Đông y gia truyền: Vạch trần thủ đoạn đặt tên thương hiệu
- 16:56 24-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đặt câu hỏi như thế cũng bởi, đông y gia truyền phải là bài thuốc của gia đình, có uy tín, được truyền lại cho 3 đời và phải chữa được cho 200 bệnh nhân có hiệu quả, được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xác nhận, cấp phép. Bản chất của Đông y gia truyền là thuốc sắc hoặc cao đan hoà tán. Đông y gia truyền sử dụng dược liệu từ cây cỏ, thiên nhiên để bào chế ra các sản phẩm như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…
Thế nhưng hiện nay, có rất nhiều thương hiệu tự xưng là đông y gia truyền, thật giả lẫn lộn, làm thế nào để hiểu được bản chất của vấn đề này?
Đặt tên thương hiệu theo Trend?
Trên thị trường TPCN từ lâu xuất hiện một loại sản phẩm giảm cân mang thương hiệu bà Dung. Theo quảng cáo trên các website và mạng xã hội, sản phẩm được bào chế từ bài thuốc gia truyền nhiều đời với 100% thảo dược “quý hiếm” trong tự nhiên như lá sen, kim ngân hoa, sơn tra, nụ vối, chè vằng, mè đen, trần bì, tinh nghệ…Chỉ cần sử dụng 1 – 2 liệu trình, khách hàng có thể giảm được từ 5 – 7kg/1 tháng…Những lời quảng cáo hoa mỹ về một sản phẩm TPCN giảm cân khiến không ít người tò mò rằng, liệu giảm cân bà Dung có phải được bào chế từ bài thuốc gia truyền hay chỉ là cách đặt tên của nhà sản xuất ?.
Sản phẩm giảm cân Bà Dung do công ty cổ phần thương mại Green World đăng kí công bố sản phẩm đã ngừng sản xuất. |
Sản phẩm giảm cân Bà Dung do công ty cổ phần thương mại Green World đăng kí công bố sản phẩm, số công bố 44492/2017/ATTP-XNCB. Tuy nhiên, khi trao đổi với một người là đại diện công ty CPTM Green World về nguồn gốc của bài thuốc gia truyền, PV khá bất ngờ: “Thực ra bà Dung là cách đặt tên thương hiệu của bộ phận Marketing chứ không phải là gia truyền”, người này xác nhận.
“Mặc dù sản phẩm đã được xác nhận công bố từ Cục ATTP, tuy nhiên trong quá trình kinh doanh, sản phẩm bà Dung bị làm giả, làm nhái quá nhiều và các bên cạnh tranh nên cách đây mấy tháng, công ty em đã ngừng sản xuất và báo cáo với Cục ATTP rồi. Hiện tại giảm cân bà Dung không còn tồn tại trên thị trường”, người này nói thêm.
Những chiêu trò quảng cáo về sản phẩm giảm cân Bà Dung. |
Tuy vậy, theo tìm hiểu, trên rất nhiều website bán hàng vẫn quảng cáo sản phẩm giảm cân bà Dung, nhưng khi tư vấn và bán hàng cho khách thì lại là sản phẩm khác.
Công ty Đông Dược bà Vân mà PV đã đề cập ở các bài viết trước của tuyến bài đông y gia truyền cũng không nằm ngoài xu hướng đặt tên công ty theo trend như những công ty khác (theo chia sẻ của một người làm Marketing của công ty này với PV).
Tiến Hạnh: Đông y gia truyền ma?
Trên thị trường TPCN giảm cân không thể không nhắc tới cái tên Tiến Hạnh bởi những vụ lùm xùm bắt giữ trong thời gian qua. Đầu năm 2018, công an Quận Bắc Từ Liêm phát hiện, bắt giữ một cơ sở sản xuất sản phẩm giảm cân, tăng cân giả có nhãn mác “Nhà thuốc Đông y gia truyền Tiến Hạnh”. Đáng lưu ý những sản phẩm được giới thiệu là “Thuốc Đông y” lại được điều chế từ bột ngô, mật mía, bột nếp… Sau quá trình điều chế thành thành phẩm, sản phẩm được đóng gói vào hộp và bán ra thị trường với mức giá gần 500 nghìn đồng. Hai đối tượng bị bắt là Đặng Việt Đông (24 tuổi, HKTT trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) cùng vợ là Nguyễn Thị Bình (20 tuổi, HKTT tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an cho thấy, trong các sản phẩm tăng cân, giảm cân mang nhãn hiệu Đông y gia truyền Tiến Hạnh bị thu giữ có chứa chất Cinnarizine và Sibutramine. Đây là những chất cấm sử dụng trong việc tăng cân, giảm cân.
Hai đối tượng bị bắt giữ. |
Được biết, tháng 4/2018, bà Nguyễn Thị Bình (Địa chỉ Huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) thành lập công ty TNHH Đông y gia truyền Tiến Hạnh, có địa chỉ tại Tầng 6, khối Văn phòng, Toà nhà MD Complex 68 Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đến tháng 7/2018, doanh nghiệp này thay đổi chủ sở hữu, giám đốc mới là bà Đặng Thiên Hương (Địa chỉ tại Yên Thành, Nghệ An).
Theo xác minh của PV tại Huyện Yên Thành, Nghệ An, bà Đặng Thiên Hương – Giám đốc công ty TNHH Đông y gia truyền Tiến Hạnh có tên ban đầu là Đặng Nữ Tài Thu (Xóm 5, Xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Điều này được ông Phạm Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành xác nhận.
Cùng với sự xác minh của chính quyền địa phương về nhân thân của bà Đặng Thiên Hương, được biết, hai đối tượng Đặng Việt Đông (trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) cùng vợ là Nguyễn Thị Bình (trú tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm bắt giữ vào ngày 24/3/2018 vừa qua vì sản xuất chế biến thuốc giảm cân, tăng cân mang thương hiệu Nhà thuốc “Đông y gia truyền Tiến Hạnh” chính là em trai ruột và em dâu của bà Đặng Thiên Hương – Giám đốc công ty TNHH Đông y gia truyền Tiến Hạnh.
Hiện công ty này đang tung ra thị trường số lượng lớn các sản phẩm giảm cân, tăng cân Đông y gia truyền Tiến Hạnh với bao bì, mẫu mã, nhãn mác mới.
Sản phẩm giảm cân Tiến Hạnh. |
Một nguồn tin cùng địa phương với bà Đặng Thiên Hương tiết lộ với PV: “Đặng Việt Đông và Nguyễn Thị Bình là em trai và em dâu của Đặng Nữ Tài Thu (Tức Đặng Thiên Hương). 7 người nhân công cùng bị Công an quận Bắc Từ Liêm tạm giữ trong ngày 24/3 vì sản xuất thuốc giảm cân, tăng cân giả cũng chính là người cùng quê Yên Thành. Hiện tại, với danh nghĩa là giám đốc công ty TNHH Đông y gia truyền Tiến Hạnh, bà Đặng Thiên Hương tiếp tục sản xuất sản phẩm giảm cân, tăng cân mang nhãn mác Đông y gia truyền Tiến Hạnh để tung ra thị trường”.
Cũng theo người này, gia đình Đặng Thiên Hương không hề có nghề gia truyền làm Đông y như quảng cáo. Bên cạnh đó, Hương cũng không được đào tạo hoặc có bất cứ bằng cấp gì về y dược học cổ truyền. Việc tung ra thị trường các sản phẩm Đông y gia truyền là không có cơ sở?!.
Trên website http://thuoctangcantienhanh.net/, thương hiệu “Nhà thuốc Đông y gia truyền Tiến Hạnh” được giới thiệu như sau: “Nhà thuốc đông y gia truyền Tiến Hạnh với kinh nghiệm 4 đời làm thuốc tăng cân cho mọi đối tượng. Được chiết xuất từ những dược liệu quý và thuốc được sản xuất tại cơ sở sản xuất Đông Y gia truyền Tiến Hạnh, Đức Thọ – Hà Tĩnh, được cấp phép và kiểm định bởi Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh…”
Tuy nhiên, trao đổi với PV, Thạc sỹ Lê Ngọc Châu – Giám đốc Sở y tế tỉnh Hà Tĩnh xác nhận trên địa bàn tỉnh không hề có Nhà thuốc Đông y gia truyền Tiến Hạnh. Sở y tế Hà Tĩnh cũng không kiểm định, cấp phép cho bất kì sản phẩm thuốc giảm cân, tăng cân nào có tên Tiến Hạnh.
Theo nhiều nguồn tin mà PV xác minh được, thì không hề có nhà thuốc đông y gia truyền Tiến Hạnh. Cái tên Tiến Hạnh không biết xuất xứ từ đâu, nguồn gốc thế nào nhưng khá nổi tiếng. Không ai biết chủ thực sự của thương hiệu này. Chính vì vậy, Đặng Thiên Hương đã đăng kí tên thương hiệu Tiến Hạnh trên Cục Sở hữu trí tuệ để được “đường đường chính chính” sở hữu thương hiệu này.