thương mại diễn ra, ông Trum dường như "ngây thơ" khi tính toán Bắc Kinh sẽ sớm phải đầu hàng.
Mỹ kỳ vọng gì?
Tổng thống Trump tuyên bố mục tiêu của ông là mở cửa thị trường Trung Quốc, giảm thâm hụt thương mại và giữ việc làm cho người Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất truyền thống.
Chiến lược của ông là đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc và sẽ tiếp tục dùng cách này nếu Bắc Kinh trả đũa. Ý tưởng là tận dụng lợi thế của thương mại bất đối xứng giữa hai nước để khiến Trung Quốc chịu thiệt hại nhiều hơn so với Mỹ, từ đó giành chiến thắng.
Nhưng liệu người dân Mỹ có ủng hộ một cuộc chiến tốn kém như vậy? Và với Trung Quốc sẵn sàng dấn bước vào một cuộc chiến kéo dài, liệu người dân Mỹ có quyết tâm tiếp tục con đường đã chọn?
Chính quyền Trump đã giảm nhẹ phí tổn của cuộc chiến thương mại này, viện dẫn nền kinh tế khỏe mạnh có thể chịu được mức tăng chi phí sát giới hạn với người tiêu dùng, và kỳ vọng các nhà sản xuất cả ở trong và ngoài nước nhanh chóng thế chỗ hàng Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã củng cố nền tảng của mình quanh triển vọng giữ được các ngành công nghiệp truyền thống khỏi sự cạnh tranh của Trung Quốc, nhưng lại "đánh lạc hướng" phần còn lại của đất nước về phí tổn thật sự của thực trạng hàng hóa và chi phí đầu vào tăng giá.
Do vậy, khi thực sự phải chịu các mức giá tăng cao, người dân sẽ giảm bớt ủng hộ dành cho chính phủ.
Trung Quốc phản đòn thế nào?
Trung Quốc cũng phải chịu thiệt hại từ cuộc chiến thương mại với Mỹ nhưng ban lãnh đạo nước này không chịu nhiều áp lực từ dân chúng.
Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn so với chiều ngược lại, vì vậy nước này không thể đáp trả thuế Mỹ theo kiểu 1-1. Nhưng Bắc Kinh có thể tăng gấp đôi nỗ lực xây dựng một nền kinh tế nội địa mạnh hơn, đồng thời tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới ở những nước mà họ có lợi thế kinh tế và ảnh hưởng chính trị. Hàng xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ thay thế hàng xuất khẩu Mỹ ở những nước đó.
Mối đe dọa kinh tế chính từ Trung Quốc nhằm vào Mỹ thực sự không phải là thép, ôtô hay các mặt hàng điện tử. Mỹ đánh thuế cao hơn vào hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ làm đổi hướng sản xuất tới Đông Nam Á hoặc Nam Á, những khu vực có lực lượng lao động tương đối dối dào và không cạnh tranh với nhân công Mỹ.
Vì vậy, các quan chức chính quyền Trump hiện đang nỗ lực giảm nhẹ nỗi đau do thuế gây ra, bằng cách tuyên bố rằng sản xuất của Trung Quốc sẽ bị thay thế bởi xuất khẩu mở rộng, nhưng chưa rõ điều này sẽ giữ việc làm cho người Mỹ như thế nào.
Theo Washington Post, sự cạnh tranh kinh tế thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung ở các ngành công nghiệp tương lai – robot, trí thông minh nhân tạo, công nghệ sinh học... Chính quyền Trump dường như tin rằng cuộc chiến thương mại sẽ khiến Bắc Kinh phải từ bỏ sáng kiến "Made in China 2025" (mà mục tiêu nâng cấp công nghệ của Trung Quốc để cạnh tranh với Mỹ). Nhưng xu hướng dường như ngược lại.
Do không tiếp cận được thị trường và công nghệ Mỹ, Trung Quốc sẽ tự xây dựng cơ sở công nghệ của riêng mình với tốc độ nhanh hơn, và sau đó sẽ bắt đầu trợ cấp và bán sản phẩm cho các thị trường mà Mỹ vốn vẫn chiếm ưu thế.
Cuộc chiến thương mại diễn ra và kết thúc ra sao?
Mỹ có thể thắng về ngắn hạn với việc Trung Quốc chấp nhận một số nhượng bộ để ông Trump tuyên bố chiến thắng. Nhưng về dài hạn, Mỹ có nguy cơ thua vì Trung Quốc sẽ nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và tự nâng cấp năng lực công nghệ của mình.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn có thể thay đổi tiến trình. Như trong hầu hết các cuộc chiến, một chiến lược hiệu quả hơn cả có thể là vận động các đồng minh – trong trường hợp này là tất cả những nước đang khiếu nại về các chính sách kinh tế của Trung Quốc. Trước một mặt trận thống nhất, Trung Quốc sẽ khó mà bù đắp cho việc bị loại khỏi thị trường Mỹ bằng cách xoay sang các thị trường khác.
Mỹ và Trung Quốc cũng có nhiều thủ tục hiệu quả để giải quyết tranh chấp và tránh tổn thất chiến tranh. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có các quy định rõ ràng về thương mại và một cơ chế xét xử khiếu nại về hành xử bất công bằng. Cơ chế của WTO có thể giúp Mỹ đáp trả Bắc Kinh vi phạm các quy định thương mại quốc tế.
Những vấn đề khác, đặc biệt là đầu tư và buộc phải chia sẻ công nghệ, không nằm trong vùng bao phủ của các quy định WTO hiện thời nên sẽ phải được đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. Tuy thể hiện sự sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc về thương mại, chính quyền Trump có thể tuyên bố "lệnh ngừng bắn", tiến hành những công việc ngoại giao cần thiết để lập một liên minh gồm các quốc gia cùng phản đối hành xử bất công bằng của Trung Quốc, sau đó đưa tranh chấp ra WTO và mở các cuộc đàm phán.
Đây dường như là một cơ hội - cũng có thể là cơ hộ cuối cùng – để lùi xa khỏi bờ vực một cuộc chiến lớn vốn không chỉ gây thiệt hại về ngắn hạn mà còn khó có thể dẫn Mỹ tới chiến thắng lâu dài.